KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu Tác động của tín dụng qui mô nhỏ đối với kinh tế hộ trên địa bàn thành phố huế (Trang 103 - 110)

1. Kết luận

Trên cơ sở nghiên cứu đánh giá tác động của TDQMN đối với kinh tế hộ gia đình trên địa bàn thành phố Huế, trong luận văn này chúng tôi có thể rút ra một số kết luận sau đây:

Thu nhập của các hộ gia đình tham gia tín dụng phần lớn đã tăng lên do có sự tác động của việc vay vốn, tạo cho hộ gia đình có điều kiện để đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, kinh doanh phi nông nghiệp hoặc các nghề khác.

100% con cái của người vay trong độ tuổi tới trường đều được đến trường, không phải bỏ học do thiếu tiền đóng học phí, các cháu cũng đã được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn.

Các hộ vay vốn sau một thời gian đã có tích luỹ và đã mua sắm được một vài tài sản có giá trị trong gia đình.

Đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện sau một quá trình tham gia vay vốn.

Phụ nữ có khuynh hướng tham gia nhiều vào các quyết định trong gia đình và đã mạnh dạn tham gia vào các hoạt động cộng đồng, đây cũng là một kết quả đáng khích lệ nằm ngoài kế hoạch của các nhà tài trợ và các tổ chức cho vay vốn…

Việc tập huấn vay vốn đã mang lại những kết quả tích cực và cần phải duy trì khi cho vay. Việc tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chưa mang lại những kết quả như mong muốn là góp phần nâng cao thu nhập của người dân, cần được cải thiện để việc tập huấn mang tính thực chất hơn.

Khách hàng vay vốn của chương trình TDQMN phần lớn là phụ nữ, đa số họ có ý thức tốt trong việc tiết kiệm, tìm cách gây lãi để trả nợ, giữ uy tín, đây cũng chính là một thành công của chương trình giúp người vay có ý thức tự lập, không trông chờ ỷ lại vào vốn tài trợ của nhà nước như trước đây.

Nạn bạo hành gia đình và bình đẳng nam nữ đã có sự cải tiến đáng kể, vợ chồng con cái sống sum vầy hạnh phúc và có ý nghĩa hơn vì họ đã phần nào tự lập được cuộc sống và hiểu rõ giá trị lao động của mình.

Các tổ tương trợ là nồng cốt của tình làng nghĩa xóm góp phần xây dựng tình đoàn kết và đời sống mới trong các khu dân cư. Các tổ viên vay vốn trong tổ tương trợ gần gũi nhau hơn và sẵn sàng giúp nhau trả nợ vay khi một thành viên của tổ gặp sự cố rủi ro.

Nạn cho vay nặng lãi ở địa phương giảm đi đáng kể do việc tiếp cận với nguồn vốn vay rất đơn giản, thuận lợi, dễ dàng hơn.

Sức khoẻ cộng đồng được cải thiện một bước do thu nhập tăng và hộ gia đình có thể sử dụng một phần thu nhập để mua thực phẩm dinh dưỡng hoặc mua thuốc khi đau ốm. Sức khoẻ được cải thiện giúp người vay có cơ hội để kiếm thêm việc làm nhằm tăng thu nhập.

Người dân sau khi vay vốn TDQMN có thể đủ tự tin để vay vốn ở các NHTM với số vốn lớn hơn để dùng cho những kế hoạch làm ăn lâu dài mang lại nhiều lợi nhuận hơn.

Nếu xét trong một chỉ tiêu tổng thể về sự tác động của TDQMN đối với kinh tế hộ gia đình thì chỉ tiêu này sẽ bao gồm thu nhập tăng lên, trẻ em được tới trường học, chăm sóc y tế được cải thiện, bình đẳng nam nữ có bước tiến bộ...và ta thấy rằng tất cả những chỉ tiêu nhỏ trong chỉ tiêu tổng hợp có sự cải

thiện đáng kể do đó có thể kết luận rằng TDQMN đã có tác động tích cực đối với kinh tế hộ gia đình.

