Chất lượng nguồn lao động nhìn chung đã được cải thiện nhiều nhưng cung về chất lượng không đáp ứng được cầu về cả hai mặt thể lực và trí lực nguồn lao động. Đó là tình trạng thiếu hụt kỹ năng của người lao động. Lao động có tay nghề cao, công nhân kỹ thuật thiếu do đầu tư cho giáo dục chưa đủ, cơ cấu đào tạo chưa hợp lý, thiếu cơ sở định hướng, không xuất phát từ nhu cầu thị trường lao động của tỉnh.
Về mặt thể lực
Tầm vóc và thể lực của người Việt Nam nói chung của người dân Bắc Ninh nói riêng trong thập kỷ 90 đã có sự tăng trưởng rõ rệt về chiều cao và cân nặng nhưng vẫn thua kém nhiều nước trong khu vực. Một so sánh cho thấy: chiều cao và cân nặng của trẻ em 15 tuổi - tuổi bắt đầu bước vào độ tuổi lao động, của Việt Nam là 147 cm, 34,3 kg; trong khi đó của Thái Lan là 149 cm, 40,5 kg; của ấn Độ là 155 cm, 49 kg; Nhật Bản là 164 cm, 53 kg.
Ngoài ra, tình trạng vệ sinh thực phẩm hiện nay rất đáng lo ngại, việc sử dụng các loại hóa chất bừa bãi không đúng quy định về an toàn thực phẩm đang hàng ngày ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Một loạt các chỉ số có liên quan đến y tế, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường còn ở mức thấp, đặc biệt là ở nông thôn - nơi đông dân cư, trình độ dân trí thấp. Điều đó lý giải phần nào sự hạn chế về mặt thể lực của người lao động Bắc Ninh cũng như người lao động Việt Nam.
Về mặt trí lực
- Trình độ học vấn
Trình độ văn hóa là cơ sở rất quan trọng để nâng cao năng lực và kỹ năng làm việc của người lao động. Số người biết đọc, biết viết tăng dần. Trong những năm qua, số người tốt nghiệp các cấp học phổ thông có xu hướng tăng dần qua từng năm: năm 1997: 80,52%, năm 1998: 80,88%, năm 1999: 82,93% và năm 2000: 83,58%. Tỷ lệ lao động chưa biết chữ và chưa tốt nghiệp cấp I ngày càng giảm xuống tương xứng. Xu hướng trình độ học vấn của người lao động ngày càng cao cho thấy khả năng học nghề, đào tạo nghề và nâng cao tay nghề của lực lượng lao động ở Bắc Ninh vào loại khá. Đây là một tiền đề quan trọng của sự phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Tuy nhiên, chúng ta thấy tỷ lệ người tốt nghiệp cấp II và cấp III trong lực lượng lao động của tỉnh còn thấp chỉ khoảng 50% [44, tr. 6].
Với thực trạng trên, nếu không có những giải pháp tích cực và có hiệu quả để tăng nhanh số lượng và tỷ lệ lao động có trình độ học vấn tốt nghiệp cấp II và cấp III thì khó
có thể thực hiện được các mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế cũng như giải quyết việc làm cho người lao động trong những năm tới.
Bảng số 4: Trình độ học vấn phổ thông Đơn vị: % Chỉ tiêu 1997 1998 1999 2000 Không biết chữ Chưa tốt nghiệp cấp I Đã tốt nghiệp cấp I Đã tốt nghiệp cấp II Đã tốt nghiệp cấp III Tổng số: 4,46 15,02 24,26 44,51 11,75 100 4,12 15,00 25,78 44,03 11,07 100 3,80 14,07 25,09 44,92 12,12 100 3,10 13,32 24,71 44,46 14,41 100
Nguồn: UBND tỉnh Bắc Ninh [44, tr. 6].
