1.1.4.1. Vai trò
Giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc có tầm quan trọng trong dạy học lịch sử Việt Nam ở trường phổ thông nói chung, THPT nói riêng. Nó có tác dụng quan trọng không chỉ về mặt phát triển trí tuệ HS mà còn có tác động sâu sắc về giáo dục thái độ, tư tưởng, tình cảm và nhân cách sống của con người.
Bởi vì vấn đề độc lập dân tộc luôn được nhắc đến và trở nên quan trọng đối với tất cả mọi công dân của các quốc gia trên thế giới. Nó trở thành vấn đề sống còn của mỗi dân tộc. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, do tác động của cơ chế thị trường, của xu thế toàn cầu hóa, những âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực phản động trong và ngoài nước khiến cho một bộ phận không nhỏ những công dân trẻ của đất nước xem nhẹ vấn đề dân tộc, hờ hững với những vấn đề mang tính chất sống còn của đất nước đó là độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Điều này làm cho việc giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề độc lập dân tộc càng trở nên cấp thiết và có những tác động nhất định về mặt định hướng những giá trị chủ quyền của dân tộc và đất nước. Từ đó các em xác định được trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay. Đồng thời đây chính là một nội dung giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức của môn học cho thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước.
Mặt khác giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc trong dạy học lịch sử Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 ở trường THPT sẽ góp phần không nhỏ vào việc thực hiện sâu rộng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do TW Đảng và Bộ chính trị phát động. Thông qua quá trình dạy học, HS sẽ càng được củng cố lòng biết ơn những người có công với Tổ quốc, từ đó, các em sẽ có những nhận thức đúng đắn và vững vàng về Chủ tịch Hồ Chí Minh người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã được Unesco công nhận nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Người. Qua đó nâng cao ý thức đấu tranh để bảo vệ nền độc lập của dân tộc nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
1.1.4.2. Ý nghĩa
Với vai trò như trên, việc giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc trong dạy học Lịch sử nói chung, Lịch sử Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 nói riêng ở trường THPT có ý nghĩa đối với HS trên cả 3 mặt
Thứ nhất, việc giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc trong dạy học Lịch sử Việt Nam nói chung, Lịch sử Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 nói riêng ở trường THPT giúp các em hiểu sâu sắc Lịch sử dân tộc.
Ví dụ khi dạy học bài 18 chương trình Lịch sử lớp 12 “Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946-1950)”, giáo viên sử dụng tài liệu “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài học ở mục 2, phần I: “Kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ” để làm rõ tư tưởng ĐLDT của Người được thể hiện như thế nào trong văn kiện này. Để giáo dục cho HS ý chí về độc lập tự do trong tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo viên phải hướng dẫn các em phân tích “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Qua phân tích HS hiểu sâu sắc nội dung văn kiện nói về vấn đề gì? Trên cơ sở đó các em hiểu rõ lý do tại sao Đảng ta mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp.
Thứ hai, việc giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong dạy học Lịch sử Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 cũng chính là thực tế sinh động về thắng lợi của việc thực hiện chủ trương đường lối lãnh đạo cách mạng của đảng ta và tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc giành và bảo vệ ĐLDT. Đồng thời nó cũng phản ánh quy luật phát triển của lịch sử dân tộc: dựng nước đi đôi với giữ nước.
Ví dụ khi dạy học chương trình lịch sử lớp 12 THPT bài 19 “ Bước phát triển của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1951- 1953)”, bài 20 “Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp kết thúc (1953-1954)”. Từ những kiến thức chung về thắng lợi của quân dân ta qua các chiến dịch như “Biên giới 1950”; “Đông xuân 1953-1954”, “Điện Biên Phủ 1954” trong cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp, thông qua việc hướng dẫn HS tìm hiểu các chiến thắng tiêu biểu trong giai đoạn này, những sự kiện, nhân vật lịch sử cụ thể sẽ giúp các em hiểu sâu sắc về bước phát triển của cuộc kháng chiến chống Pháp và gợi dậy trong trái tim các em tinh thần yêu nước, ý thức đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc. Từ đó HS nhớ lâu,
hiểu sâu sắc bản chất sự kiện lịch sử các khái niệm kháng chiến, chiến tranh du kích, vận động chiến.
