Qua thực tiễn kinh nghiệm quản lý các DNCI của một số nước và Thành phố Hồ Chí Minh, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm đối với Thủ đô Hà Nội như sau:
Cần có chính sách cho phép và khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công cộng. Tạo điều
kiện thành lập các doanh nghiệp tư nhân hoặc sở hữu hỗn hợp với hiệu quả quản lý cao, năng động trong vận hành.
Thực hiện chính sách ưu đãi về tài chính - tiền tệ, không phân biệt hình thức sở hữu doanh nghiệp. Thực hiện thu phí đối với các dịch vụ công cộng với giá phù hợp, từng bước tiến tới đảm bảo thu phí có thể bù đắp được chi phí cung cấp dịch vụ.
Đối với các DNCI, Nhà nước cần cung cấp đầy đủ vốn ban đầu cho doanh nghiệp và doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước, còn lại mọi vấn đề về tài chính, kể cả việc huy động thêm vốn nếu doanh nghiệp có nhu cầu đều do doanh nghiệp chủ động. Cho phép các DNCI được thực hiện các hình thức huy động vốn và được áp dụng các hình thức đầu tư đa dạng như: BT, BOT, BTO, …
Đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư, có chính sách bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư vào kết cấu hạ tầng GTCC, một lĩnh vực có nhiều rủi ro và khó khăn trong việc thu hồi vốn.
Đối với công tác duy tu, duy trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật GTCC, cần có cơ chế quản lý phù hợp, khoán quản lý theo chất lượng sản phẩm. Điều cơ bản nhất là cần cung cấp vốn duy tu đầy đủ, theo yêu cầu sửa chữa chống xuống cấp, đúng định kỳ kỹ thuật.
Kết luận chương 1
Mặc dù quan niệm về DNNN, DNCI của các quốc gia có phần khác nhau về phân loại SP, DVCI; về từng thời kỳ mở rộng hay thu hẹp nhưng tựu chung SP, DVCI đều được các quốc gia coi trọng do tính đặc thù của các DNCI hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhưng rất cần thiết để đảm bảo sự phát triển cân đối của nền kinh tế, đảm bảo các mục tiêu xã hội; các thành phần kinh tế khác không muốn tham gia do vốn đầu tư lớn, hiệu quả thấp hoặc không có hiệu quả, thời gian thu hồi vốn chậm. Khu vực phục vụ công cộng được định hướng nhiều đến trách nhiệm xã hội và nhận thức về môi trường và hoạt động công ích tồn tại khách quan trong mọi nền kinh tế.
Chương 2
Thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp công ích thành phố Hà Nội trong thời gian qua