3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
1.4. NHỮNG ĐẶC THÙ CỦA CÁN BỘ, CÔNGCHỨC CẤP XÃ
Đặc thù cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, đặc biệt là xã cho thấy hầu hết đội ngũ này đều là người địa phương, sinh sống tại địa phương, có quan hệ dòng tộc và gắn bó với dân làng.
Ngoài ra, cán bộ, công chức cấp xã còn có những đặc thù khác và khi đề cập tới những đặc thù này cũng chính là nói đến sự khác nhau giữa cán bộ, công chức cấp xã so với cán bộ, công chức nói chung, cụ thể là:
- Tính ổn định, liên tục công tác của cán bộ, công chức cấp xã không giống như cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên đến trung ương. Cán bộ chủ chốt được bầu cử ở xã như tổ chức Đảng, Mặt trận tổ quốc, đoàn thể, Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ nếu không trúng cử thì việc sắp xếp, bố trí công tác khác về cơ bản không giống như cán bộ, công chức khác. Cũng chính vì thế khi được bầu giữ chức danh chủ chốt theo nhiệm kỳ số cán bộ này được xác định là cán bộ chuyên trách và được hưởng chế độ như công chức, khi hết nhiệm kỳ thôi không đảm đương chức danh chủ chốt, số cán bộ đã qua đào tạo, có chuyên môn nghiệp vụ, uy tín và kinh nghiệm được bố trí vào các vị trí khác, được chuyển hưởng theo chế độ công chức; số còn lại, do không đủ tiêu chuẩn thì đương nhiên thôi không là cán bộ chuyên trách và không còn được hưởng chế độ như công chức nữa.
- Qua tổng kết thực tiễn hoạt động của chính quyền cơ sở đó cho thấy, những công việc thuộc nội dung quản lý nhà nước của ủy ban nhân dân cấp xã đòi hỏi phải được thực hiện thường xuyên, chuyên nghiệp và do đó trong đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có một bộ phận cần phải chuyên sâu, chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đó là công chức cấp xã (gồm có 7 chức danh).
- Bên cạnh 2 đối tượng nêu trên còn đối tượng cán bộ cơ sở được xác định là cán bộ không chuyên trách chiếm số đông và được hưởng phụ cấp theo chức danh không chuyên trách.
1.5. QUÁ TRÌNH BAN HÀNH CÁC VĂN BẢN VỀ QUẢN LÝ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ
Cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) là những người gần dân nhất, trực tiếp đưa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống, vừa là người thi hành pháp luật, thực thi công vụ,
đồng thời cũng là người trực tiếp phục vụ nhân dân, tổ chức, vận động nhân dân thực hiện đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là một bộ phận của chế độ chính sách cán bộ nói chung. Đây luôn luôn là vấn đề mang tính chất chiến lược của sự nghiệp cách mạng, nó quy định và chi phối khả năng thành công hay thất bại các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bởi vì xét đến cùng thì mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều phải thực hiện ở cơ sở và thông qua hoạt động tác nghiệp của đội ngũ cán bộ này.
Lịch sử phát triển của làng, xã Việt Nam từ trước đến nay cho thấy, để quản lý làng xã, chính quyền nhà nước trung ương bao giờ cũng nắm rất chắc các chức sắc chủ chốt trong xã như: chánh lệnh trưởng, quản giáp (thời họ Khúc), xã chính (thời Trần), xã trưởng (thời Lê), lý trưởng (thời Nguyễn), xã trưởng, lý trưởng (thời Pháp thuộc), thông qua các chức sắc chủ chốt này để thực hiện quyền quản lý, cai trị của chính quyền cấp trên đối với cấp xã. Chính quyền cấp trên có nắm và quản lý, vươn tới được cơ sở hay không phụ thuộc vào việc có nắm được các chức sắc chủ chốt của xã hay không. Cũng chính vì vậy chính quyền cấp trên thường rất quan tâm đến đội ngũ cán bộ xã, đặc biệt là các chức danh chủ chốt trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm và đặt ra chế độ, chính sách đãi ngộ, thưởng, phạt…
Chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ cấp xã trước đây và cán bộ, công chức cấp xã hiện nay đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Ngay sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời trong điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước ta đã đề ra chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ cấp xã. Nếu tính từ năm 1975, tức sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, đến nay các chế độ,
chính sách đãi ngộ đối với cán bộ cấp xã ở nước ta có thể chia thành 4 giai đoạn cơ bản được đánh dấu bởi các Nghị định của Chính phủ. Đó là:
* Giai đoạn 1975-1992: Quyết định số 130/CP ngày 30/6/1975 của Hội đồng Chính phủ bổ sung chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã; tiếp theo là Quyết định số 111/HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng “Về việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách, chế độ đối với cán bộ xã, phường”. Ra đời trong điều kiện sau khi đất nước thống nhất, chúng ta đang tiến hành công cuộc tái thiết sau chiến tranh và tiến lên chủ nghĩa xã hội với cơ chế kinh tế tập trung kế hoạch hoá, những quy định của Quyết định này phù hợp với tình hình thực tiễn lúc đó. Các chức danh trong bộ máy hành chính chỉ có chức năng quản lý hành chính, còn trách nhiệm quản lý, điều hành các lĩnh vực kinh tế, xã hội giao cho các hợp tác xã (HTX), phù hợp với khối lượng công việc, chế độ phụ cấp sinh hoạt phí cho cán bộ bình quân, đồng đều theo chế độ cấp thóc và tiêu chuẩn mua hàng. Cán bộ có đủ 15 năm công tác liên tục khi nghỉ việc đều có chế độ bảo hiểm, do đó cán bộ yên tâm công tác, việc điều động, thuyên chuyển không gặp khó khăn.
