Thực trạng công tác đào tạo nghề

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Giải quyết việc làm ở Bắc Ninh Thực trạng và giải pháp potx (Trang 43 - 45)

Hiện nay, khoảng 80% lao động của tỉnh và đại bộ phận lao động nông thôn chưa có trình độ chuyên môn kỹ thuật như mong đợi. Để đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH, phát triển các ngành nghề mới, nâng cao hiệu quả của các ngành nghề đang có, thay đổi cơ cấu lao động và tính chất lao động, cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, văn hóa, khoa học kỹ thuật, quản lý cho người lao động. Người lao động cần phải được đào tạo mới và tập thêm các kiến thức mới để chuyển sang phát triển ngành nghề mới, nâng cao năng suất lao động trong ngành nghề đang làm việc. Việc này cần phải tiến hành cho tất cả lao động, trước mắt là lao động trẻ, lao động ở nông thôn, đồng thời sử dụng tốt lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.

Qua khảo sát thực trạng một số doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Bắc Ninh cho thấy trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động còn thấp, số công nhân lao động chỉ được kèm cặp trong thời gian ngắn chủ yếu theo phương pháp truyền nghề trực tiếp hoặc

truyền nghề trong phạm vi gia đình, dòng họ. Theo kết quả điều tra tại thời điểm 31/12/1998 của UBND tỉnh, số người có trình độ chuyên môn thấp so với tổng số lao động hiện đang làm việc. Số lao động được đào tạo nghề là 80.687 người chiếm 16,57% trong tổng số lao động tham gia hoạt động kinh tế.

Kết quả điều tra chọn mẫu năm 1997 của tỉnh cho thấy, trong số 660 hộ được điều tra ở tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh chỉ có 21 người được đào tạo chuyên nghiệp, dạy nghề, trong đó có tới 8 người đang học đại học, cao đẳng; số người học nghề là 11 người, không có người nào học sơ cấp và công nhân kỹ thuật.

Qua đó ta thấy, số công nhân kỹ thuật được đào tạo cơ bản chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số người được đào tạo và gần như không đáng kể so với tổng số người tham gia hoạt động kinh tế. Không những thế nó còn mất cân đối cả về tỷ lệ đào tạo và loại hình đào tạo ngay trong các trường, các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh. Chưa có mối quan hệ giữa các trường đào tạo nghề với các doanh nghiệp. Số công nhân trong các doanh nghiệp chỉ được đào tạo trực tiếp, không được trạng bị lý thuyết nên học tới đâu biết tới đó. Ngược lại, số học sinh trong các trường dạy nghề chỉ nắm được lý thuyết, không được thực hành trên công việc cụ thể. Đội ngũ cán bộ, giáo viên trong các trường dạy nghề vừa giảm về số lượng, vừa tụt hậu về trình độ khoa học - công nghệ. Số lao động sau khi được đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp nên rất khó tìm việc làm. Bên cạnh đó nhà trường chỉ đào tạo những ngành nghề nhất định, một số ngành kỹ thuật doanh nghiệp cần thì nhà trường lại chưa có chương trình đào tạo. Tính đến 31/12/2000, số học sinh được đào tạo công nhân (bao gồm ở các trường do Trung ương và địa phương quản lý đóng trên địa bàn tỉnh) là 2004 người, tăng 49% so với năm học trước, nhưng theo đánh giá của UBND tỉnh, con số này vừa không đảm bảo số lượng, vừa không đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Các trường lớp đào tạo nghề hiện nay vẫn còn yếu và thiếu, toàn tỉnh có 1 trường công nhân kỹ thuật của tỉnh, 1 trường công nhân xây dựng thủy lợi (Bộ NN&PTNT), 1 trung tâm dịch vụ việc làm, 1 trung tâm khuyến nông, khuyến lâm (thuộc tỉnh), 8 trung tâm dịch vụ việc làm thuộc 8 huyện, thị xã.

Trang thiết bị dạy học cho các trường nghề vừa thiếu, vừa lạc hậu. Đầu tư cho đào tạo nghề còn hạn hẹp và có xu hướng giảm dần. Chính vì vậy, chất lượng, quy mô đào tạo nghề vừa kém, vừa thiếu hụt nghiêm trọng.

Công tác đào tạo cán bộ quản lý còn nhiều vấn đề đặt ra. Hiện nay đa số cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp chưa qua đào tạo cơ bản, quản lý theo kiểu gia đình, kinh nghiệm là chính. Theo thống kê chưa đầy đủ, cán bộ quản lý các doanh nghiệp có trình độ đại học, cao đẳng chiếm 9%, tốt nghiệp phổ thông chiếm 60%; có những cán bộ quản lý chưa học xong tiểu học. Đội ngũ này không được đào tạo cơ bản về chuyên môn, về quản lý, về pháp luật… dẫn đến tình trạng khó khăn, bất cập trong quản lý.

Địa phương chưa thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng về trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ và trình độ quản lý cho các chủ doanh nghiệp nên họ thiếu thông tin, bỡ ngỡ trước sự biến động của thị trường, nhất là thị trường nước ngoài. Sự thăng trầm của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào trình độ quản lý, sự năng động của các chủ doanh nghiệp. Đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp là vấn đề bức xúc cần quan tâm giải quyết.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Giải quyết việc làm ở Bắc Ninh Thực trạng và giải pháp potx (Trang 43 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)