ĐẨY KINH TẾ CÁC HỘ GIA ĐÌNH VAY VỐN PHÁT TRIỂN
4.1.1. Quan điểm mở rộng chương trình tín dụng qui mô nhỏ
Quan điểm mở rộng phát triển chương trình TDQMN về nguyên tắc phải bám sát quan điểm phát triển kinh tế xã hội 2006-2015 và kế hoạch 5 năm 2006-2010 của thành phố. Các chính sách TDQMN có tác dụng rất mạnh mẽ đến kinh tế và đời sống của các hộ gia đình hiện tại đang có mức thu nhập trung bình. Với thực trạng về chính sách tín dụng hiện hành; cơ chể tổ chức và hoạt động tín dụng trên địa bàn hiện nay mặc dù đã và đang có những đóng góp tích cực cho địa phương theo hướng xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế đô thị nhưng việc tổ chức các hoạt động tín dụng, chính sách tín dụng qui mô nhỏ vẫn còn một số điều bất cập cần nghiên cứu và chỉnh lý.
Hoạt động TDQMN trên địa bàn thành phố Huế đã phát triển mạnh mẽ trong 10 năm qua, nằm trong chính sách ưu tiên của thành phố trong chương trình phát triển kinh tế chung của toàn thành phố do sản xuất và kinh doanh cũng như nhu cầu về đồng vốn của các hộ gia đình ngày càng tăng cao theo tốc độ phát triển kinh tế, do vậy việc cải tiến và hoàn thiện dịch vụ cho vay của các CTTDQMN có vai trò rất quan trọng góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của thành phố.
Điều này đòi hỏi các cơ chế chính sách về vay vốn TDQMN phải từng bước được điều chỉnh, hệ thống tín dụng cần được cải tiến và tự hoàn thiện để có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu vay vốn cho các hộ gia đình có thu nhập
trung bình và hướng tới là các hộ gia đình có thu nhập trên trung bình, và toàn bộ khách hàng có nhu cầu vay vốn. Trong tương lai hoạt động TDQMN và các chính sách tín dụng cần phải hướng tới khả năng đáp ứng tối đa các nhu cầu về vốn bằng việc đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, các loại sản sản phẩm tín dụng, tạo điều kiện cho các hộ gia đình phát huy hết năng lực sản xuất của mình, kích thích đầu tư, tăng cường tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hiện có của hộ gia đình.
Các tổ chức tín dụng và các NGOs hoạt động liên quan đến tín dụng trên địa bàn thành phố cần phải hướng đến mục tiêu tự hoàn thiện mình về cơ chế hoạt động, tăng cường năng lực, bổ sung nguồn vốn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn của các hộ gia đình cần vay vốn của CTTDQMN trên địa bàn thành phố.
4.1.2. Mục tiêu
Với những cơ sở lý luận và thực tiễn đã được phân tích qua quá trình nghiên cứu về tác động của tín dụng QMN đối với kinh tế hộ gia đình trên địa bàn thành phố Huế, chúng tôi thấy rằng hoạt động tín dụng nói chung và chính sách tín dụng nói riêng cần xác định những mục tiêu và giải pháp của mình theo các định hướng cơ bản sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục khai thác tối đa các nguồn vốn để mở rộng các chương trình cho vay, đối tượng cho vay và mở rộng các loại hình sản phẩm tín dụng. Thông qua việc thực hiện các giải pháp tín dụng để đạt được những mục tiêu cụ thể về tăng doanh số huy động vốn, tăng doanh số cho vay, dư nợ vay, các loại hình vay...
Thứ hai, theo xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế thì các tổ chức hoạt động trên lĩnh vực tín dụng qui mô nhỏ cần giải quyết được các vấn đề mâu thuẫn giữa hai kiểu hoạt động là hoạt động tín dụng phục vụ cho mục tiêu chính sách xoá đói giảm nghèo và hoạt động tín dụng phục vụ cho mục tiêu kinh doanh tiền tệ theo cơ chế thị trường. Hoạt động TDQMN thuộc dạng
chính sách có tác dụng hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách được ưu tiên. Hoạt động tín dụng theo cơ chế thị trường sẽ đảm bảo một thị trường vốn rộng rãi và cạnh tranh bởi các tổ chức TDQMN khác nhau, tăng nhu cầu vốn cho xã hội và bảo đảm được tính có lãi của hoạt động tín dụng.
Thứ ba, điều chỉnh và hoàn thiện các chính sách và kiện toàn các tổ chức tín dụng QMN với định hướng kinh doanh theo cơ chế thị trường nhằm nâng cao năng lực thực sự cho các tổ chức tín dụng và đồng thời tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế và tăng tốc độ giải ngân hấp thụ một cách có hiệu quả nhất.