Nhiều năm qua nền kinh tế của Bắc Ninh đã có nhiều chuyển biến tốt, phản ánh những thắng lợi bước đầu đáng ghi nhận về sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Tổng sản phẩm trong tỉnh tạo ra hàng năm tăng liên tục. Bình quân trong 4 năm qua, mỗi năm tăng 12,4%. đặc biệt là 2 năm cuối của thế kỷ 20 có tốc độ tăng trưởng kinh tế đột biến tương ứng là 15,9% và 15,6%. Cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp. Năm 1997, tỷ trọng nông nghiệp trong GDP chiếm 44,70% và năm 2000 là 36,47%. Tỷ trọng công nghiệp tăng từ 24,40% năm 1997 lên 29,65% năm 2000. Trong khi đó, tỷ trọng thương mại, dịch vụ trong GDP biến động thấp thường và theo chiều hướng cầm chừng.
Bảng số 1: Cơ cấu kinh tế tỉnh Bắc Ninh
Đơn vị: %
Ngành kinh tế 1997 1998 1999 2000
Nông nghiệp
Công nghiệp & XD Dịch vụ 44,70 24,40 30,90 44,10 25,70 30,20 40,60 31,40 28,00 36,47 29,65 33,86
Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2000 đạt gần 1,6 tỷ đồng (theo giá cố định năm 1994). Trồng trọt là ngành chủ yếu, chiếm 68% giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2000. Trong ngành trồng trọt, cây lương thực chiếm tới 83%. Cây công nghiệp hàng năm và cây lâu năm không đáng kể. Ngành chăn nuôi chiếm 28%, trong đó nuôi lợn là chủ yếu. Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp thấp, chỉ gần 12 tỷ đồng /năm. Sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt 488,5 kg/năm. Toàn bộ giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản bình quân đầu người đạt mức 1.670 triệu đồng/năm (theo giá cố định năm 1994).
Sản xuất công nghiệp đã có bước khởi sắc. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm 2000 đạt 2.074 tỷ đồng. Trong đó, khu vực quốc doanh chiếm 26%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 39%, khu vực ngoài quốc doanh chiếm 35%. Nếu phân theo vùng lãnh thổ thì huyện Từ Sơn chiếm 1/4 giá trị sản xuất công nghiệp trong số 8 huyện, thị xã của tỉnh. Trong ngành công nghiệp thì công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng rất cao, đạt 99,9% giá trị công nghiệp của tỉnh năm 2000, tập trung chủ yếu vào các ngành: sản xuất sản phẩm từ hóa chất phi kim loại (chiếm 42% giá trị sản xuất công nghiệp), sản xuất kim loại: 12,4%, sản xuất thuốc lá:11,5%, sản xuất giường, tủ, bàn ghế: 11,4%.
Trên địa bàn tỉnh có 58 làng nghề, trong đó có những làng nghề có từ lâu đời và rất nổi tiếng như rèn Đa Hội, đúc đồng Đại Bái, gốm Phù Lãng, tranh Đông Hồ. Hiện có 31 làng nghề truyền thống và 27 làng nghề mới, trong đó có 49 làng nghề sản xuất tiểu công nghiệp với 17 loại sản phẩm chính, 4 làng nghề xây dựng, 3 làng nghề thương mại, 1 làng nghề dịch vụ và 1 làng nghề thủy sản. Năm 2000, giá trị sản xuất của các làng nghề đạt trên 200 tỷ đồng (chiếm 74% giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh của tỉnh), thu hút vốn hàng chục tỷ đồng vào sản xuất, đóng góp cho ngân sách hơn 1,5 tỷ đồng.
Ngành xây dựng cơ bản năm 2000 huy động vốn đầu tư đạt 89,9 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước và các DNNN chiếm 39,3% tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh, vốn của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và dân cư chiếm 58,2%, vốn khu vực liên doanh chiếm 2,5%.
Trong ngành vận tải, khối lượng vận chuyển hàng hóa năm 2000 đạt 2,9 triệu tấn, khối lượng lưu chuyển hàng hóa là 60,1 triệu tấn km. Trong số đó, khu vực vận tải ngoài
quốc doanh chiếm 90,3% khối lượng vận chuyển và 98,3% khối lượng luân chuyển hàng hóa của tỉnh. Vận tải hành khách năm 2000 đạt 2,3 triệu người, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực ngoài quốc doanh chiếm 88,7%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ năm 2000 đạt 1.228,6 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực ngoài quốc doanh chiếm 81,6%. Hiện có 7.464 cơ sở kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh, trong đó có 13 DNNN, 9 HTX, 17 công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân, 7.425 hộ cá thể.
Tóm lại, Bắc Ninh có những lợi thế và tiềm năng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm của tỉnh:
- Tiềm năng lớn nhất là con người Bắc Ninh năng động, sáng tạo, có nhiều làng nghề truyền thống, nghề buôn bán có từ lâu đời.
- Bắc Ninh có nền văn hiến lâu đời, có làn điệu dân ca quan họ làm say mê lòng người, có nhiều lễ hội, nhiều di tích văn hóa và lịch sử (hiện có 203 di tích đã được xếp hạng). Đó chính là tiềm năng để Bắc Ninh phát triển du lịch.
- Vị trí địa lý của tỉnh khá thuận lợi, rất gần thủ đô Hà Nội, nằm trong tam giác phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh nên tỉnh có rất nhiều cơ hội để phát triển.
- Hệ thống giao thông phát triển cũng là tiềm năng và thế mạnh trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Tuy được các cấp chính quyền rất quan tâm trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhưng nhìn chung đến nay, còn nhiều khó khăn, trở ngại:
- Là một tỉnh nhỏ "đất chật, người đông". Đây cũng là bài toán khó trong vấn đề giải quyết việc làm của tỉnh.
- Tiềm năng về tự nhiên rất hạn chế, các tài nguyên khoáng sản, rừng… hầu như không đáng kể.
- Đến nay, nền kinh tế vẫn chủ yếu là nông nghiệp mang tính độc canh, chủ yếu là trồng lúa và nuôi lợn phân tán trong các hộ gia đình. Đất nông nghiệp bình quân đầu người thấp và ngày càng giảm là một trong những trở ngại lớn cho việc phát triển nông nghiệp.
- Thu nhập bình quân đầu người thấp, khoảng 3 triệu đồng/năm (210 USD) nên sức mua và quy mô thị trường nội tỉnh bị hạn chế.
- Các ngành thương mại, du lịch, khách sạn… phát triển chậm, chưa khai thác được tiềm năng về truyền thống văn hóa, các di tích và cảnh quan của tỉnh.
- Bắc Ninh gần thủ đô Hà Nội, nằm trong tam giác phát triển kinh tế HàNội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đó là lợi thế đồng thời cũng là thách thức, làm tăng sức cạnh tranh các mặt hàng sản xuất của tỉnh.