* Về rèn kĩ năng
Thứ nhất, việc giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc trong dạy học Lịch sử Việt Nam nói chung và Lịch sử Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 nói riêng ở trường THPT, góp phần phát triển cho HS các năng lực nhận thức như tri giác, nhớ, hình dung, tưởng tượng và các thao tác tư duy như phân tích, tổng hợp, so sánh, khái quát hóa, trừu tượng hóa.
Thứ hai việc giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh về ĐLDT khi giảng dạy Lịch sử Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 ở trường THPT, góp phần phát triển cho HS kỹ năng, kỹ xảo bộ môn như phát triển khả năng đánh giá, sử dụng tài liệu, SGK. Từ đó biết đánh giá chân thực sự kiện, hiện tượng lịch sử đã diễn ra, thấy được mối liên hệ giữa các sự kiện lịch sử dân tộc với giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh về ĐLDT, từ đó rút ra bài học, giá trị của lý luận với thực tiễn lịch sử. Từ việc nhận thức về kiến thức đến rèn kĩ năng, thái độ tới phát triển toàn diện học sinh.
Thứ ba, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc trong dạy học Lịch sử Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 ở trường THPT còn góp phần giúp các em phát triển nhân cách, các năng lực hành động, hoạt động thực tiễn như khả năng tham gia thiết kế, xây dựng các đồ dùng trực quan phục vụ cho việc học tập Lịch sử, sưu tầm tài liệu. Qua đó giúp các em có hứng thú trong học tập, tích cực tuyên truyền, có hành động cụ thể, thiết thực trong việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Ví dụ khi dạy học bài 20 chương trình Lịch sử lớp 12 “Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp kết thúc (1953-1954)”, giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh về sưu tầm tư liệu bằng văn bản, hình ảnh tư liệu về những tấm gương chiến đấu dũng cảm “quyết tử” để bảo vệ nền độc lập dân tộc của quân dân ta giai đoạn này. Qua việc thực hiện bài tập sẽ rèn luyện cho HS năng lực thực hành bộ môn.
* Về giáo dục thái độ, tình cảm, đạo đức.
Trong giai đoạn hiện nay, nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế với những mặt tích cực đã đem lại kết quả khả quan trong bước đường đổi mới toàn diện của đất nước. Tuy nhiên do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế làm đất nước ta cũng đứng trước những thách thức, nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, mất độc lập dân tộc. Vì vậy hơn lúc nào hết chúng ta phải tăng cường hơn nữa việc giáo dục tư tưởng đạo đức, tinh thần yêu nước, hình thành nhân cách và ý chí trân trọng và bảo vệ nền độc lập của dân tộc cho thế hệ trẻ. So với các bộ môn khác trong trường phổ thông, bộ môn lịch sử có ưu thế trong việc giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh về ĐLDT, đạo đức cho HS. Điều này giúp GV làm tốt việc giáo dục một khía cạnh trong nội dung giáo dục tư tưởng tình cảm cho HS qua môn Lịch sử ở trường phổ thông là truyền thống dân tộc mà nổi bật là truyền thống yêu nước, ý chí đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ ĐLDT. Bên cạnh đó qua việc giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh về ĐLDT còn giúp GV giáo dục HS lòng kính yêu, biết ơn các bậc tiền bối đã chiến đấu hy sinh quên mình vì độc lập tự do của Tổ quốc. Qua đó có tác dụng định hướng tư tưởng, hành vi đúng đắn cho HS trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Tóm lại từ những phân tích ở trên cho thấy, việc giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc thông qua dạy học Lịch sử Việt Nam nói chung, Lịch sử Việt Nam từ 1945 đến 1975 nói riêng sẽ góp phần vào thực hiện mục tiêu bộ môn nói chung là nhằm trang bị và hình thành cho HS:
Nhận thức --> Kiến thức --> Kĩ năng --> Thái độ --> Hành vi đúng đắn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, góp phần phát triển toàn diện HS