- Trình độ chuyên môn kỹ thuật
Kết quả điều tra những năm gần đây cho thấy tình hình cụ thể như sau:
Bảng số 5: Trình độ chuyên môn kỹ thuật
Đơn vị: %
Chỉ tiêu 1997 1998 1999 2000
Không có chuyên môn kỹ thuật 92,96 90,40 90,40 88,23
Trình độ sơ cấp 0,85 0,97 1,06 1,06
Công nhân kỹ thuật có bằng 1,13 1,59 1,78 2,40
Trung học chuyên nghiệp 2,64 2,43 2,50 2,71
Cao đẳng và đại học 1,38 1,50 2,04 2,60
Trên đại học 0,01 0,01 0,01 0,01
Tổng số: 100 100 100 100
Nguồn: UBND tỉnh Bắc Ninh [44, tr. 6].
Như vậy, số người chưa được đào tạo nghề còn rất lớn chiếm 90% lực lượng lao động của tỉnh. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật chiếm tỷ lệ rất thấp: 11,77% (năm 2000) và qua các năm tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chuyển biến rất chậm, năm 1997 là 7,04%, năm 1998: 9,60%, năm 1999: 9,60%, năm 2000: 11,77%.
Chất lượng lao động chuyên môn kỹ thuật của tỉnh còn nhiều bất cập. Lao động không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Chưa được đào tạo đủ trình độ quy định, năng lực thích ứng với việc làm trong nền kinh tế chuyển đổi còn yếu. Tỷ lệ lao động chuyên môn kỹ thuật có trình độ cao thấp, cơ cấu bậc đào tạo mất cân đối với nhu cầu sử dụng.
Xét trong tổng số lao động chuyên môn kỹ thuật năm 2000 của tỉnh, cơ cấu như sau: sơ cấp chiếm 1,06%, công nhân kỹ thuật (CNKT) không bằng: 2,99%, CNKT có bằng: 2,4%, trung học chuyên nghiệp (THCN): 2,71%, cao đẳng và đại học (CĐ-ĐH): 2,6%, trên đại học: 0,01%. Như vậy, số lao động có chuyên môn kỹ thuật trình độ sơ cấp và không bằng cấp còn 4,05% trong tổng số lao động chuyên môn kỹ thuật.
Tính gộp cả sơ cấp, CNKT không bằng và có bằng là một bậc để so sánh với bậc THCN và bậc CĐ-ĐH (kể cả sau đại học), cơ cấu đào tạo CNKT/THCN/CĐ-ĐH là 2,4/1/1; nghĩa là ứng với 1 lao động có trình độ ĐH-CĐ thì có 1 lao động trình độ THCN và 2,4 lao động trình độ sơ cấp, CNKT. So với các nước có mức GDP bình quân đầu người từ 200 - 300 USD là 7/2/1 thì thấy cơ cấu lao động chuyên môn kỹ thuật của tỉnh
hiện nay là bất hợp lý. Sự bất hợp lý này có nguyên nhân bắt nguồn từ sự bất hợp lý trong cơ cấu đào tạo của tỉnh trong thời gian qua.
Ngoài ra, nguyên nhân khách quan của tình trạng này là do 90,60% dân cư và 85,71% lực lượng lao động ở tỉnh đang làm việc trên địa bàn nông thôn, nơi mà công việc lao động sản xuất chưa đặt ra yêu cầu bức xúc về đào tạo nghề; chỉ có 8,05% người lao động ở nông thôn đã trải qua đào tạo nghề nghiệp, trong khi đó con số này ở thành thị là 33,70%. Cùng với việc phát triển việc làm mới phi nông nghiệp ở nông thôn, việc đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn nông thôn đã trở thành vấn đề rất quan trọng cho sự phát triển của khu vực rộng lớn này ở tỉnh Bắc Ninh.
Trong khu vực công nghiệp và dịch vụ, tỷ lệ công nhân kỹ thuật còn thấp, chỉ có dưới 5% so với toàn bộ lực lượng lao động của tỉnh. Điều đáng lưu ý là trong đó hơn một nửa công nhân kỹ thuật tuy đã được đào tạo nhưng không có bằng. Rõ ràng, đào tạo nghề đang là vấn đề bức xúc đối với lực lượng lao động không chỉ ở nông thôn mà ở cả thành thị.