3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
2.3.2.5. Cơ cấu đội ngũ về trình độ ngoại ngữ, tin học, QLNN
Đối với cơ quan hành chính nói chung, cơ quan hành chính cấp xã nói riêng, chất lượng cán bộ, công chức cấp xã không chỉ biểu hiện ở trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị mà cả trình độ ngoại ngữ, tin học và bồi dưỡng quản lý nhà nước.
Bảng 2.12: Cơ cấu cán bộ, công chức cấp xã huyện Bố Trạch theo trình độ ngoại ngữ, tin học và bồi dưỡng QLNN
TT Trình độ NN, tin học, QLNN CB chuyên trách CB công chức Tổng SL (người) Tỷ lệ (%) SL (người) Tỷ lệ (%) 1 Ngoại ngữ (tiếng anh)
Trình độ A 35 11,3 36 16,1 71
Trình độ B 9 2,9 27 12,1 36
Trình độ C 0 0,0 3 1,3 3
Chưa qua đào tạo 255 82,5 121 54,2 376
2 Tin học
Văn phòng 68 22,0 150 67,2 218
Kỷ thuật viên 0 0,0 12 5,3 12
Trung cấp 0 0,0 0 0,0 0
Chưa qua đào tạo 241 78,0 49 21,9 290
3 Chứng chỉ QLNN 132 42,7 71 31,8 203
Nguồn: Phòng Nội vụ huyện Bố Trạch
Xét trên tổng thể, theo số liệu báo cáo của phòng Nội vụ huyện Bố Trạch, số cán bộ, công chức có trình độ ngoại ngữ là 110 người, chiếm tỷ lệ 20,67%; cán bộ, công chức có trình độ tin học văn phòng là 230 người, chiếm tỷ lệ 43,23%; số cán bộ, công chức đã tham gia lớp bồi dưỡng quản lý nhà
nước là 203 người, chiếm 38,15%. Số cán bộ, công chức cấp xã chưa qua đào tạo ngoại ngữ và tin học chiếm tỷ lệ cao. Số cán bộ chuyên trách chưa qua đào tạo ngoại ngữ và tin học chiếm tỷ lệ cao, trong đó chưa qua đào tạo ngoại ngữ là 255 người, chiếm 82,5%; chưa qua đào tạo tin học là 241 người, chiếm 78,0% trong tổng số cán bộ chuyên trách. Tỷ lệ chưa qua đào tạo ngoại ngữ và tin học của cán bộ công chức chiếm tỷ lệ thấp hơn là 54,2% và 21,9% trong tổng số cán bộ công chức cấp xã. Về trình độ quản lý nhà nước, mới có 203 cán bộ, công chức đã học qua chương trình bồi dưỡng từ 1 đến 3 tháng, chiếm 38,1% trong tổng số cán bộ, công chức cấp xã. Qua đó cho thấy trình độ ngoại ngữ, tin học của cán bộ, công chức không đồng đều giữa các chức danh và không đồng đều ở các địa phương; ở các xã miền núi, nhất là 4 xã đặc biệt khó khăn cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn quá thấp.
Nhìn chung tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động, số lượng cán bộ, công chức cấp xã đã từng bước được cũng cố, kiện toàn; các chức danh được sắp xếp ổn định và phát huy tác dụng. Hoạt động quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân cấp xã có tiến bộ, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã cải thiện từng bước theo hướng đổi mới.
Tuy nhiên, qua chất lượng mọi mặt trên đây cho thấy nhiều cán bộ, công chức cấp xã chưa được đào tạo cơ bản và có hệ thống, một số chưa đạt chuẩn về trình độ cán bộ, công chức, do đó đã ảnh hưởng đến trình độ, năng lực lãnh đạo, điều hành của không ít cán bộ, công chức cấp xã chưa theo kịp và đáp ứng được yêu cầu sự nghiệp đổi mới. Ở 4 xã đặc biệt khó khăn, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã còn thấp hơn; trình độ chuyên môn đạt chuẩn quy định mới có 25 người, chiếm 36,7% trong tổng số 68 cán bộ, công chức; số người chưa qua đào tạo về chính trị là 60 người, chiếm 88,2%;
đa phần cán bộ, công chức của 4 xã chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức quản lý nhà nước.
