- Về phần nhà nước: chưa có đủ các văn bản pháp quy hướng dẫn đổi mới, sắp xếp lại các DNCI; chưa hình thành thị trường SP, DVCI; chưa có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia cung cấp SP, DVCI trên thị trường và các doanh nghiệp chưa thực sự bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia cung ứng các SP, DVCI. Phương pháp điều chỉnh của nhà nước đối với người tiêu dùng hàng hóa công ích, ví dụ như phương pháp thu phí, định suất tiêu dùng, thanh toán lũy tiến (nước, điện…), xếp hàng. Nhà nước sử dụng biện pháp thu phí hoặc kết hợp giữa biện pháp thu phí với các biện pháp nêu trên nhằm khắc phục một phần nhược điểm của các biện pháp trên.
Về mặt khách quan là quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Những quy định pháp luật, chính sách vừa thực hiện, vừa bổ sung, hoàn thiện, có vấn đề chưa đi vào cuộc sống, ý thức chấp hành luật pháp của người dân chưa nghiêm. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế có nhiều mặt tích cực, song cũng nảy sinh nhiều mặt tiêu cực tác động tới môi trường xã hội.
Về mặt chủ quan, lãnh đạo các DNCI chưa chủ động nắm chắc tình hình, chưa phát hiện, dự báo được các vấn đề mới nảy sinh, chưa phối hợp chặt chẽ với cấp ủy và chính quyền địa phương để giải quyết kịp thời, triệt để những vấn đề bức xúc về môi trường xã hội. Nhiều nội dung đã có kế hoạch, chương trình, dự án nhưng chỉ đạo tổ chức thực hiện chưa thường xuyên, chưa cụ thể. Hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao, tính tự giác của một bộ phận nhân dân còn thấp, lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm còn thiếu kiên quyết và yếu, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh nên vi phạm tái diễn vẫn xảy ra.
Chủ trương đổi mới hoạt động các DNCI chưa được triển khai đồng bộ và triệt để. Cơ chế hoạt động còn nhiều bất hợp lý, gò bó, dễ gây thất thoát, việc giám sát của cơ quan Nhà nước nhiều khi kém hiệu lực. Công tác đào tạo, tuyển chọn cán bộ lãnh đạo quản lý còn nhiều thiếu sót, chưa thực hiện được quy chế, thi tuyển cán bộ công chức mà chủ yếu do cấp trên bổ nhiệm. Công nghệ, trang thiết bị cũ, lạc hậu, tình trạng thiếu vốn đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ. Hệ thống pháp luật, chính sách, cơ chế quản lý chưa đồng bộ, tổ chức thực hiện chưa nghiêm nên hiệu lực còn thấp.
So với yêu cầu thì tiến độ xã hội hóa còn quá chậm, lúng túng trong lựa chọn mô hình, sự phối hợp của các ngành chưa tốt, chế độ chính sách chưa rõ, đầu tư ngân sách cho vệ sinh môi trường lớn; tư tưởng bao cấp giữ phần việc cho ngành mình, thói quen ỷ lại cho thành phố vẫn còn mà chưa chuyển mạnh sang tư duy cơ chế thị trường.
Về mặt thời gian, trên thực tế do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên chúng ta vẫn chưa tính toán, đưa ra những dự báo chính xác và đầy đủ cho các nhu cầu phát triển đô thị hiện đại. Bài học về ùn tắc giao thông, sự bùng nổ của các phương tiện cá nhân tham gia giao thông, thiếu hụt nước sạch đặc biệt là việc sau gần 30 năm chiến tranh, chúng ta lại phải sử dụng cầu phao để cho các phương tiện cơ giới vượt sông Hồng trong mùa nước cạn năm 2003. Do đó, cần có những mục tiêu nhằm tạo ra SP, DVCI mang tính chiến lược để có kế hoạch chuẩn bị cho tương lai lâu dài, điều đó cũng phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển của nước ta nhằm thích ứng với nền KTTT mang định hướng XHCN.
Đã từng xảy ra các hiện tượng một số doanh nghiệp cố xin cho được thuộc loại hình DNCI với hy vọng tiếp tục được bao cấp, được hưởng những ưu đãi, né tránh sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường kinh doanh. Việc sắp xếp doanh nghiệp vào loại hình DNCI dựa trên những tiêu thức chưa đủ chặt chẽ cũng làm phức tạp thêm quá trình phân loại này. Những ý kiến đề xuất thực hiện với DNCI nói chung chưa được quan tâm nghiên cứu đầy đủ. Có một thực tế là một số doanh nghiệp hoặc tổ chức sự nghiệp, bên cạnh các hoạt động công ích, dịch vụ công, họ vẫn triển khai những hoạt động khác mang tính kinh doanh. Bởi vậy, phân biệt hoạt động công ích của doanh nghiệp với DNCI vẫn là nội dung cần được xem xét và đưa vào các chế tài điều chỉnh.
Hoạt động công ích còn mang tính độc quyền của DNCI. Về cơ bản các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không được tham gia sản xuất sản phẩm và cung ứng dịch vụ công cộng mặc dù chúng có điều kiện và khả năng tham gia, do vậy đã hạn chế việc khai thác, sử dụng tốt các nguồn lực của xã hội, không tạo ra sự bình đẳng và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau trong sản xuất, cung ứng HHCC. Vẫn áp dụng cơ chế bao cấp đối với quản lý hoạt động công ích. Hoạt động công ích được giao cho các DNCI. Với loại doanh nghiệp này Nhà nước cấp vốn, giao nhiệm vụ (đặt hàng), tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ theo giá Nhà nước quy định. Chưa xã
hội hóa rộng rãi các hoạt động công ích nên không huy động được toàn xã hội và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia hoạt động công ích, vừa hạn chế nguồn tài chính cho hoạt động công ích.