2. Kiến nghị

Trong khi thế giới có chương trình thiên niên kỷ để xoá đói giảm nghèo thì hoạt động của chương trình tín dụng qui mô nhỏ ở các nước đang phát triển có một vai trò rất quan trọng đối với chương trình giảm nghèo này.

Nhà nước Việt Nam đã có chương trình mang tên "Chương trình nghị sự 21" [34] định hướng phát triển kinh tế đất nước theo chương trình Thiên niên kỷ của thế giới, trong đó có nội dung sẽ cùng hợp tác với các nước khác và chia sẽ kinh nghiệm xoá đói giảm nghèo. Trong lĩnh vực này, Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bực và đã được các thể chế tài chính quốc tế như WB, ADB,... đánh giá cao và xem đó như là một mẫu mực để các nước đang phát triển khác noi theo.

Theo đánh giá của một số chuyên gia về tài chính thì việc nhà nước Việt Nam nâng cao chuẩn nghèo đói đã làm cho tỉ lệ người nghèo của Việt Nam tăng cao, do vậy quốc gia cần phải có một quyết sách mới, một sự phấn đấu mới để nâng cao mức sống của người dân lên một tầm cao mới - sự cải thiện đáng kể về chất lượng sống. Đây cũng thể hiện quyết tâm cao của chính phủ trong việc xây dựng một nước Việt Nam " Độc lập - Dân chủ - Phồn vinh" xã hội "Công bằng - Dân chủ - Văn minh".

Để cải thiện tình trạng nghèo đói của một cộng đồng dân cư, cần phải có một loạt các giải pháp ở tầm vĩ mô và vi mô, của địa phương và cả trung ương, của sự nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách cũng như những người được hưởng lợi. Trong phạm vi của luận văn nghiên cứu cao học, chúng tôi mạnh dạn xin nêu một số kiến nghị liên quan đến hoạt động của tín dụng qui mô nhỏ để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương, nhất là cải

thiện đời sống nâng cao thu nhập của các hộ nghèo, hoặc có khả năng tái nghèo nếu không có những sự hỗ trợ kịp thời.

+ Đối với nhà nước

- Quốc hội cần ban hành một văn bản luật chi qui định rõ hoạt động của tín dụng qui mô nhỏ. Phải tính tới các hoạt động cho vay theo kiểu họ, hụi và các phương án giải quyết tranh chấp khi thực sự có tranh chấp xảy ra.

Nền kinh tế Việt Nam ngoài nền kinh tế công khai còn có nền kinh tế ngầm. Được hiểu là những giao dịch hoặc thu nhập không quản lý được. Việt Nam có gần 3 triệu kiều bào sống ở nước ngoài, một lượng lớn kiều hối được chuyển về nước không nằm trong sự kiểm soát của nhà nước Việt Nam. Để đưa nguồn vốn này vào hoạt động tài chính chính thức, nhà nước nên có chính sách thông thoáng hơn về việc thành lập các tổ chức tín dụng qui mô nhỏ (về lãi suất, điều kiện thu hút tiết kiệm, bộ máy quản lý, cơ chế giải quyết tranh chấp....). Nếu làm được điều này chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước có kế hoạch thành lập ngân hàng tín dụng qui mô nhỏ tại Việt Nam. Cơ hội cạnh tranh với các ngân hàng trong nước sẽ tăng lên. Và đây cũng sẽ là một khuynh hướng của Việt Nam chuẩn bị các điều kiện để gia nhập WTO.

- Chính phủ cần thường xuyên đánh giá tình hình hoạt động của các ngân hàng tín dụng qui mô nhỏ, phát hiện các vấn đề vướng mắc nảy sinh, các nguy cơ có thể làm cho nhà đầu tư, tài trợ rút vốn...và có những điều chỉnh kịp thời đảm bảo cho hoạt động loại này được tiến hành một cách bình thường và phát triển vững chắc.

