Hạn chế của đề tài nghiên cứu

Một phần của tài liệu Tác động của tín dụng qui mô nhỏ đối với kinh tế hộ trên địa bàn thành phố huế (Trang 110 - 112)

Do thời gian nghiên cứu không dài, năng lực nghiên cứu có hạn nên đề tài nghiên cứu có nhiều điểm hạn chế sau:

1) Chưa đánh giá được đặc điểm và tác động của từng loại tổ chức tín dụng như: Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng người nghèo, các NGOs và các tổ chức tín dụng khác hoạt động trên địa bàn thành phố.

2) Chưa tiếp cận được một cách tổng thể các nguồn cho vay để nắm số liệu về dư nợ, tình hình huy động vốn...qua đó hình dung được bức tranh tổng thể về tỉ lệ của vốn TDQMN so với các nguồn vốn phát triển khác.

3) Các hộ điều tra ngẫu nhiên chưa phải là hộ nghèo thực sự theo chuẩn qui định của chính phủ (do tình hình kinh tế của thành phố được cải thiện mạnh trong những năm qua) nên chưa thể đánh giá được tác động giảm nghèo của các chương trình TDQMN.

4) Các tiêu chí đánh giá hiệu quả của tín dụng qui mô nhỏ chưa có tính khái quát hoá cao. Do vậy áp dụng cho các vùng có đặc điểm KT-XH khác thành phố Huế nhiều lúc chưa phù hợp.

5) Do điều kiện kinh tế của người vay vốn ở mức khá nên không thể áp dụng mô hình cho vay như các thiết chế tài chính đã sử dụng ở các quốc gia nghèo khác, ví dụ kết hợp cho vay tín dụng kết hợp với tiết kiệm (tự nguyện và bắt buộc), cho vay vốn khẩn cấp, bảo hiểm vốn vay...chưa được triển khai phổ biến tại thành phố Huế. Kết quả là tính đa dạng của sản phẩm tín dụng đang nghiên cứu không phong phú như dự đoán ban đầu của tác giả.

6) Chưa đánh giá được sự tác động của chính sách lãi suất của các tổ chức tài chính đối với tình hình biến động vay vốn của các hộ gia đình. Ví dụ như đề tài có đưa ra câu hỏi về việc vay thêm của khách hàng khi mức lãi suất tăng 0,3%/tháng thì đa số trả lời là muốn vay thêm, chúng tôi chưa có điều kiện để đưa ra thêm nhiều mức tăng lãi suất khác để biết phản ứng của khách hàng.

7) Đề tài chưa loại trừ được các ảnh hưởng tích cực ngoài ảnh hưởng của tín dụng qui mô nhỏ, theo chúng tôi đây là những ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế hộ như: sự phát triển kinh tế chung của địa phương, hạ tầng cơ sở được chỉnh trang và xây dựng mới, chính sách xã hội ưu tiên cho các đối tượng có thu nhập thấp.

8) Chúng tôi thấy một hạn chế lớn nhất của đề tài là chưa có điều kiện để điều tra "đối chứng" các hộ không vay vốn TDQMN để việc đánh giá tác động của TDQMN đến kinh tế hộ được toàn diện hơn, có sức thuyết phục hơn.

Tác giả hy vọng rằng các hạn chế này sẽ được khắc phục trong một nghiên tiếp theo khi điều kiện cho phép.

Một phần của tài liệu Tác động của tín dụng qui mô nhỏ đối với kinh tế hộ trên địa bàn thành phố huế (Trang 110 - 112)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(118 trang)
w