Khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Giải quyết việc làm ở Bắc Ninh Thực trạng và giải pháp potx (Trang 76 - 82)

- GDP Lao động

3.2.2.3.Khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống

Có thể nói làng nghề ở Bắc Ninh có những tác động rất lớn vào đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực việc làm. Việc khôi phục và phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp trong các vùng nông thôn, nhất là trong các làng nghề thủ công truyền thống đóng vai trò quan trọng và là biện pháp chủ yếu nhất giải quyết lực lượng lao động thiếu việc làm hiện nay của tỉnh; góp phần chuyển dịch cơ cấu nông, công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn; xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân và người lao động ở tỉnh.

Hiện nay Bắc Ninh có 58 làng nghề, trong đó có 31 làng nghề truyền thống, với tổng số 278 đơn vị sản xuất tiểu thủ công nghiệp và hơn 9.000 hộ kinh doanh. Làng nghề Bắc Ninh có vai trò to lớn tạo ra nhiều sản phẩm cần thiết cho xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế, nhất là tăng trưởng sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thu hút

nhiều lao động, làm tăng thu nhập cho người lao động. Giá trị sản lượng hàng năm của các làng nghề chiếm hơn 40% tổng giá trị công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cho đến nay tổng số vốn đầu tư cho các làng nghề khoảng 200.000 triệu đồng [32, tr. 12-13]. Giá trị sản lượng sản xuất ra hàng năm khá lớn và đa dạng, thể hiện khả năng và năng lực sản xuất của các làng nghề. Mặc dù thị trường tiêu thụ còn rất hạn hẹp, nhưng các tổ chức và cá nhân trong làng nghề đã hình thành được cách tiêu thụ riêng cho mình.

Trên cơ sở khôi phục và phát triển các cụm công nghiệp, các làng nghề truyền thống hiện có, từ nay đến năm 2010 Bắc Ninh cần quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề và đa nghề ở các huyện có quy mô từ 5-20 ha với những cơ sở sản xuất vừa và nhỏ sau đây:

+ Cụm công nghiệp Châu Khê, Đồng Quang, Đình Bảng, Tân Hồng. + Hạp Lĩnh, Khắc Niệm, Phú Lâm, Liên Bão.

+ Thanh Khương, thị trấn Hồ (Thuận Thành). + Đại bái, Ngụ (Gia Bình).

+ Táo Đôi, Kênh Vàng.

+ Thị trấn Phố Mới (Quế Võ).

+ Phong Khê, Đông Tiến, Núi (Yên Phong). + Võ Cường, Đại Phúc (Thị xã Bắc Ninh)…

Định hướng phát triển các cụm công nghiệp này là sản xuất các sản phẩm truyền thống có lợi thế của địa phương, đồng thời bố trí các cơ sở công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, dệt, may, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ kim khí vừa và nhỏ…

Để Bắc Ninh giữ được nghề truyền thống, phát triển nhiều nghề mới, có nhiều sản phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước và có những bước phát triển vững chắc trong thời kỳ mới, cần thực hiện tốt các giải pháp sau đây:

Thị trường là vấn đề sống còn, quyết định sự tồn tại, phát triển hay diệt vong của các làng nghề. Sự biến động thăng trầm của làng nghề phần lớn là do biến động của thị trường quyết định. Vì vậy, cần hỗ trợ giúp các làng nghề tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Vấn đề đặt ra hiện nay là: phải có kế hoạch đầu tư vào việc nghiên cứu phát triển sản phẩm xuất khẩu trên thị trường quốc tế thông qua triển lãm hội chợ... Sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài cần được khai thác kỹ lưỡng năng lực truyền thống để tạo ra những sản phẩm mới và có những mẫu mã phù hợp với thị hiếu và tiêu chuẩn quốc tế. Thường xuyên nghiên cứu sự biến động nhu cầu và thị hiếu của khách hàng ở các nước khác nhau mà cải tiến sản phẩm cho phù hợp. Tỉnh phải có chính sách ưu đãi thích hợp đối với những nhà sản xuất các mặt hàng truyền thống để họ có cơ hội duy trì, phát triển mặt hàng thông qua việc mở rộng sản xuất, bồi dưỡng tay nghề cho sự kế tục và cải tiến sản phẩm. Cung cấp thông tin dịch vụ tư vấn kinh doanh, tư vấn thị trường, trợ giúp các làng nghề làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, giảm bớt khó khăn và phiền hà các thủ tục, giấy tờ xuất nhập khẩu.