- Thực hiện triệt để cải cách hành chính trong việc cho phép thành lập các ngân hàng tín dụng qui mô nhỏ. Theo ý kiến của chúng tôi, nếu các ngân hàng này hoạt động trong phạm vi địa phương thì Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc TW có thể ký quyết định cho thành lập là đủ. Nếu phạm vi hoạt

động vượt ra phải địa giới hành chính của một tỉnh thì cũng nên cho phép thành lập chi nhánh và được sự đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc TW nơi ngân hàng tín dụng đặt chi nhánh là đủ thủ tục. Việc qui định Thống đốc NHNNVN quản lý và ra quyết định thành lập là chặt chẽ, nhưng nếu giao cho địa phương thì sẽ hợp lý hơn vì địa phương là nơi quản lý trực tiếp hoạt động thường ngày của ngân hàng tín dụng hoặc chương trình tín dụng qui mô nhỏ.

+ Đối với bộ ngành liên quan

- Bộ Tài chính cần có hướng dẫn cụ thể, khuyến khích các tổ chức và cá nhân, các nhà hảo tâm tài trợ thành lập các tổ chức các hoạt động tín dụng qui mô nhỏ trên cơ sở cung cấp các số liệu về nhu cầu nguồn vốn quốc gia trong các lĩnh vực cần thu hút vốn qua kênh tín dụng qui mô nhỏ. Công khai những báo cáo về tài khoản quốc gia theo luật định một cách kịp thời để cung cấp thông tin và củng cố lòng tin của những ai muốn thu lợi trong hoạt động cung cấp tín dụng qui mô nhỏ.

- Ngân hàng NNVN cần có những chính sách khuyến khích các địa phương cùng với các trung tâm đào tạo, mở các lớp đào tạo nâng cao nghiệp vụ về tín dụng cho các đối tượng có dự định thành lập các tổ chức TDQMN hoặc những người đang hoạt động trong lĩnh vực tín dụng qui mô nhỏ. NHNNVN cũng nên ban hành các biểu bảng và qui chế báo cáo theo qui chuẩn và có cơ chế giám sát, phạt hành chính những tổ chức hoạt động tín dụng không tuân thủ chế độ báo cáo hoặc ghi chép sổ sách theo qui định. Nhà nước phải xây dựng một cơ sở dữ liệu chuẩn để phục vụ cho công tác hoạch định chính sách mang tính quốc gia.

- Để tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn tín dụng cho các hộ vay vốn đặc biệt là các hộ thuộc diện nghèo (theo chuẩn qui định của nhà nước) vai trò của các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức quần chúng cũng đặc biệt quan trọng trong các khâu tuyên truyền, tổ chức và thành lập mạng lưới tín dụng, cơ chế đánh giá các hộ nghèo ở địa phương để cho vay với lãi suất ưu đãi, cơ chế phối hợp với các tổ chức tín dụng đặc biệt là thủ tục hành chính phải đảm bảo đơn giản, gọn nhẹ mang tính công khai và dân chủ: cơ chế giám sát chặt chẽ...

+ Đối với các hộ vay vốn TDQMN, đặc biệt là các hộ nghèo & tổ chức cho vay tín dụng

Việc được vay vốn là quan trọng, nhưng việc sử dụng vốn vay có hiệu quả để trả được nợ gốc và lãi càng quan trọng hơn. Điều này đảm bảo cho hoạt động của tổ chức tín dụng không bị phá sản, phát triển bền vững và ngày càng mở rộng; hoạt động giao dịch dân sự không phải giải quyết thông qua toà dân sự, cản trở sự hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước các cấp nếu có sự tranh chấp xảy ra do khách hàng không trả được nợ. Cũng cần phải tránh tình trạng vỡ nợ theo dây chuyền vì người vay cho rằng không trả được nợ thì có nhà nước bao cấp trả thay, họ quá nghèo không thể có dư tiền để trả nợ (như từng đã xảy ra rất nhiều trong thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam).

