Đặc điểm tự nhiên và kinh tế-xã hộ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện chính sách kinh tế phát triển nông nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay doc (Trang 43 - 46)

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa năm 2004 cho biết:

Về vị trí địa lý: Thanh Hóa là một trong những tỉnh lớn của Việt Nam hiện nay, với

diện tích tự nhiên 11.166,09 km2, nằm ở phía bắc Trung Bộ, là cửa ngõ nối liền Bắc Bộ với Trung Bộ, cách Thủ đô Hà Nội 150 km về phía Nam, cách Thành phố Hồ Chí Minh 1.560km.

Về khí hậu: Thanh Hóa nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, nền nhiệt cao, nhiệt độ

trung bình hàng năm khoảng 23 - 240C. Tổng tích ôn cả năm khoảng 8.600 - 8.7000C ở vùng đồng bằng và khoảng dưới 8.0000C với vùng núi. Lượng mưa trung bình hàng năm lớn, khoảng 1.600 - 2.200mm. Do ảnh hưởng của gió mùa nên Thanh Hóa có mùa đông kéo dài 3 - 4 tháng (từ tháng 12 đến tháng 2, 3 năm sau) với nhiệt độ dưới 200C. Với khí hậu đó, Thanh Hóa có thể phát triển cả cây nhiệt đới, cận nhiệt và ôn đới. Tuy nhiên tính chất phân mùa cực đoan của khí hậu cũng gây ra nhiều khó khăn, đó là mùa mưa tập trung vào 3 tháng 8, 9, 10, gắn với mùa bão (chiếm 60-80% lượng nước mưa cả năm), dễ gây lũ lụt, ngập úng; mùa khô kéo dài gây hạn hán, mùa đông thường kéo theo sương muối và rét đậm rét hại. Cũng như các tỉnh Bắc Trung bộ khác, gió Tây khô nóng thường xuất hiện vào đầu mùa hạn, hàng năm có từ 20-30 ngày cũng gây tổn thất lớn, thường xuyên cho sản xuất nông nghiệp.

Về đất đai: Thanh Hóa là tỉnh phong phú về đất đai, bao gồm 10 nhóm đất chính với

28 loại đất khác nhau, các nhóm đất diện tích tương đối lớn có thể khai thác vào mục đích nông nghiệp gồm có:

+ Nhóm đất đỏ vàng: diện tích 637.074 ha, chiếm 57% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; phân bố chủ yếu ở các huyện trung du, miền núi như Quan Hóa, Bá Thước, Như Xuân, Thường Xuân, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Lang Chánh. Nhóm đất này có thể trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả như cao su, chè, quế, dứa, cam, chanh...

+ Nhóm đất vàng đỏ trên núi: Diện tích 87.000 ha, phân bố ở độ cao trên 700m ở các huyện Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân. Nhóm đất này thích hợp cho trồng rừng và cây dược liệu.

+ Nhóm đất phù sa, bồi tụ: Diện tích 142.371 ha, phân bổ chủ yếu ở các huyện đồng bằng, ven biển, diện tích. Nhóm đất này thích hợp trồng lúa, màu và cây công nghiệp ngắn ngày.

+ Nhóm đất mặn, diện tích 12.004 ha và nhóm đất cát, diện tích 15.961 ha được phân bố ở vùng ven biển. Nhóm đất này phù hợp với trồng cây hoa màu, cói, nuôi trồng thủy sản.

Ngoài các nhóm đất nêu trên, còn có một số nhóm khác có diện tích khá như đất bạc màu (26.500 ha), đất lầy thụt than bùn (10.959 ha), đất bị xói mòn trơ sỏi đá (9000 ha).

Hiện tại diện tích đất mà Thanh Hóa đã sử dụng là 756.699 ha, bằng 68,13% diện tích tự nhiên; trong đó sử dụng vào sản xuất nông nghiệp 239.842 ha (có 100.000 ha phù hợp với trồng lúa năng suất cao), bằng 21%; đất có rừng 430.423 ha, bằng 38,76%. Diện tích chưa sử dụng được gồm có đất trống đồi núi trọc 268.230 ha, bằng 24,6% và đất bãi bồi, hoang hóa ven sông 12.790 ha.

Về nguồn nước: Nguồn nước mưa của Thanh Hóa khá lớn, hàng năm bình quân khoảng 19 tỷ m3. Nguồn nước mặt tập trung vào 4 hệ sông chính là sông Hoạt, sông Mã, sông Bạng, sông Yên. Tuy nhiên, do lượng nước mưa phân bổ không đều trong năm nên thường gây ngập úng vào mùa mưa và hạn hán vào mùa khô. Nguồn nước ngầm của Thanh Hóa khá phong phú cả trữ lượng và chủng loại, bởi có đầy đủ các loại đất đá trầm tích, biến chất, mác ma...

Căn cứ từ điều kiện tự nhiên (địa hình, đất đai, khí hậu, nhiệt độ và nguồn nước), có thể chia Thanh Hóa thành các vùng lãnh thổ có điều kiện sinh thái nông nghiệp khác nhau, đó là: Vùng ven biển (gồm 6 huyện, thị: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, thị xã Sầm Sơn, Tĩnh Gia), vùng đồng bằng (gồm 10 huyện, thị, thành phố: Thị xã Bỉm Sơn, Hà Trung, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Yên Định, Đông Sơn, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Nông Cống, thành phố Thanh Hóa) và vùng trung du, miền núi (gồm 11 huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh).