Đa số cán bộ cơ sở đều do dân bầu, xã cử theo nhiệm kỳ hoặc thời vụ nên kinh nghiệm công tác, trình độ học vấn, chuyên môn không đồng đều, còn yếu và thiếu về nhiều mặt. Nhiều người vừa phải lo công tác chuyên môn, vừa phải theo học bổ túc văn hóa và bồi dưỡng nghiệp vụ để đạt chuẩn cán bộ cấp cơ sở.
Một số cán bộ, công chức cấp xã còn thiếu sáng tạo trong vận dụng đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để xây dựng nhiệm vụ chính trị của địa phương, nên chưa có những giải pháp mang tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cán bộ thiếu kiến thức và sự hiểu biết cần thiết, nên một số cán bộ làm liều, làm ẩu, coi thường pháp luật, chưa đầu tư đúng mức thời gian và trí tuệ vào việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội.
Mặc dù đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương nghị quyết về xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là chính sách cán bộ cơ sở từ nghị định số 130, 50, 09 và gần đây là Nghị định 114, 121/NĐ- CP của Chính phủ đã góp phần nâng cao trách nhiệm và chuyển hóa đội ngũ, cải thiện một phần về chính sách tiền lương và phụ cấp đối với cán bộ.
Nhưng các giải pháp đó chưa đồng bộ, chưa mang tầm chiến lược. Một số chính sách chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống, làm cho một bộ phận cán bộ chưa an tâm công tác, còn nhiều tâm tư.
Từ thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của huyện hiện nay, đặt ra chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã trong những năm tiếp theo để nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, công chức cấp xã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới. Ngoài việc cấp ủy các cấp quy hoạch cử cán bộ, công chức cấp xã đi học các chương trình về chuyên
môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý Nhà nước thì chủ thể đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cần chủ động và xác định rõ việc học tập nâng cao trình độ mọi mặt là yếu tố quan trọng. Thực hiện tốt nội dung này chính là giải pháp thiết thực để quy hoạch, sắp xếp, sử dụng những cán bộ có đủ tiêu chuẩn vào biên chế công chức cấp xã nhằm thực hiện có hiệu quả thiết thực Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên” và Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”.
Nghị định số 121/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ chính sách đối với cán bộ công chức xã, phường, thị trấn sau 4 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều bất hợp lý về độ tuổi về hưu, chế độ tiền lương và bảo hiểm, yêu cầu chuẩn hóa với yêu cầu thực tiễn và sự tín nhiệm, tạo ra khoảng cách giữa đội ngũ cán bộ với dân. Là cán bộ “dân bầu, xã cử”, thường xuyên cọ sát, va chạm với thực tế, giữ cho trọn vẹn để đảm bảo hạ cánh an toàn ở tuổi 60 không dễ chút nào, do đó có một bộ phận cán bộ làm việc cầm chừng, thiếu chí tiến thủ, ít nhiều có ảnh hưởng đến công việc, đồng thời không trẻ hóa được cán bộ.
Có một số trường hợp làm bí thư đoàn ở tuổi trên dưới 40 vẫn chưa trưởng thành được vì không có chổ để bố trí. Cán bộ cấp phó không được đóng bảo hiểm xã hội nên không được nghỉ hưu, cho dù đã đủ tuổi 60 (nam), 55 (nữ). Một số chính sách đề ra không nhất quán. Khi bầu cử HĐND thì quy định không quá 2 nhiệm kỳ ở cương vị chủ trì, một số đồng chí phải thuyên chuyển, đến đại hội Đảng lại không đặt ra quy định 2 nhiệm kỳ. Ta đặt ra yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ. Trong khi chưa có sự chuẩn bị, bởi vì có một tấm bằng đại học hoặc trung cấp đâu phải một năm, hai năm? Một số cán bộ tuy chưa được đào tạo về chuyên môn nhưng có năng lực thực tiễn, có kinh nghiệm và uy tín, phần lớn đã được rèn luyện thử thách trong quân ngũ, nay
vì hai nhiệm kỳ hoặc chưa qua đào tạo nên phải thuyên chuyển, có khi xuống làm cấp phó, không được đóng bảo hiểm.