Để hoạt động TDQMN mang lại hiệu quả tích cực, về phía người vay cần đảm bảo các điều kiện sau:

- Tham gia tập huấn vay vốn trước khi vay. Việc tập huấn phải đạt được mục đích tối thiểu sau đây:

• Hiểu được việc vay thì phải có trách nhiệm trả được cả gốc và lãi như cam kết.

• Biết được nguồn vốn cho vay là của ai, tổ chức nào, cách trả số lãi gốc và hàng tháng là bao nhiêu, thời gian vay là bao nhiêu và số tiền, lãi suất vay.

• Những ràng buộc khi vay vốn: ví dụ phải có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, mua sắm tài sản...trước khi vay: tham gia Tổ tương trợ để chia sẻ trách nhiệm trong quá trình vay; việc thế chấp, tín chấp khi vay...

• Những thủ tục giải quyết tranh chấp và hậu quả khi không trả được vốn vay...

- Hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ có kế hoạch sản xuất rõ ràng đặc biệt là trong làng nghề, hoặc là phát triển một nghề mới ở một địa phương có nhiều người vay (ví dụ nghề trồng nấm, nuôi ba ba, lươn, trồng sắn cao sản...)

- Hướng dẫn các hộ vay cách ghi chép thu chi hàng ngày, cách phát triển các ý tưởng kinh doanh, cách lập kế hoạch xin vay vốn kinh doanh (với mức vốn cao hơn chương trình tín dụng) làm cơ sở cho việc hạch toán lỗ, lãi và định hướng ngành nghề kinh doanh có hiệu quả mà chương trình TDQMN cần khuyến khích phát triển, nhân rộng.

- Một vấn đề cần lưu ý là, tác động của CTTDQMN đối với hộ gia đình không chỉ giới hạn ở phạm vi kinh tế mà còn mở rộng ra ở phạm vi xã hội đó là bình đẳng nam nữ, trao quyền cho phụ nữ tham dự nhiều hơn vào các quyết định của cộng đồng, giảm bạo lực trong gia đình, chăm sóc con cái chu đáo hơn, sức khoẻ các thành viên trong hộ được tăng lên...đây cũng là một khía cạnh không kém phần quan trọng nếu so với chỉ số giảm nghèo, thoát nghèo, nâng cao thu nhập...của hộ gia đình. Chính vì vậy, cùng với các tổ chức đoàn thể thì Cán bộ của chương trình TDQMN cần phải tuyên truyền., lồng ghép

các chương trình về môi trường, y tế, bình đẳng về giới vào các chương tình tập huấn về cho vay, tập huấn về kỹ thuật. Theo chúng tôi, đây là những công việc rất quan trọng góp phần tạo nên sự thành công chung của chương trình TDQMN. Con người, không phân biệt thân phận, có lòng tự trọng rất cao. Không ai muốn mình là người tụt hậu trong một cộng đồng có tính tổ chức, chú trọng tới các vấn đề liên quan đã nêu trên sẽ giúp cho người vay tăng tính tự lập, tự chủ trong làm ăn, phát huy những tiềm năng sẵn có trong cá nhân mỗi người, không những thoát khỏi cảnh nghèo khó mà còn vươn lên mở rộng sản xuất, kinh doanh trong một xã hội có nhiều chính sách cởi mở, đã tạo mọi điều kiện người dân yên tâm làm ăn, không phân biệt tôn giáo, giai cấp, thái độ chính trị. Chúng ta hy vọng vào tương lai của một nước Việt Nam mới đó là tương lai mà mọi người chí thú làm ăn theo năng lực và đức tính chịu khó của mình, nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ phát huy tối đa khả năng, vừa làm giàu cho bản thân, vừa gia tăng sự phồn vinh cho đất nước.

Một phần của tài liệu Tác động của tín dụng qui mô nhỏ đối với kinh tế hộ trên địa bàn thành phố huế (Trang 103 - 110)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(118 trang)
w