Mối quan hệ giữa dạy học và sự phát triển trí tuệ (tư duy Toán học)

Một phần của tài liệu phuong phap dau hoc toan hoc (Trang 29 - 32)

II. Một số hướng tiếp cận tư duy trong tâm lý học

2.7. Mối quan hệ giữa dạy học và sự phát triển trí tuệ (tư duy Toán học)

Dạy học, theo đúng chức năng của nó là dạy học phát triển. Muốn vậy, nó không được đi sau sự phát triển, phụ họa cho sự phát triển. Dạy học phải đi trước sự phát triển, kéo theo sự phát triển. Tức là dạy học không hướng vào trình độ phát triển hiện thời mà phải tác động vào vùng phát triển gần nhất trong trí tuệ của học sinh.

Nhiệm vụ của các nhà giáo dục hiện đại là phải chỉ ra được cách hiểu đúng đắn về mối quan hệ giữa dạy học với sự phát triển trí tuệ, trên cơ sở phê phán những quan điểm lệch lạc về vấn đề này. Trong thực tiễn có ba nhóm quan niệm: Thứ nhất, dạy học và phát triển dường như độc lập với nhau, dạy học đi song song và dựa trên thành tựu của sự phát triển, làm bộc lộ sự phát triển đó; thứ hai, dạy học chính là sự phát triển; quan niệm thứ ba, dạy học đi trước sự phát triển. Quan niệm này là khoa học, cách mạng. Hai quan niệm trên không phản ánh đúng mối quan hệ và vai trò của dạy học đối với sự phát triển trí tuệ.

Nhóm quan niệm thứ nhất chủ trương quá trình phát triển trí tuệ của trẻ em độc lập với quá trình dạy học. Đối với họ, dạy học là quá trình ở bên ngoài sự phát triển và phụ thuộc vào nó. Dạy học luôn đi sau sự phát triển và có vai trò không lớn đối với quá trình này. Nhóm quan niệm này tập hợp rộng rãi các nhà tâm lý học tiếp cận trí tuệ dựa trên học thuyết tiến hóa của S. Darwin hay học thuyết về di truyền nhiễm sắc thể, thậm chí cả những người theo quan điểm kiến tạo cũng ít nhiều có tư tưởng này.

Đối với những nhà tiến hóa luận thì hành vi trí tuệ của con người chỉ là kết quả của quá trình tiến hóa lâu dài theo con đường tập nhiễm. Sự phát triển của các hành vi này đã được lập trình từ đầu trong cả cuộc đời của mỗi cá thể. Còn theo những người chủ trương di truyền trí tuệ, thì sự phát triển và khác biệt về trí tuệ của cá nhân đã được quy định bởi yếu tố gen. Trong cả hai cách tiếp cận trên, dạy học chỉ là yếu tố làm bộc lộ sự phát triển đã tiềm tàng trong cơ thể.

Trong cách tiếp cận kiến tạo, quan hệ giữa dạy và học và phát triển trí tuệ được giải quyết khác so với quan niệm trên. Trước hết, tư tưởng chủ đạo của J. Piaget là tìm hiểu trí tuệ trẻ em được phát sinh và phát triển (tự phát) như thế nào, chứ không quan tâm đến làm thế nào để phát triển nó. Kết quả là, ông đã phát hiện ra, một mặt, trí tuệ được phát sinh, phát triển là do sự kiến tạo của cá nhân; mặt

khác, quá trình kiến tạo này được thực hiện bằng cơ chế đồng hóa và điều ứng bên

trong, hướng tới sự cân bằng nội tại. Quá trình này diễn ra theo trật tự hằng định, tùy thuộc vào sự chín muồi, thuần thục của hệ thần kinh. Từ các kết quả nghiên cứu này, xuất hiện quan niệm cho rằng dạy học không phải là những tác động nhằm “đốt cháy’’ các giai đoạn phát triển, mà làm cách nào để cho chúng được phát triển như là nó phải có, cả về phương diện mức độ, nhịp độ và tốc độ phát triển. Như vậy chu trình phát triển nội tại của trẻ vừa là tiền đề, là cơ sở của tác động dạy học, vừa là mục tiêu của nó. Dạy học và phát triển có mối quan hệ song hành và là điều kiện của nhau. Dĩ nhiên, nếu như ta phân tích được đầy đủ, sâu sắc, triệt để và khách quan toàn bộ chu trình phát sinh, phát triển trí tuệ cũng như các yếu tố chi phối quá trình này, thì việc xác lập mối quan hệ như vậy là có khía cạnh hợp lý.

Tuy nhiên, như đã phân tích, các công trình của J.Piaget mới chủ yếu xác lập được về phương diện cấu trúc logic – tâm lý, còn nhiều khía cạnh nữa trong đời sống của trí tuệ cá nhân không được đề cập. Mặt khác đã có không ít nghiên cứu thực nghiệm chứng minh được khả năng thay đổi nhịp độ phát triển của các cấu trúc trí tuệ và nhận thức của trẻ, nếu có chương trình dạy học phát triển. Những sự

kiện nêu trên làm cho quan điểm cho rằng giữa sự phát triển trí tuệ với dạy học có quan hệ song hành trở nên kém thuyết phục.

Đại diện điển hình của quan niệm đồng nhất dạy học với phát triển trí tuệ là các nhà tâm lý học hành vi. Đối với dạy học và phát triển dường như là một. Điều này bộc lộ khá rõ trong công thức (S → R). Theo họ, dạy học như thế nào thì phát triển sẽ là như thế. Về xu hướng tiếp cận của tâm lý học hành vi đã nêu trong mục (2.3) ở trên và đã rõ tính giáo điều của xu hướng này.