Từ cuối năm 1986, Đảng và Nhà nước thực hiện chủ trương đổi mới kinh tế, xóa bỏ cơ chế kinh tế tập trung bao cấp, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường. Năm 1989, nông dân được giao quyền sử dụng đất, hợp tác xã giao lại chức năng quản lý kinh tế - xã hội cho ủy ban nhân dân. Trước những yêu cầu thực tiễn mới đặt ra, thì những quy định của Quyết định số 130/CP và quyết định số 111/HĐBT tỏ ra bất cập, cần có một chính sách mới đối với đội ngũ cán bộ cơ sở.
* Giai đọan 1993-1997: Chính phủ ban hành Nghị định số 46-CP ngày 26/3/1993 “về chế độ sinh họat phí đối với cán bộ Đảng, chính quyền và kinh phí hoạt động của các đoàn thể nhân dân ở xã, phường, thị trấn”.
Nghị định này có nhiều ưu điểm, góp phần tạo động lực cho sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó phải kể đến việc áp dụng chế độ
kiêm nhiệm, giao trách nhiệm cụ thể cho cán bộ, thực hiện tinh giản bộ máy, giảm kinh phí hoạt động của các đoàn thể... Do vậy quỹ ngân sách hoạt động của cơ sở tăng lên, tạo điều kiện thúc đẩy các phong trào địa phương phát triển. Nhưng khi công cuộc đổi mới bắt đầu đi vào chiều sâu, cơ chế thị trường phát triển mạnh mẽ, nảy sinh nhiều quan hệ kinh tế, quan hệ lợi ích mới đan xen, phức tạp hơn. Khối lượng công việc ngày càng nhiều đã làm cho cán bộ cơ sở không thể đảm đương hết. Cán bộ đủ tiêu chuẩn khi nghỉ công tác chỉ được hưởng chế độ bảo hiểm một lần, không có chế độ hưu trí... dẫn đến làm cho cán bộ không yên tâm công tác, vì họ không nhìn thấy quyền lợi, tương lai lâu dài. Ngày 26/7/1995 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 50/CP về chế độ sinh hoạt phí đối với các bộ xã, phường, thị trấn. Đây thực chất chỉ là Nghị định bổ sung thêm cho Nghị định 46/CP, nhằm điều chỉnh mức phụ cấp sinh hoạt phí đối với cán bộ cơ sở cho phù hợp với mặt bằng thu nhập chung.
* Giai đoạn 1998-2002: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/1998 NĐ/CP ngày 23/1/1998 về: “Sửa đổi, bổ sung Nghị định 50/CP ngày 26/7/1998 của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn”. Ngày 19/5/1995, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) và Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư liên tịch số 09/1998/TTLT. Tiếp theo Quốc hội ban hành Pháp lệnh dân quân tự vệ, Pháp lệnh công an xã bổ sung thêm chức danh Xã đội phó và Phó công an xã.
Nghị định số 09/1998/NĐ-CP quy định tăng số chức danh trong bộ máy (từ 21-25 người), có 4 chức danh chuyên môn phải qua đào tạo cơ bản, đảm bảo ổn định; về bảo hiểm xã hội quy định cán bộ công tác đủ 15 năm (có 5 năm hưởng sinh hoạt phí) thì sau khi nghỉ công tác được hưởng bảo hiểm, nếu chưa đủ tuổi quy định có thể lập hồ sơ chờ hưởng trợ cấp hàng tháng;
ngân sách cho các đoàn thể cơ sở đã được điều chỉnh tăng lên.v.v... Như vậy, những bất hợp lý, mâu thuẫn của các Nghị định 46/CP và 50/CP đã được Nghị định 09/CP cơ bản giải quyết.
* Giai đọan 2003-2008: Nghị quyết Trung ương 5, khoá IX (2002) nêu rõ: “ở cấp xã có cán bộ chuyên trách và cán bộ không chuyên trách; cán bộ chuyên trách có chế độ làm việc và được hưởng chính sách về cơ bản như cán bộ, công chức nhà nước”.
Sau khi có Pháp lệnh cán bộ, công chức sửa đổi, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, đó là: Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 “về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn” và Nghị định số 121/2003/ NĐ-CP ngày 21/10/2003 “về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn”. Ngoài ra còn khá nhiều văn bản của Chính phủ và các bộ, ngành quy định, hướng dẫn cụ thể về tiền lương, bảo hiểm, đào tạo, bồi dưỡng, tiêu chuẩn… đối với cán bộ, công chức cấp xã.
Từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá IX) về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”, cán bộ chuyên trách ở cơ sở có chế độ làm việc và được hưởng chính sách về cơ bản như cán bộ, công chức nhà nước: được hưởng chế độ lương do ngân sách nhà nước cấp; được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế bắt buộc, được hưởng chế độ hưu trí. Nhờ có chính sách đãi ngộ phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cán bộ cấp xã đã nhận thức và thực hiện đầy đủ hơn chức năng, nhiệm vụ của mình. Kỷ cương hành chính được bảo đảm; phong cách, ý thức trách nhiệm và lề lối làm việc của cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt ở cơ sở có chuyển biến tiến bộ theo hướng sát dân và có trách nhiệm với dân hơn, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và
Nhà nước. Tuy nhiên, về chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ cấp xã hiện nay vẫn còn những tồn tại, vướng mắc, bất cập.
Chương 2
THỰC TRẠNG CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ HUYỆN BỐ TRẠCH
TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY