Vị trí, vai trò, bản chất của doanh nghiệp công ích

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Doanh nghiệp công ích trên địa bàn Hà Nội ppt (Trang 27 - 31)

Vai trò của hệ thống DNNN gắn liền với việc tham gia vào hoạt động kinh tế của Nhà nước. Vai trò này thể hiện trên 3 khía cạnh: kinh tế, chính trị và xã hội. Như chúng ta đều biết: "chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế". Nền chính trị của Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo nhằm đưa nước ta tiến lên CNXH, thực hiện "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Các doanh nghiệp ở nước ta, trước hết là DNNN cũng phải phục vụ cho nhiệm vụ này. Thời kỳ từ năm 1990 đến nay, đất nước ta phải đối mặt với những khó khăn gay gắt, có những năm trong tình thế hiểm nghèo. Đầu những năm 90, mặc dù gặp phải hoàn cảnh hết sức khó khăn khắc nghiệt như: mô hình XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ; Mỹ thực hiện chính sách bao vây cấm vận; khủng hoảng kinh tế - tài chính khu vực năm 1997 - 1998 tác động mạnh; thiên tai liên tiếp xảy ra; việc chuyển đổi nền kinh tế từ tập trung bao cấp sang nền KTTT định hướng XHCN có những thời cơ và thuận lợi mới và cả những thách thức khó khăn song với sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân chúng ta vẫn đạt được những thành tựu to lớn. GDP năm 2000 tăng gấp 2 lần năm 1990; tình hình chính trị - xã hội tương đối ổn định; đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện; quốc phòng - an ninh được tăng cường; sức mạnh về mọi mặt của nước ta đã lớn hơn nhiều so với 10 năm trước.

Các DNCI bước đầu đảm bảo cung ứng những sản phẩm dịch vụ quan trọng theo kế hoạch của Nhà nước giao, giải quyết được nhu cầu thiết yếu về HHCC. Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa của đất nước ngày càng nhanh, phát sinh nhiều vấn đề phải giải quyết như: xây dựng và quản lý các dịch vụ công cộng, vệ sinh đô thị, duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng… Chính các DNCI là phương tiện chủ lực của Nhà nước để giải quyết các vấn đề này đáp ứng phục vụ ngày càng tốt hơn cho cuộc sống xã hội. Các DNCI đã có nhiều đóng góp tạo tiền đề thúc đẩy nền kinh tế phát triển: thu nộp ngân sách, cải thiện đời sống cán bộ công nhân viên ở các doanh nghiệp, tạo thêm việc làm cho người lao động. Cơ cấu tài sản của DNCI cũng phát triển theo hướng tích cực, giá trị tài sản cố định phục vụ cho các hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp được tăng lên. Hiệu quả sử dụng đồng vốn của các DNCI được tăng lên. Số DNCI làm ăn thua lỗ có xu hướng giảm dần. Theo số liệu thống kê của bảy DNCI ngành Giao thông công chính Hà Nội, trong năm 2004 đã đạt 594 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận 20,2 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 20,1 tỷ đồng, không có doanh nghiệp bị thua lỗ.

- Vị trí của DNCI.

ở Việt Nam, trong cơ chế tập trung bao cấp thời kỳ trước, kinh tế Nhà nước được xác định giữ vai trò chủ đạo nhưng với nghĩa là kinh tế Nhà nước phải chiếm tỷ trọng lớn cả về số lượng và giá trị trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân. Với cách hiểu như vậy, DNNN với tư cách là một bộ phận cấu thành quan trọng của kinh tế Nhà nước phát triển tràn lan trên mọi ngành nghề và lĩnh vực mà không chú ý tới hiệu quả hoạt động từ đó trở thành gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Ngoài những lĩnh vực then chốt, DNCI đảm đương những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không có điều kiện hoặc không muốn đầu tư kinh doanh. Mặc dù vậy, những lĩnh vực mà DNCI nắm không phải cố định mà thay đổi linh hoạt, khi các thành phần kinh tế khác chưa sẵn sàng đầu tư kinh doanh vào những lĩnh vực cần thiết đối với sự phát triển kinh tế thì Nhà nước mở đường bằng cách thành lập các DNCI, khi vai trò mở đường này không còn thì có những biện pháp chuyển đổi chức năng và hình thức sở hữu thích hợp.