Nhóm quan điểm thứ ba, của L.X. Vưgotxki và các nhà tâm lý học hoạt động. Coi dạy học đi trước sự phát triển và kéo theo sự phát triển. Quan niệm này gắn với khái niệm vùng phát triển gần nhất do L.X. Vưgotxki đề xuất.

Đối với L.X. Vưgotxki, dạy học, theo đúng chức năng của nó, phải đi trước và kéo theo sự phát triển. Theo Ông, trước khi đến trường đi học (theo đúng nghĩa hẹp của nó), trí tuệ trẻ em đã được phát triển. Như vậy, dạy học (theo nghĩa hẹp) không phải là sự phát triển và nó được bắt đầu từ một trình độ nào đó của sự phát triển. Từ đây xuất hiện các khả năng quan hệ giữa dạy học với sự phát triển trí tuệ của trẻ em. Dạy học có thể kìm hãm hoặc thúc đẩy sự phát triển. Nếu đi sau sự phát triển, dạy học sẽ kìm hãm sự phát triển. Ngược lại, nếu dạy học đi trước sự phát triển, nó sẽ thúc đẩy, kéo sự phát triển trí tuệ đi lên.

Cái cốt lõi của dạy học phát triển là xác định đúng các trình độ phát triển của trẻ em. Theo L.X. Vưgotxki, cần thiết phải phân biệt hai trình độ trong suốt quá trình phát triển của trẻ: trình độ phát triển hiện thời và khả năng phát triển gần nhất (vùng phát triển gần nhất). Trình độ phát triển hiện thời là trình độ mà ở đó các chức năng tâm lý đã đạt ở mức chín muồi, còn vùng phát triển gần nhất là vùng trong đó các chức năng tâm lý đang trưởng thành chưa chín. Về phương diện chẩn đoán, mức độ hiện tại được biểu hiện qua tình huống trẻ em độc lập giải quyết nhiệm vụ, không cần sự trợ giúp bên ngoài. Còn khả năng phát triển gần nhất được thể hiện trong tình huống trẻ hoàn thành nhiệm vụ khi có sự hợp tác, giúp đỡ của người khác, và nếu tự mình thì đứa trẻ sẽ không thực hiện được. Như vậy, hai trình độ phát triển của trẻ, thể hiện hai mức độ chín muồi của các chức năng tâm lý ở các thời điểm khác nhau. Đồng thời chúng luôn vận động, vùng phát triển ngày hôm nay thì ngày mai sẽ trở thành trình độ hiện tại và xuất hiện vùng phát triển gần nhất mới.

Việc phát hiện ra các mức độ phát triển, trước hết liên quan tới sự chẩn đoán tâm lý và tác động của dạy học.

Trong dạy học, người giáo viên, ở góc độ tâm lý, nếu chỉ giới hạn ở việc xác định cái đã chín muồi mà không tính đến cái đang hình thành và phát triển thì sẽ không xác định được đầy đủ sự phát triển của học sinh. Nói cách khác, người giáo viên dạy học không chỉ hướng vào phát triển trình độ hiện thời mà còn phải phát hiện ra vùng phát triển gần nhất, thông qua dạy học hợp tác giữa học sinh và giáo viên trong quá trình dạy học. Tức là, khi làm rõ khả năng của học sinh trong tình huống có sự hợp tác, chúng ta sẽ xác định được các chức năng tâm lý đang chín muồi, mà trong thời gian gần nhất để tất yếu đạt tới trình độ hiện tại. Theo L.X. Vưgotxki, nguyên tắc hợp tác nhằm phát hiện vùng phát triển gần nhất cho phép trực tiếp nghiên cứu cái đã quy định sự chín muồi về tâm lý, trí tuệ và điều kiện để chúng được hoàn thiện trong tương lai. Điều này có giá trị to lớn trong dạy học phát triển. Ông cho rằng mọi ý đồ dạy học tách rời sự phát triển, coi hai yếu tố này độc lập với nhau và dạy học đi sau sự phát triển, hoặc cho rằng dạy học trùng khớp với sự phát triển, đều dẫn đến sai lầm, làm hạn chế vai trò của dạy học. Nếu hiểu đúng đắn vấn đề thì dạy học và phát triển phải thường xuyên có quan hệ hữu cơ với nhau, nhưng dạy học không phải là yếu tố đi sau sự phát triển, là điều kiện để bộc lộ nó. Dạy học có tổ chức đúng đắn sẽ kéo theo sự phát triển của trẻ, tạo ra sự sống cho hàng loạt quá trình phát triển, mà đứng ngoài dạy học thì sẽ không thực hiện được. Chỉ có dạy học đi trước sự phát triển mới tạo ra vùng phát triển gần nhất, mới thực sự kéo theo sự phát triển, định hướng và thúc đẩy nó. Dĩ nhiên, trong thực tiễn, phải lưu ý dạy học không được đi trước quá xa so với sự phát triển, càng không được đi sau nó. Dạy học và phát triển phải được cận kề nhau. Đồng thời phải quán triệt tư tưởng dạy học là sự hợp tác giữa người dạy và người học. Hoạt động dạy và hoạt động học là hoạt động hợp tác giữa thầy và trò. Chỉ có như vậy, dạy học nói chung, dạy học Toán nói riêng mới đạt hiệu quả tối ưu đối với sự phát triển của học sinh.

Một phần của tài liệu phuong phap dau hoc toan hoc (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(114 trang)
w