Kháng nguyên ung thư bào thai: CEA (Carcino-Embryonic Antigen) là một trong những chất chỉ điểm khối u chính của UTĐTT. Những nghiên cứu xét nghiệm CEA trong huyết thanh người cho thấy: 5ng/ml là giới hạn cao nhất ở người bình thường.
Bảng 4.1. Tỷ lệ CEA > 5ng/ml trong ung thư trực tràng theo một số tác giả
CEA ≤ 5 ng/ml (%) > 5 ng/ml (%)
Nguyễn Công Hoàng (2008) [15] 68,9 31,1
Võ Quốc Hưng (2004) [18] 53,8 44,2
Hoàng Mạnh Thắng (2009) [26] 37,2 62,8
Giải thích về sự khác biệt trên, do đối tượng nghiên cứu của chúng tôi ở giai đoạn 3, 4, trong khi các nghiên cứu của tác giả Nguyễn Công Hoàng gồm cả những BN giai đoạn sớm hơn. Do đó, tỷ lệ bệnh nhân có CEA > 5ng/ml trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn tác giả Nguyễn Công Hoàng [15]. Tuy nhiên tỷ lệ BN có CEA > 5ng/ml của tương đương với tác giả Võ Quốc Hưng nhưng thấp hơn tác giả Hoàng Mạnh Thắng vì nghiên cứu của tác giả Hoàng Mạnh Thắng lựa chọn cả những BN có di căn xa [18], [26].
Trước điều trị có 59,8% số bệnh nhân có nồng độ CEA ≤ 5,0ng/ml; sau điều trị tỷ lệ này đã tăng lên 73,6%. Điều này cũng thể hiện một phần tỷ lệ đáp ứng sau điều trị. Tác giả Võ Quốc Hưng khi nghiên cứu điều trị xạ trị cho các bệnh nhân ung thư trực tràng cũng cho thấy có hiệu quả. Nồng độ CEA sau điều trị cũng giảm hơn so với trước điều trị: tỷ lệ CEA ≥ 5ng/ml trước xạ trị 46,2%, sau xạ trị giảm còn 29,5% [18].
Với những bệnh nhân có nồng độ CEA trước điều trị cao thì có thể đánh giá đáp ứng thông qua sự thay đổi nồng độ CEA trước và sau điều trị. Chúng tôi đã tiến hành so sánh ghép cặp trên từng bệnh nhân về nồng độ CEA trước và sau điều trị ở 35 bệnh nhân có nồng độ CEA trước điều trị > 5,0ng/ml cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p = 0,001 (độ tin cậy 95%).
Tỷ lệ bệnh nhân có nồng độ CEA > 5ng/ml ở nhóm bệnh nhân giai đoạn 4 cao hơn nhóm giai đoạn 3, với p = 0,03. Điều này cho thấy ở giai đoạn muộn hơn số bệnh nhân có nồng độ CEA tăng cao càng nhiều; nghiên cứu cũng phù hợp với nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước. Theo Hoàng Mạnh Thắng: tỷ lệ CEA > 5ng/ml ở nhóm T4 cao hơn nhóm T3 [26]. Tác giả Kim, J. Y và cs cho thấy: nồng độ CEA sau điều trị giúp tiên lượng thời gian sống thêm và theo dõi sau điều trị cho các BN UTTT giai đoạn III. Ở những bệnh nhân có nồng độ CEA trước điều trị > 5ng/ml; nếu sau điều trị
nồng độ này giảm theo hàm số mũ (từ 0,9 đến 1,0) thì thời gian sống thêm 5 năm và thời gian sống thêm 5 năm không bệnh là 62,3% và 58,6% tương ứng. Ở nhóm có nồng độ giảm gần giống hàm số mũ (từ 0,5 đến 0,9) thì thời gian sống thêm 5 năm và thời gian sống thêm 5 năm không bệnh là 48,1% và 52,7% tương ứng [70]. Tác giả Park, Y. A. (2006) khi phân tích đơn biến cho thấy nồng độ CEA trước điều trị > 5ng/ml có liên quan đến đáp ứng kém với điều trị hóa xạ trị hơn nhóm có nồng độ CEA ≤ 5ng/ml. Với phương pháp phân tích hồi quy logistic cho thấy nồng độ CEA cao trước điều trị có giá trị dự báo tiên lượng xấu (Odd ratio = 2,876, khoảng tin cậy 95% = 1.04-7.46, p = 0,041) [96]. Tác giả Koca D Fau và cs (2012) nghiên cứu trên 221 BN UTTT giai đoạn II, III cho thấy mức độ di căn hạch, u giai đoạn pT4, nồng độ CEA sau phẫu thuật cao, di căn xa là các yếu tố tiên lượng xấu của bệnh [73].
Các tác giả trên thế giới đều cho thấy để đánh giá đáp ứng sau điều trị có thể dựa vào nồng độ CEA trước và sau điều trị, ở những bệnh nhân có nồng độ CEA tăng cao trong máu thì giá trị nồng độ CEA này có ý nghĩa tiên lượng bệnh và theo dõi hiệu quả điều trị [33].
8,6% (3/35) BN có nồng độ CEA tăng sau điều trị và điều này cũng phù hợp với lâm sàng là 3 trường hợp này bệnh tiến triển. Các trường hợp còn lại nồng độ CEA sau điều trị giảm hơn so với trước điều trị (91,4%). 5,7% bệnh nhân có nồng độ CEA sau điều trị giảm trên 20 ng/ml so với trước điều trị.
Tác giả Kim Y. J và cs (2012) nghiên cứu trên 489 BN UTTT giai đoạn tiến triển được điều trị HXT và PT từ 10/2001 đến 4/2007 đã ghi nhận không có mối tương quan giữa nồng độ CEA và thể tích khối u trước điều trị. Thời gian sống thêm toàn bộ 5 năm và thời gian bệnh không tiến triển lần lượt là 89,0%, 80,6%, 82,9% và 72,0%, 70,0% and 60,3% ở nhóm bệnh nhân có nồng độ CEA ≤3 ng/ml, >3-10 ng/ml và >10 ng/ml, tương ứng [71].
Theo phân tích đơn biến có 3 yếu tố ảnh hưởng đến đáp ứng sau điều trị đó là tuổi, giai đoạn bệnh và nồng độ CEA trước điều trị. Bệnh nhân nhóm tuổi ≥ 50 tuổi, giai đoạn 3, nồng độ CEA trước ĐT ≤ 5 ng/ml có tỷ lệ đáp ứng cao hơn nhóm bệnh nhân < 50 tuổi, giai đoạn 4, nồng độ CEA> 5ng/ml (với p <0,05). Các yếu tố khác như giới, loại mô bệnh học, độ mô bệnh học của khối u và tình trạng đáp ứng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên khi tiến hành phân tích đa biến chỉ có 2 yếu tố ảnh hưởng đến đáp ứng sau điều trị đó là nhóm tuổi, giai đoạn bệnh trước điều trị.