- GDP Lao động
2.3.2. Mâu thuẫn giữa giải quyết việc làm với đào tạo nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực được đề cập đến như một nguồn vốn tổng hợp với hệ thống các yếu tố hợp thành: sức lực và trí tuệ, khối lượng cùng với các đặc trưng về chất lượng lao động như trình độ văn hóa, kỹ thuật, kinh nghiệm nghề nghiệp, thái độ và phong cách làm việc… ở đây, con người được xem xét với tư cách là một yếu tố cơ bản của quá trình sản xuất, một nguồn lực chủ yếu để phát triển kinh tế - xã hội.
Theo UNDP, có năm nhân tố tác động đến quá trình phát triển nguồn nhân lực. Đó là giáo dục - đào tạo, sức khỏe và dinh dưỡng, môi trường, việc làm, sự giải phóng con người. Những nhân tố này quan hệ chặt chẽ với nhau và phụ thuộc lẫn nhau, trong đó giáo dục - đào tạo là cơ sở của tất cả các nhân tố khác. Bởi vậy, trong quá trình CNH, HĐH các nước đều hết sức coi trọng giáo dục - đào tạo. ở nước ta Đảng ta chủ trương: "Đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, coi đó là quốc sách hàng đầu để phát huy nhân tố con người, động lực trực tiếp của sự phát triển" [11, tr. 10]. Nói đến nguồn nhân lực là nói đến chất lượng và số lượng lao động, trong đó chất lượng giữ vai trò quyết định.
Hiện nay, Bắc Ninh có 522.146 người trong độ tuổi lao động. Nguồn lao động chủ yếu tập trung ở khu vực nông nghiệp, chiếm 85,71%. Chất lượng lao động Bắc Ninh còn thấp, trình độ dân trí mặc dù đã được nâng lên rõ rệt nhưng vẫn còn 18%
số người không biết chữ và chưa tốt nghiệp cấp I; lực lượng không có chuyên môn kỹ thuật còn cao, chiếm 90%; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật chiếm tỷ lệ rất thấp:11,77%; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chuyển biến rất chậm: năm 1997: 7,04%, năm 2000: 11,77%. Chất lượng giáo dục - đào tạo nói chung còn thấp cả về tri thức khoa học, kỹ thuật, kỹ năng lao động, khả năng thích ứng và sáng tạo. Cơ cấu đào tạo bất hợp lý, xu hướng thương mại hóa trong đào tạo khá phổ biến, đào tạo không gắn với sản xuất và thị trường sức lao động. Lao động trong nông nghiệp nông thôn hầu như không được đào tạo. Do đó, lực lượng lao nông thôn ngày càng khó tìm được việc làm ở các công ty, các khu chế xuất, các trung tâm kinh tế và cũng khó có khả năng chuyển sang các hoạt động phi nông nghiệp ngay trên địa bàn nông thôn. Mặt khác, số lao động đã qua đào tạo lại không muốn tìm việc làm ở khu vực nông thôn nông nghiệp; người ở nông thôn được cử đi đào tạo đa số lại tìm cách ly hương, ly nông, đi tìm tiếm việc làm ở các khu đô thị.
Thực tiễn trong giải quyết việc làm cho thấy Bắc Ninh vừa thừa lại vừa thiếu lao động. So với yêu cầu của CNH, HĐH thì ở mọi nơi, mọi ngành đều thừa tương đối không chỉ lao động giản đơn, mà cả lao động có nghề được đào tạo, nhưng lại thiếu tuyệt đối lao động có nghề theo công việc kỹ thuật đòi hỏi và thiếu lao động chất lượng cao. Nhìn bên ngoài, đâu đâu cũng thấy nhiều lao động không có hoặc thiếu việc làm, nhưng những chỗ làm việc mới thì lại thiếu lao động đáp ứng được. Đó là sự bất cập của phát triển nguồn nhân lực của tỉnh (xét cả ở khâu cung ứng lẫn ở khâu sử dụng nhân lực) đối với yêu cầu CNH, HĐH. Mặt khác, đó còn là sự yếu kém của nền kinh tế tỉnh Bắc Ninh trong việc tạo ra nhiều việc làm mới với yêu cầu thấp hơn về chất lượng nguồn nhân lực để giải quyết việc làm cho số đông lao động phổ thông. Để thực hiện tốt hơn công tác đào tạo nguồn nhân lực, Bắc Ninh cần giải quyết tốt một số vấn đề sau:
- Xây dựng và thực hiện tốt chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng nâng cao tỷ trọng lao động có nghề trong lực lượng lao động của tỉnh.
- Tập trung kinh phí, cơ sở vật chất lớn hơn từ Nhà nước; đồng thời huy động kinh phí trong dân thông qua xã hội hóa giáo dục - đào tạo, trong đó chú ý đúng mức đến đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.