Số cán bộ này có rất nhiều tâm tư. Về chế độ tiền lương và phụ cấp giữa cán bộ chuyên trách và không chuyên trách với đội ngũ công chức quá chênh lệch. Sức lao động hao phí của cán bộ cấp phó bằng 70-80% của cấp trưởng nhưng phụ cấp thường bằng ¼ của cấp trưởng và không ổn định tùy thuộc vào khả năng cân đối ngân sách của địa phương. Là những cán bộ chủ trì như bí thư, phó bí thư, chủ tịch với trọng trách hết sức nặng nề nhưng tiền lương chỉ có hệ số 2, sau 5 năm được cộng thêm thâm niên 5%. Có đồng chí phải 30-35 năm mới có chức vụ đó, trong khi cán bộ công chức ngạch chuyên viên sau 9 năm đã có lương hệ số 3,33, ngạch cán sự sau 10 năm đã có hệ số 2,86. Đây là điều quá bất hợp lý, thử hỏi làm sao khích lệ được lòng nhiệt huyết và trách nhiệm của đội ngũ chủ trì? (lương của chủ tịch và bí thư cấp xã hiện mới chỉ có 2 bậc, dẫn tới bất hợp lý là lương chủ tịch xã thấp hơn cả cán bộ, công chức cấp huyện. Trong khi trách nhiệm rất lớn, công việc nhiều kể từ khi công tác chứng thực được chuyển cho học thực hiện, nhưng chế độ đãi ngộ thì không thay đổi.
Cũng chính vì sự bất hợp lý đó mà nhiều cán bộ, công chức dù có được đào tạo cơ bản, là nguồn cho cán bộ lãnh đạo nhưng không bao giờ muốn trở thành cán bộ lãnh đạo vì lo sợ với “lá phiếu định mệnh” qua các kỳ bầu cử. Đây là những vấn đề hết sức bức xúc, cần có lời giải kịp thời để tạo động lực mới từ cơ sở. Chúng ta thiết kế mô hình đi lên công nghiệp hóa, đó là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, nhưng người “thiết kế” đó là cán bộ. Có “thi công” đúng hay sai mô hình đã thiết kế cũng là cán bộ. Nhân nào quả ấy, một chủ trương nghị quyết được khẳng định là đúng đắn, có đơn vị thực hiện rất năng động, sáng tạo và hiệu quả; nhưng cũng có đơn vị triển khai lúng túng, không biết tổ chức và phát động quần chúng, tất cả đều ở đội ngũ cán bộ.
Chúng ta không có một đội ngũ cán bộ có tư duy và kiến thức làm công nghiệp hóa và hiện đại hóa thì làm sao thực hiện được công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn?.
Thực tiễn tình hình như đã đề cập đặt ra yêu cầu cấp bách là phải tăng cường đào tạo cán bộ cơ sở và phải điều chỉnh chính sách cán bộ hợp lý. Đội ngũ cán bộ công chức cấp xã phải có kiến thức và năng lực toàn diện. Trong đó có 4 vấn đề cơ bản là trình độ văn hóa, chính trị, kiến thức kinh tế xã hội, am hiểu về pháp luật và quản lý Nhà nước. Không hội đủ 4 yếu tố đó thì cán bộ cơ sở khó hoàn thành nhiệm vụ, thiếu nhân quyền giữa chính trị và kinh tế, giữa tính cách mạng và khoa học, giữa kỷ cương pháp luật và vấn đề dân chủ. Phải kết hợp giữa đào tạo tại chức và chính quy, phân giao cho một số trường đại học khu vực xây dựng giáo trình đào tạo hợp lý, đúng đơn đặt hàng từ cơ sở như 4 vấn đề đã đề cập.