Thứ hai, giải pháp về vốn

Vốn là nhân tố cực kỳ quan trọng không thể thiếu được trong quá trình sản xuất ở làng nghề truyền thống. Mặc dù yêu cầu về vốn cho sản xuất trong các làng nghề không phải là lớn, nhưng hiện nay nguồn vốn đầu tư vào sản xuất trong các làng nghề còn thấp chủ yếu là vốn tự có. Do nguồn vốn hạn hẹp, nhiều doanh nghiệp tư nhân và các hộ cá thể gặp nhiều khó khăn về vốn trong việc đầu tư trang thiết bị và công nghệ mới. Để có thể tạo nguồn vốn cho các làng nghề phát triển cần áp dụng một số giải pháp sau:

- Mở rộng hệ thống tín dụng cho khu vực nông thôn, tổ chức các quỹ tín dụng chuyên doanh phục vụ phát triển công nghiệp nông thôn.

- Hàng năm tỉnh nên có kế hoạch nhất định từ nguồn vốn đầu tư phát triển cho vay với lãi suất ưu đãi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong các làng nghề, làng nghề mới khôi phục và phát triển, các làng nghề mới.

- Khai thác triệt để các khoản vốn hỗ trợ từ bên ngoài thông qua các chương trình, dự án doanh nghiệp vừa và nhỏ trong làng nghề.

Thứ ba, đổi mới trang thiết bị và công nghệ sản xuất

Đổi mới trang thiết bị và công nghệ sản xuất cần đi theo con đường phát triển từ thấp đến cao, từ thô sơ đến hiện đại. Đối với ngành nghề thủ công truyền thống, một mặt phải hết sức coi trọng việc kế thừa kỹ thuật cổ truyền với phát triển kỹ xảo, tay nghề của các nghệ nhân; mặt khác, phải thực hiện kết hợp công nghệ truyền thống với công nghệ hiện đại, trang bị kỹ thuật tiên tiến cho những công đoạn cần thiết để nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nguyên vật liệu, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đổi mới trang thiết bị và công nghệ sản xuất là biện pháp hết sức quan trọng của mỗi đơn vị sản xuất kinh doanh trong làng nghề truyền thống. Vì vậy cần phải:

- Khuyến khích các cơ sở sản xuất trong làng nghề truyền thống đầu tư chiều sâu để đổi mới công nghệ, hiện đại hóa công nghệ truyền thống, áp dụng công nghệ nhiều trình độ trong khu vực sản xuất của làng nghề làm cho sản phẩm làm ra cạnh tranh được trên thị trường trong và ngoài nước.

- Để giúp các cơ sở sản xuất có thể đổi mới thiết bị và công nghệ, ngoài sự hỗ trợ về vốn để người sản xuất có điều kiện đầu tư mua sắm trang thiết bị, tỉnh cần hỗ trợ trong việc hướng dẫn hoặc cung cấp những thông tin về thiết bị, công nghệ nhập ngoại để người sản xuất có điều kiện chọn lọc cho phù hợp.

- Tổ chức các trung tâm tư vấn, chuyển giao công nghệ và các hoạt động hỗ trợ về mặt kỹ thuật và công nghệ cho các làng nghề. Các trung tâm này sẽ tư vấn cho các làng nghề nên sử dụng công nghệ gì, đổi mới ở khâu nào, sử dụng kỹ thuật ra sao… để giúp các làng nghề có thể áp dụng những công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của các làng nghề.

Thứ tư, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và nâng cao tay nghề cho người lao

Nhìn chung, chất lượng nguồn lao động trong các làng nghề còn thấp, nhiều người chưa qua đào tạo, mà chủ yếu là truyền nghề trực tiếp. Hiện nay, lao động có chuyên môn kỹ thuật ở trong làng nghề truyền thống chiếm tỷ lệ rất nhỏ, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý vừa ít về số lượng, vừa thấp về chất lượng. Đội ngũ các chủ doanh nghiệp trình độ quản lý còn nhiều yếu kém, ít hiểu biết về sản xuất kinh doanh. Do đó, họ không đủ kiến thức và trình độ để áp dụng phương pháp quản lý tiến tiến.

