4. Phòng Kế toán Ngân quỹ
3.2.11. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát
Ngân hàng cần coi trọng công tác kiểm tra, kiểm soát bởi vì nó sẽ giúp ngân hàng tránh được những sai sót trong quá trình cung cấp vốn cũng như sử dụng vốn vay của khách hàng. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát tiến hành trong nội bộ ngân hàng không chỉ phòng tín dụng mà còn đối với tất cả các phòng ban khác trong chi nhánh. Cán bộ tín dụng là người trực tiếp giải quyết nhu cầu vay vốn của khách hàng, kiểm tra giám sát nhằm đảm bảo họ tuân thủ theo đúng quy trình, nghiệp vụ trước và sau khi cho vay, giúp đảm bảo an toàn, hiệu quả trong kinh doanh và tuân thủ đúng pháp luật.
Ngoài ra, công tác kiểm tra, kiểm soát còn cung cấp thông tin cho ban lãnh đạo ngân hàng để kịp thời đưa ra những biện pháp xử lý khi phát hiện sai sót nhằm nâng cao chất lượng tín dụng. Do vậy, để cho công tác kiểm tra, kiểm soát được hiệu quả đòi hỏi phải thực hiện theo đúng quy trình như sau: chỉ tiến hành giải ngân cho khách hàng khi đã chắc chắn thủ tục giấy tờ đầy đủ và chính xác, việc thẩm định khách hàng đã tuần tự và đúng nguyên tắc. Trong quá trình khách hàng thực hiện hợp đồng, các kiểm soát viên sẽ giám sát việc sử dụng vốn vay, đảm bảo khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích cam kết vì tình hình sử dụng món vay của doanh nghiệp sẽ quyết định đến thời hạn và khả năng trả nợ của ngân hàng. Cũng trong thời gian này cán bộ tín dụng cần thường xuyên xuống nơi sản xuất của doanh nghiệp để kiểm tra, gặp gỡ nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kịp thời hỗ trợ nếu doanh nghiệp gặp khó khăn.
Làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát sẽ giúp ngân hàng ngăn chặn kịp thời những rủi ro có thể xảy ra. Bên cạnh đó, định kỳ ngân hàng cần đánh giá thực trạng dư nợ tín dụng, để kịp thời phát hiện các khoản vay có khả năng quá hạn, từ đó đưa ra các biện pháp ngăn chặn kịp thời. Công tác kiểm tra, kiểm soát có thể tiến hành theo định kỳ, thường xuyên hoặc đột xuất.