Tóm lại, nhà nước chưa có biện pháp hữu hiệu nhằm quản lý, giám sát việc cung ứng SP, DVCI, để cho các dịch vụ này thời gian qua phát triển tùy tiện, đồng thời tạo kẽ hở cho việc biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp gây khó khăn không nhỏ cho người sử dụng. Sự điều tiết của nhà nước nhằm xử lý những vấn đề quan trọng như giá cả và chất lượng của các dịch vụ công cộng, điều kiện cạnh tranh giữa các đơn vị cung ứng hoặc điều kiện cho những đơn vị mới tham gia thị trường cung ứng dịch vụ công cộng. Việc ký hợp đồng hay đấu thầu chưa có chế tài đủ mạnh nhằm hạn chế những vấn đề phát sinh như khả năng tham gia của khu vực tư nhân, tính cạnh tranh, kiểm tra khả năng tài chính của khu vực tư nhân, rủi ro phát sinh khi bên nhận thầu không thực hiện hoạt động, khả năng xảy ra tham nhũng trong quá trình ký kết hợp đồng đấu thầu.
- Doanh nghiệp: chưa năng động, sáng tạo, có tâm lý trông chờ ỷ lại, thiếu động lực cho sự phát triển do thiếu tính cạnh tranh, các chế độ cho người lao động bị khống chế bởi các quy định của Nhà nước do đó không khuyến khích người lao động phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động, giảm tiêu hao vật tư.
- Người sử dụng: chưa có ý thức tiết kiệm các SP, DVCI do được bao cấp, trợ giá. Trên thực tế cho thấy, nếu cung ứng đồng đều một lượng hàng hóa cho mỗi người tiêu dùng (phương pháp định suất) sẽ dẫn đến tình trạng những người có nhu cầu cao hơn phải mua dịch vụ trên thị trường tư nhân hoặc người có nhu cầu thấp hơn sẽ không sử dụng hết địch mức. Như vậy phương pháp này có hạn chế là không thích ứng với sự đa dạng về nhu cầu giữa các cá nhân và có tổn thất nhất định cho xã hội do có người không sử dụng hết định mức. Phương pháp xếp hàng: thay vì các cá nhân phải nộp tiền để nhận hàng hóa, nhà nước đòi hỏi họ phải trả giá bằng thời gian chờ đợi. Điều này tạo ra sự thích ứng nhất định giữa mức độ cung ứng với nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên xếp hàng cũng không phải là phương pháp hoàn hảo để xác định những người đáng được hưởng dịch vụ này; vì mặc dù không thật cần nhưng những người có nhiều thời gian (không có việc làm hoặc những người về hưu) vẫn sẵn sàng xếp hàng hơn những người khác đang bận công việc.
Ngoài ra, sử dụng phương pháp này sẽ làm tăng thêm sự lãng phí thời gian sử dụng cho việc xếp hàng.
Kết luận chương 2
Thủ đô Hà Nội có vị trí, vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Quá trình đô thị hóa thời gian qua diễn ra nhanh chóng. Mặc dù các DNCI được đầu tư khá lớn và đạt được một số thành tựu quan trọng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Yêu cầu đổi mới cách quản lý, sắp xếp lại các doanh nghiệp có tham gia cung ứng các SP, DVCI, cách nhìn nhận về người cung cấp, người thụ hưởng SP, DVCI đã trở nên vô cùng cấp thiết. Qua đó một mặt sẽ huy động được mọi nguồn lực cho sự phát triển nền KTTT định hướng XHCN, mặt khác tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cho khu vực vẫn được coi là trì trệ nhất trong khu vực DNNN hiện nay.
Chương 3
phương hướng và những giải pháp cơ bản nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp công ích
Trong tầm nhìn Thủ đô đến năm 2020, Hà Nội sẽ trở thành một đô thị văn minh, hiện đại của khu vực với dân số trên 5 triệu người; phát huy vai trò trung tâm lớn về văn hóa, khoa học - công nghệ, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Trên địa bàn, thể chế KTTT định hướng XHCN được thiết lập và vận hành thông suốt; hình thành rõ nét các yếu tố của kinh tế tri thức; đô thị được cải tạo và xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại; hệ thống hạ tầng kỹ thuật cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Cùng với việc hình thành và phát triển các hành lang kinh tế phía Bắc - Tây Bắc, Đông - Đông Bắc, không gian kinh tế - xã hội của Hà Nội được mở rộng hợp lý và phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Dịch vụ chất lượng cao, trình độ cao đóng vai trò trọng yếu trong nền kinh tế Thủ đô. Hình thành mạng lưới công nghiệp áp dụng công nghệ cao và phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái. GDP bình quân đầu người dự kiến trên 6.000 USD/năm, mức sống nhân dân tăng lên khoảng 3 lần so với hiện nay. Hà Nội phấn đấu đi trước 5 năm, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp. Với quyết tâm ấy, riêng trong lĩnh vực hoạt động công ích, Hà Nội cần quán triệt tốt quan điểm phương hướng của Đảng và Nhà nước, đồng thời thực hiện tốt các giải pháp sau đây.