Như vậy, DNCI cùng các cơ quan hành chính Nhà nước và một số cá nhân, tổ chức thuộc các thành phần kinh tế khác hợp thành hệ thống các tổ chức cung cấp các HHCC cho xã hội, hệ thống này phục vụ những nhu cầu chung của xã hội, đảm bảo cho mọi mọi hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra thông suốt và an toàn. Nhưng DNCI không chỉ cung cấp các HHCC mà còn cung cấp cả những hàng hóa cá nhân mà khu vực tư nhân không muốn hoặc không được kinh doanh. Do vậy, xét toàn diện hơn DNCI cùng với các DNNN hoạt động kinh doanh hợp thành hệ thống các DNNN, các doanh nghiệp này vừa thực hiện chức năng kinh tế vừa thực hiện chức năng xã hội theo nhiệm vụ được Nhà nước giao. Hệ thống DNNN đến lượt nó lại cùng các tổ chức kinh tế phi doanh nghiệp của Nhà nước như dự trữ quốc gia, ngân hàng Nhà nước, kho bạc Nhà nước hợp thành hệ thống kinh tế Nhà nước, đây là công cụ quản lý vĩ mô của Nhà nước điều tiết kinh tế - xã hội nhằm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, công bằng và ổn định.

- Vai trò của DNCI.

Cả lý thuyết và thực tiễn đều khẳng định, trong nền KTTT định hướng XHCN không thể thiếu khu vực kinh tế nhà nước vững mạnh, đủ khả năng đóng vai trò chủ đạo

trong nền KTTT định hướng XHCN. Trong thành phần kinh tế nhà nước, không có những DNCI và những doanh nghiệp giữ các vị trí then chốt của nền kinh tế quốc dân không thể tiến hành thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH theo đúng định hướng XHCN.

Vai trò của DNCI là cung cấp HHCC, vai trò của HHCC được thể hiện tập trung trên ba khía cạnh cơ bản sau:

Một là, trên thị trường có nhiều "chỗ trống" do tính phi hiệu quả hoặc do sự cấm đoán của pháp luật trong việc cung ứng các hàng hóa và dịch vụ, DNCI góp phần lấp những chỗ trống này. Từ đó nó tham gia vào sự hình thành một môi trường kinh doanh ổn định, đóng góp tích cực và không thể thiếu cho việc nâng cao hệ thống kinh tế - xã hội nói chung. Các doanh nghiệp khác không thể có điều kiện kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao nếu thiếu sự cung ứng kịp thời và đầy đủ các hàng hóa và dịch vụ trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng và hạ tầng kỹ thuật.

Hai là, xét trên phương diện sản xuất xã hội có hai phương thức phân bổ nguồn lực, phân bổ thị trường áp dụng chủ yếu cho các hàng hóa cá nhân và phân bổ phi thị trường áp dụng chủ yếu cho các HHCC. Nếu như tất cả mọi hàng hóa đều là hàng hóa cá nhân và mọi nguồn lực đều được phân bổ thông qua thị trường sẽ dẫn tới sự bất bình đẳng, các DNCI góp phần tạo ra sự công bằng. Các công dân sinh sống ở các vùng khác nhau, có địa vị xã hội khác nhau, có mức thu nhập khác nhau có thể hưởng thụ một số lợi ích tối thiểu như nhau là minh chứng cho vai trò của loại hình doanh nghiệp hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận này.

Ba là, giá trị của các HHCC thể hiện ở những mặt tích cực của hàng hóa này mang lại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp HHCC còn góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế vùng, ngành và cân đối sự phát triển kinh tế của đất nước. Tác dụng điều tiết và cân đối thể hiện rõ trong các chương trình đầu tư vào kết cấu hạ tầng nông thôn, miền núi, các chương trình về giáo dục, nước sạch, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe.

DNCI thực hiện định hướng XHCN, nó sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công cộng và một số hoạt động thực hiện chính sách xã hội nhằm đảm bảo và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất của cộng đồng, thực hiện sự bình đẳng giữa mọi người,

giảm chênh lệch trong sự phát triển giữa các vùng, ví dụ: xe buýt công cộng; hay việc cung cấp một số sản phẩm thiết yếu: dầu hỏa, muối I-ốt, thuốc chữa bệnh, giấy viết cho đồng bào vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn. DNCI sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công cộng mà các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không được làm như: in tiền, các sản phẩm phục vụ an ninh, quốc phòng.

- Bản chất của DNCI.

DNNN nói chung, DNCI nói riêng cũng có những đặc trưng về kinh tế và pháp lý như các loại hình doanh nghiệp khác: là một tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân (được thành lập một cách hợp pháp, có tài sản riêng và chịu trách nhiệm độc lập bằng tài sản đó, có quyền quyết định độc lập về các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, có quyền nhân danh mình trong các quan hệ pháp luật) đảm nhận việc sản xuất, cung ứng, tiêu thụ và trao đổi hàng hóa trên thị trường. Trên tư cách là một DNNN, DNCI là doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư vốn, tổ chức quản lý và kiểm soát, hoạt động không nhằm mục tiêu lợi nhuận. Nhưng chính mục tiêu hoạt động là đặc trưng quan trọng nhất thể hiện bản chất của nó. ở nước ta DNCI nhằm mục đích phục vụ ngày càng tốt hơn những nhu cầu về HHCC, dịch vụ công cộng của mọi thành viên trong xã hội.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Doanh nghiệp công ích trên địa bàn Hà Nội ppt (Trang 27 - 31)