Giải pháp phát triển thị trường lao động

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Giải quyết việc làm ở Bắc Ninh Thực trạng và giải pháp potx (Trang 82 - 85)

- GDP Lao động

3.2.3.Giải pháp phát triển thị trường lao động

Nói đến thị trường lao động tức là đề cập đến toàn bộ các quan hệ về lao động diễn ra trong nền kinh tế, bao gồm trao đổi (hay mua bán, thuê mướn) giữa người lao động tự do và người sử dụng lao động dựa trên cơ sở các quy định ràng buộc như tiền công, tiền lương, thời gian lao động, điều kiện lao động, thỏa thuận về quyền lợi của hai bên.

Dưới góc độ giải quyết việc làm hoặc giảm thất nghiệp, trong cơ chế thị trường, về thực chất là giải quyết mối quan hệ giữa cung và cầu lao động trên thị trường lao động.

Trong giai đoạn vừa qua, Bắc Ninh đã quan tâm giải quyết cả hai vế cung và cầu lao động, nhưng chú trọng hơn tới biện pháp giải quyết việc làm. Điều này thể hiện tính chất cấp bách tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động ở tỉnh. Tuy nhiên, để thực hiện chiến lược giải quyết việc làm mà tỉnh đã đề ra cần thực hiện các biện pháp sau:

Đối với cung của thị trường lao động:

- Tiếp tục thực hiện chương trình DS-KHHGĐ, đặc biệt tập trung ở các vùng nông thôn - nơi đông dân nhưng trình độ dân trí thấp lại bị ảnh hưởng bởi phong tục tập quán lạc hậu.

- Tiếp tục thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ ở người lớn. - Nâng cao chất lượng của nguồn lao động với các giải pháp cụ thể sau:

+ Trong lĩnh vực đào tạo, ưu tiên ngân sách và huy động ngoài ngân sách để củng cố các trường dạy nghề, thực hiện đào tạo có mục tiêu. Các trường này cần phối hợp với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước để xây dựng nhu cầu đào tạo, xây dựng

chương trình đào tạo để làm căn cứ tuyển chọn và đào tạo công nhân đáp ứng nhu cầu theo các ngành nghề mà nền kinh tế của tỉnh đang cần.

+ Tiến hành các biện pháp đào tạo, đào tạo lại nghề cho lao động dôi dư do sắp xếp lại DNNN.

+ Cần xây dựng quỹ đào tạo chung cho các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế, nhằm đào tạo lại nghề cho người lao động bị thất nghiệp do chuyển đổi cơ cấu, do chuyển giao công nghệ.

+ Cần có biện pháp khuyến khích (hỗ trợ vốn, thuế, thủ tục hành chính…) đối với các doanh nghiệp gửi công nhân đã có tay nghề đi đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài phục vụ chuyển giao công nghệ. Các công nhân này sau khi đã được đào tạo phải tiếp tục chuyển giao lại kiến thức cho đồng nghiệp của mình.

+ Để nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh cần ưu tiên đầu tư cho giáo dục - đào tạo, trong đó cần chú trọng tới vùng nông thôn, vùng nông dân nghèo.

+ Chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, cần phải điều chỉnh lại cơ cấu đào tạo đối với các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề.

Trong lĩnh vực đào tạo, đặc biệt cần coi trọng công tác dạy nghề là trọng tâm. Mở rộng hệ thống các trường dạy nghề và xây dựng mối quan hệ chiều ngang giữa trường học, trường dạy nghề và các nhà đầu tư, cũng như mối quan hệ dọc giữa trường dạy nghề với các cơ quan hoạch định chính sách của tỉnh. Cần giới thiệu cho các em học sinh phổ thông cơ sở và phổ thông trung học hiểu biết về các trường dạy nghề, qua đó tạo cầu nối giữa trường học và trường dạy nghề, giúp cho các em tự lựa chọn và quyết định nghề nghiệp cho phù hợp với khả năng của bản thân. Mặt khác, trường dạy nghề cũng cần đào tạo cho các đối tượng khác theo yêu cầu. Như vậy, trong thời gian tới, trường dạy nghề là một khâu quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động, góp phần điều chỉnh cơ cấu đào tạo đang rất bất hợp lý hiện nay để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động của tỉnh.

Đối với cầu của thị trường lao động:

- Cần có chính sách rõ ràng về hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo ra được nhiều việc làm. Khuyến khích liên kết giữa các doanh nghiệp lớn - vừa - nhỏ, qua đó có thể tuyển dụng lao động có trình độ khác nhau từ giản đơn đến kỹ thuật cao, vừa thực hiện chuyển giao kỹ thuật giữa doanh nghiệp lớn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thực hiện đào tạo theo phương thức vừa học, vừa làm.

- Cần cải thiện môi trường kinh tế vĩ mô và môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút đầu tư nước ngoài, khuyến khích đầu tư tư nhân trong mọi lĩnh vực.

- Khuyến khích các hoạt động phi nông nghiệp ở nông thôn, khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại để giải quyết việc làm tại chỗ. Các cấp chính quyền có vai trò quan trọng trong cung cấp thông tin, giới thiệu sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ và tạo cầu nối giữa nông dân và các cơ quan hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân.

- Nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình giải quyết việc làm bằng cách xây dựng hệ thống hướng dẫn, giám sát, kiểm tra điều chỉnh chặt chẽ từ cơ quan của tỉnh đến các cấp cơ sở. Nâng cao vai trò của các cấp chính quyền địa phương trong giải quyết việc làm, bao gồm trách nhiệm về đóng góp tài chính, hướng dẫn thực hiện, hướng dẫn kỹ thuật, giám sát và đánh giá, chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chương trình khi không đạt được mục tiêu.

Không nên thực hiện chương trình giải quyết việc làm một cách dàn trải, nên ưu tiên cho các vùng căng thẳng về giải quyết lao động và cần sự hỗ trợ của Nhà nước Trung ương. Tuy nhiên, chương trình cũng chỉ nên triển khai ở một số nơi đã có đủ điều kiện về đội ngũ cán bộ địa phương am hiểu thực tế và có khả năng giám sát, đánh giá hiệu quả của các biện pháp giải quyết việc làm, ở nơi người lao động có đủ khả năng vay vốn để tự tạo công ăn việc làm.

- Cần hoàn thiện khung pháp luật về lao động như quy định về tiền công, tiền lương, các chế độ đối với người lao động khi chuyển việc, thôi việc, mất việc, an toàn lao động…

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Giải quyết việc làm ở Bắc Ninh Thực trạng và giải pháp potx (Trang 82 - 85)