Đặc điểm kinh tế: Trong những năm qua mặc dù tăng trưởng với nhịp độ cao hơn so

với toàn quốc nhưng nhìn chung Thanh Hóa vẫn là một tỉnh nghèo. Theo số liệu của Ban Kinh tế Tỉnh ủy Thanh hóa cho biết, thu nhập bình quân đầu người năm 2005 là 430 USD, (thấp hơn mức bình quân 630 UDS của cả nước), bình quân lương thực mới đạt 403kg/người/năm. Hiện nay quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh đang vận động theo hướng tích cực, tuy nhiên nông nghiệp vẫn còn chiếm tỷ trọng cao, năm 2005 cơ cấu kinh tế nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng - thương mại dịch vụ của Thanh Hóa là 31,6% - 35,1% - 33,3%. Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội từ năm 2001-2005 đạt 21,3 nghìn tỷ đồng, so với nhu cầu phát triển là còn quá thấp. Năm 2005 GDP đạt 18.741 tỷ đồng, kinh tế của Thanh Hóa tăng trưởng liên tục đạt mức trung bình 9,1% thời kỳ 2001-2005... Tất cả những yếu tố trên, cho thấy kinh tế của Thanh Hóa đang nỗ lực trên con đường tăng trưởng, tuy nhiên lại xuất phát trong điều kiện không có nhiều thuận lợi.

Thanh Hóa là tỉnh có tiềm năng về phát triển giao thông, có khoảng 90 km đường quốc lộ 1A, 130 km đường Hồ Chí Minh, gần 100 km đường sắt, 102 km bờ biển và có các cảng: Lễ Môn, cảng nước sâu Nghi Sơn. Hệ thống lưới điện, đường giao thông đã được đầu tư khá tốt, hầu hết các xã đã có điện lưới quốc gia và đường giao thông... Bưu chính viễn thông được hiện đại hóa với tốc độ nhanh chóng, số máy điện thoại cố định đạt 5,9 máy/100 dân. Cơ sở y tế, trường học được cải thiện rõ nét. Tới đầu năm 2005-2006 có 56,5% phòng học được kiên cố hóa... Tuy vậy, do địa hình phức tạp và diện tích rộng, cùng với mức đầu tư còn hạn chế, cho nên hạ tầng kinh tế - xã hội của Thanh Hóa vẫn còn nhiều yếu kém, nhất là với khu vực miền núi.

Đặc điểm xã hội: Thanh Hóa là tỉnh có dân số lớn thứ hai so với các tỉnh thành trong toàn quốc (chỉ đứng sau Thành phố Hồ Chí Minh). Các số liệu từ Cục thống kê cho biết, hiện nay Thanh Hóa có khoảng 90% dân số sống ở nông thôn, 80% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Dân số Thanh Hóa năm 2005 là 3,675 triệu người, trong đó nữ chiếm 52,1%, nam chiếm 47,9%. Đây là địa phương có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người Kinh chiếm tỷ trọng lớn nhất (84,75%), Mường (8,7%), Thái (6,0%) và các dân tộc còn lại như H'mông, Dao, Thổ… chiếm tỷ lệ rất ít. Các dân tộc ít người sống chủ yếu ở các huyện biên giới, vùng núi cao. Thanh Hóa được đánh giá là một tỉnh có trình độ dân trí tương đối cao so với cả nước. Năm 1998 tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và chống tái mù chữ. Vào năm 2005 Thanh Hóa có 89% xã, phường, thị trấn và 24,27% huyện đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỉ lệ người biết chữ ở Thanh Hóa hiện nay đạt 97,9% vào năm 2005. Đặc biệt, dân số có trình độ học vấn từ tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên của Thanh Hóa cao hơn mức trung bình của cả nước và vùng Bắc Trung Bộ. Tính đến năm 2000 dân số trong độ tuổi lao động có 1,984 triệu người chiếm tỷ lệ 54,60% dân số toàn tỉnh. Lao động xã hội đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân 1.503 triệu người, trong đó số lao động đang làm việc trong các ngành nông, lâm, ngư là chủ yếu (chiếm 81,43%). Lao động xã hội đang làm việc trong các ngành thuộc khu vực nhà nước do Trung ương quản lý là 19,078 ngàn người, do địa phương quản lý là 75,835 ngàn người. Tính đến năm 2000, tỷ lệ lao động thất nghiệp ở đô thị 6,34%, sử dụng quỹ thời gian lao động ở nông thôn là 74,3%. Nguồn lao động trẻ, lao động dưới 30 tuổi chiếm tỷ trọng cao. Là một tỉnh có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ học vấn khá, tỷ lệ người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 1,6- 1,8%. Hàng năm số lao động bổ sung vào lực lượng lao động xã hội khoảng 30.000 người. Tuy nhiên, trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tỉnh vẫn đang thiếu đội ngũ các chuyên gia quản lý, các nhà doanh nghiệp giỏi kể cả trong và ngoài khu vực kinh tế nhà nước. Nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế của Thanh Hóa so với các tỉnh khác là khá tốt, tuy nhiên lại chưa được khai thác một cách có hiệu quả cho phát triển.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện chính sách kinh tế phát triển nông nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay doc (Trang 43 - 46)