Để nâng cao trình độ quản lý và trình độ tay nghề cho người lao động, đáp ứng được yêu cầu mở rộng sản xuất ở làng nghề truyền thống cần phải có ngay giải pháp mang tính hệ thống và đồng bộ theo các hướng sau:

- Nâng cao trình độ văn hóa chung cho dân cư trong các làng nghề. Đây là điều kiện cơ bản để đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề, có trình độ ở các làng nghề.

- Cải tiến chương trình và tổ chức lại hệ thống các trường dạy nghề. Tập trung chủ yếu vào đào tạo những kiến thức thiết thực cho việc phát triển của làng nghề truyền thống. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Mở rộng quy mô đào tạo và đa dạng hóa các hình thức dạy nghề.

+ Khuyến khích hình thành các trung tâm dạy nghề do tư nhân mở lớp đào tạo nghề cho những người có nhu cầu học.

+ Có thể đưa thêm một số nghề truyền thống vào dạy ở các trường kỹ thuật chuyên nghiệp, các trường công nhân kỹ thuật. Đi đôi với vấn đề đào tạo là việc sử dụng, phải gắn việc đào tạo với giải quyết việc làm.

+ Các nghệ nhân, thợ giỏi dạy nghề theo kiểu vừa học, vừa làm trong một thời gian nhất định.

+ Các hiệp hội nghề có thể tổ chức các lớp đào tạo kỹ thuật và quản lý ở trình độ cao, nhằm tạo ra nhiều người có trình độ sản xuất và kinh doanh giỏi, có khả năng tiếp nhận được những nghề mới, cải tiến nghề cũ, làm hạt nhân trong các cơ sở, các làng nghề truyền thống.

- Đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất: hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH… nhằm tăng cường sức cạnh tranh và củng cố quan hệ sản xuất.

- Khuyến khích và tạo điều kiện cho các làng nghề thành lập trung tâm hoặc doanh nghiệp chịu trách nhiệm giới thiệu đầu ra, đầu vào của sản phẩm. Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho vay vốn, mặt bằng và tạo cơ sở pháp lý cho các trung tâm này hoạt động.

- Thành lập các hiệp hội ngành nghề có nhiều thành phần kinh tế tham gia nhằm liên kết các khâu trong quá trình sản xuất, trao đổi, rút kinh nghiệm, phân công hợp tác sản xuất.

- Tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết giữa các thành phần kinh tế, giữa các làng nghề với các DNNN và tăng cường hình thức các cơ sở sản xuất làng nghề làm vệ tinh cho các doanh nghiệp quốc doanh.

- Các tổ chức làm nhiệm vụ quản lý ngành, quản lý ngoại thương, các hiệp hội nên có sự phối hợp chặt chẽ trong việc sắp xếp và thống nhất các đầu mối xuất khẩu, phân chia phạm vi và ranh giới các mặt hàng đối với mỗi đơn vị hoặc công ty được giao nhiệm vụ xuất nhập khẩu, nhằm hạn chế tình trạng cạnh tranh hỗn loạn làm tổn hại đến lợi ích chung.

Thứ sáu, hoàn thiện hệ thống chính sách kinh tế của Nhà nước.

Hoàn thiện hệ thống luật, chính sách để tạo lập, phát triển môi trường thể chế cho phát triển làng nghề. Trước mắt cần tập trung vào một số các chính sách cơ bản sau:

- Chính sách cơ cấu ngành nghề, mặt hàng và vùng lãnh thổ. Chú trọng phát triển các ngành và sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao như: mặt hàng xuất khẩu, mặt hàng chế biến nông, lâm, thủy sản…

- Chính sách huy động vốn cho các làng nghề. - Chính sách thuế.

- Chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các làng nghề ở nông thôn. - Tăng cường công tác quản lý của Nhà nước đối với làng nghề truyền thống.

- Bảo vệ môi trường sinh thái và chống ô nhiễm môi trường trong các làng nghề.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Giải quyết việc làm ở Bắc Ninh Thực trạng và giải pháp potx (Trang 76 - 82)