Khi áp dụng điều trị hóa chất toàn thân các bác sỹ lâm sàng cần theo dõi các độc tính trên gan và thận. Nếu các độc tính ở mức độ nặng cần phải ngừng điều trị, giảm liều thuốc và dùng các thuốc lợi tiểu, thuốc trợ gan.
Trước điều trị có 4,5% số bệnh nhân có nồng độ Creatinin trong máu cao, đặc biệt có 1 bệnh nhân có suy thận với nồng độ Creatinin trong máu > 170µmol/l do tổn thương chèn ép niệu quản trước điều trị, nhưng bệnh nhân đã được hồi phục sau hóa xạ trị. Sau điều trị số lượng bệnh nhân có tăng Creatinin độ 1 đã giảm xuống 3,4% điều này cho thấy thuốc hóa trị được sử dụng là phương pháp an toàn.
Tỷ lệ mắc bệnh viêm gan B tại Việt nam khá cao do đó khi điều trị hóa trị một số trường hợp bệnh nhân bị viêm gan cấp tính thậm chí thể tối cấp và ảnh hưởng đến tính mạng và quá trình điều trị. Do đó bệnh nhân cần được hỏi về tiền sử viêm gan, được xét nghiệm vi rút viêm gan trước điều trị để từ đó thầy thuốc có sự tiên lượng và chuẩn bị trước cho quá trình điều trị. Trước điều trị có 5 bệnh nhân (5,7%) có tăng AST độ 1; sau điều trị tỷ lệ bệnh nhân tăng AST độ 1 đã tăng lên 9,2%; không có bệnh nhân nào tăng AST độ 2, 4; có 2,3% bệnh nhân tăng AST độ 3. Nhìn chung độc tính trên hệ huyết học, gan, thận chủ yếu ở độ 1,2 và có thể khắc phục được.
Khác với sự thay đổi của các chỉ số huyết học trước và sau điều trị, quá trình điều trị hóa-xạ trị ít ảnh hưởng đến chức năng gan, thận của bệnh nhân. So sánh về giá trị trung bình của nồng độ Creatinin trước và sau hóa xạ trị thấy sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p = 0,16. Và khi so sánh 2 giá trị trung bình về nồng độ AST trước và sau điều trị thấy sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p = 0,145.