Bắc Ninh là một tỉnh thuộc châu thổ sông Hồng với nền nông nghiệp độc canh, tự cấp tự túc, lao động nông nghiệp chiếm 85,71%, năng suất lao động thấp. Do đó, đời sống của nhân dân trong tỉnh nhất là đời sống của bà con nông dân còn nhiều khó khăn. Mặc dù có những tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế, song với cơ cấu kinh tế nông nghiệp lạc hậu là một trở ngại đối với việc phát triển kinh tế của tỉnh nói chung và với nông nghiệp nói riêng. Vì vậy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH có tầm quan trọng lớn lao. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tạo điều kiện để phân công lại lao động, phân bố lại dân cư giữa các vùng, các ngành. Số lao động từ nông nghiệp dôi ra sẽ là nguồn lao động phục vụ cho các ngành công nghiệp, dịch vụ. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả về lĩnh vực nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ, về ngành nghề, về cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung chuyên canh, về trình độ khoa học - công nghệ, về cơ cấu thành phần kinh tế… làm biến đổi bộ mặt nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại đi đôi với khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống.
Trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, các cơ sở tích cực chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng mở rộng sản xuất hàng hóa. Một số cơ sở bước đầu đã hình thành vùng lúa, vùng chuyên canh rau, trồng hoa, cây cảnh; hình thành một số trang trại trồng trọt và chăn nuôi. Thời kỳ 1996 - 2000 giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 8,6%, trong đó trồng trọt tăng 7,7%, chăn nuôi tăng 10,9%. Năm 2000 đàn bò tăng 15,4%, đàn lợn tăng 43,9% so với năm 1996 [45, tr. 8-9]. Ngoài ra, lĩnh vực chăn nuôi gia cầm và
thủy sản cũng không ngừng tăng. Trong trồng trọt vừa đẩy mạnh thâm canh vừa mở rộng diện tích, chuyển một phần diện tích lúa sang chăn nuôi, thả cá và trồng màu. Phát triển các loại rau xuất khẩu như: ớt, tỏi, hành, dưa chuột; hình thành vùng rau sạch, vùng trồng
hoa tập trung ở thị xã Bắc Ninh, Yên Phong, Tiên Du,
Từ Sơn cung cấp cho Hà Nội và xuất khẩu. Chuyển dịch những vùng trũng ở Gia Bình, Lương Tài, Quế Võ, sản xuất vụ mùa bấp bênh sang nuôi thủy sản, từng bước hình thành vùng cá hàng hóa.
Khi cơ cấu kinh tế thay đổi thì cơ cấu lao động cũng thay đổi theo. Đây là một xu hướng tất yếu của quá trình chuyển hóa từ nền sản xuất tiểu nông lên sản xuất lớn và cũng là quy luật của quá trình CNH, HĐH nền kinh tế. Sự phân công lại lao động chủ yếu diễn ra trong nội bộ ngành nông nghiệp, trước hết là trong các ngành trồng trọt và chăn nuôi, giảm bớt số lao động nông nghiệp trên cơ sở tăng năng suất lao động, chuyển lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Giảm lao động trồng cây lương thực, chuyển sang trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và những cây trồng có giá trị kinh tế cao. Giảm lao động trồng trọt và tăng lao động trong chăn nuôi.
Thực tế hiện nay cho thấy rằng, nguồn lao động ở nông thôn tỉnh Bắc Ninh còn dôi dư khá lớn, quỹ đất nông nghiệp canh tác ngày càng bị thu hẹp do đô thị hóa ngày càng tăng, các trung tâm công nghiệp xây dựng ngày càng nhiều; do vậy không thể dung nạp thêm số lao động đang ngày càng tăng thêm. Mặt khác, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp có tính thời vụ, nhu cầu về lao động trong những tháng nông nhàn chỉ bằng 30- 40% mức nhu cầu lao động bình quân hàng năm. Trong khi đó nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần ở nông thôn phát triển chậm hơn ở thành thị, vì vậy sự đa dạng về việc làm cũng ít hơn và nét phổ biến ở nông thôn là thiếu việc làm. Để giải quyết vấn đề này Bắc Ninh đã chọn con đường kết hợp phát triển nông nghiệp toàn diện với mở rộng ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn. Giá trị sản lượng hàng năm của các làng nghề chiếm hơn 40% tổng giá trị công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Làng nghề của Bắc Ninh đã giải quyết việc làm cho hơn 40 ngàn lao động, không những tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân mà còn góp phần làm tăng năng lực cơ sở hạ tầng và phúc lợi chung ở nông
thôn. Đặc biệt làng nghề góp phần làm tăng cường mối quan hệ sản xuất công nghiệp với sản xuất nông nghiệp, là hạt nhân của quá trình phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng CNH, HĐH.