Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, có tốc độ phát triển và quá trình đô thị hóa nhanh, thị trường lao động Hà Nội cũng phát triển sôi động hơn các địa phương khác. Lực lượng lao động ở Hà Nội có chất lượng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn các tỉnh lân cận. Những năm qua Hà Nội đã tạo mở nhiều việc làm cho người lao động, trong thời gian 1995-1998 số người được giải quyết việc làm trong khu vực thành thị khoảng 171.698 người. Kinh tế của Hà Nội phát triển với tốc độ tương đối nhanh và liên tục so với các địa phương trong cả nước. GDP bình quân đầu người của Hà Nội không ngừng tăng lên, năm 1995 đạt trên 6 triệu VND (tương đương với 564 USD theo tỷ giá năm 1995), bằng 2,1 lần bình quân chung cả nước và 1,6 lần vùng đồng bằng sông Hồng. Năm 1996 đạt 7,2 triệu, năm 1997 đạt 8,2 triệu, năm 1998 đạt 8,9 triệu đồng/người [29, tr. 58].
Có thể khái quát lại kinh nghiệm của Hà Nội về giải quyết việc làm như sau:
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH gắn với sự phát triển đa dạng các ngành nghề sử dụng nhiều lao động.
- Phát triển toàn diện kinh tế - xã hội nông thôn ngoại thành, phát triển thị trường lao động tại chỗ: đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất cây trồng, thu hút lao động, phát triển nông nghiệp đa dạng, tạo thêm việc làm ở các huyện ngoại thành, phát triển chăn nuôi và kinh tế vườn, thực hiện đồng bộ chương trình xóa đói giảm nghèo, phát triển ngành nghề và dịch vụ nhỏ ở nông thôn.
- Phát triển mạnh quan hệ kinh tế với các nước và xuất khẩu lao động.
- Hạ thấp tỷ lệ gia tăng dân số, đào tạo chủ doanh nghiệp, đào tạo và dạy nghề cho người lao động.
- Tạo môi trường thuận lợi, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tạo việc làm, có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển thị trường lao động, tạo việc làm phù hợp.
- Đổi mới tổ chức hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm ở Hà Nội. - Tăng cường các biện pháp quản lý di dân tự do đến Hà Nội.
- Hoàn thiện bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ này.