II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG TẠI CÔNG TY CONINCO.
1.1. Tăng cường sự tham gia và cam kết của lãnh đạo:
Bất kỳ một giai đoạn nào của việc chuẩn bị xây dựng, áp dụng hay cải tiến hệ thống chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001: 2000 cũng đều là những giai đoạn phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm của toàn doanh nghiệp mà trước hết là sự cam kết và quan tâm tham gia của ban lãnh đạo.
Để sự cam kết và tham gia của lãnh đạo có hiệu quả thì yêu cầu đối với lãnh đạo là phải có sự toàn diện cả về nhận thức và hành động.
Sự cam kết của lãnh đạo đối với việc thực hiện chính sách chất lượng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của doanh nghiệp. Biện pháp cụ thể để tăng cường hơn nữa sự cam kết là lãnh đạo cần đưa ra các cam kết dưới dạng văn bản và thực hiện đúng theo các cam kết đó, biến các cam kết đó thành hiện thực chứ không phải là lời nói suông. Ngoài ra, quản lý chất lượng đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải luôn tìm cách tiếp cận những tư duy mới trong quản lý kinh tế.
Đã cam kết thì phải thể hiện bằng hành động, lãnh đạo không những phải đảm bảo cung cấp các nguồn nhân lực, tài lực, vật lực và các nguồn lực cần thiết khác phục vụ cho quá trình xây dựng, duy trì và cải tiến hệ thống chất lượng mà lãnh đạo còn phải quan tâm tham gia mạnh mẽ hơn nữa. Trong hành động, vai trò chính thuộc về lãnh đạo các cấp, đặc biệt là lãnh đạo cấp cao nhất bởi vì quản lý chất lượng đòi hỏi các hoạt động phải mang tính toàn thể chứ không chỉ giải quyết các phần công việc đơn lẻ, và chỉ khi vai trò của lãnh đạo được nhấn mạnh và được thông suốt trong toàn bộ tổ chức thì quản lý chất lượng mới được thực hiện có hiệu quả. Ngoài vai trò quyết định của lãnh đạo cấp cao nhất cũng cần phải có sự tham gia trực tiếp của cấp lãnh đạo trung gian vào quá trình xây dựng và phổ biến các văn bản, tài liệu. Lãnh đạo cấp trung có trách nhiệm thiết kế và thực hiện có hiệu quả chương trình quản lý chất lượng nhằm đáp ứng các đặc tính sử dụng của sản phẩm, dịch vụ, lãnh đạo cấp trung gian trong nhiều trường hợp còn có nhiệm vụ thực hiện chương trình quản lý chất lượng ngoài phạm vi Công ty, lãnh đạo cấp trung gian phải định kỳ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch và những khó khăn, thuận lợi cho cấp trên để trên cơ sở đó lãnh đạo cấp cao có thể đưa ra các quyết định giải quyết đúng đắn và hỗ trợ, kịp thời và còn chịu trách nhiệm về hậu mãi nữa. Về phía lãnh đạo cấp cơ sở (Trưởng các bộ phận), họ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình trước giám đốc. Họ là người điều khiển, kiểm tra và cũng là người có trách nhiệm nhận dạng và tìm giải đáp cho các vấn đề thuộc về chất lượng. Khi phát hiện ra các vấn đề liên quan đến chất lượng, lãnh đạo cấp cơ sở phải phối hợp với lãnh đạo cấp trung để sửa chữa và cải tiến quá trình. Họ là người thu thập và báo cáo các dữ liệu liên quan đến chất lượng cho người quản lý chất lượng hoặc lãnh đạo cấp trung, lãnh đạo cấp cơ sở cũng là người xác định mục tiêu chất lượng cho nhân viên trong phạm vi phụ trách của mình và coi đây là
phần tham gia đóng góp của bản thân vào chương trình chất lượng chung của Công ty.
Tóm lại, lãnh đạo các cấp của Công ty cần tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy trình thông qua việc đánh giá và cải tiến liên tục; xác định, phân bổ trách nhiệm, quyền hạn hợp lý cho mọi người; thu hút sự tham gia của tất cả mọi người, khơi dậy mọi tiềm năng và sức sáng tạo của các cá nhân, quan tâm đến điều kiện làm việc, môi trường làm việc, cải thiện đời sống cho cán bộ công nhân viên.
Thực tế tại các doanh nghiệp cho thấy nếu lãnh đạo am hiểu rõ những yêu cầu cơ bản của hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001: 2000, đồng thời có sự quan tâm chỉ đạo thực hiện thì tại những doanh nghiệp này quá trình xây dựng hệ
thống chất lượng thường diễn ra theo đúng những gì đã được hoạch định và mang lại những hiệu quả kinh tế rõ rệt.