Từ những phân tích các kinh nghiệm về xây dựng và thực hiện chính sách kinh tế phát triển nông nghiệp như trên, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm sau:
1. Thanh Hóa về cơ bản là một tỉnh nông nghiệp, do vậy để kinh tế của tỉnh phát triển phải thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
2. Với tư cách là một ngành sản xuất vật chất cơ bản, nông nghiệp là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Chính quyền tỉnh Thanh Hóa cần đặc biệt quan tâm đến việc hoạch định và thực thi các chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp. Chính sách kinh tế phát triển nông nghiệp không phải hoạch định một lần là xong mà là một quá trình liên tục. Bởi vì, mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ phát triển trong kinh tế nông nghiệp lại xuất hiện những vấn đề đặt ra cần phải giải quyết kịp thời. Do vậy,
hoạch định và thực hiện chính sách kinh tế phát triển nông nghiệp là một quá trình liên tục diễn ra.
3. Việc thực hiện các chính sách kinh tế phát triển nông nghiệp của tỉnh cần xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh đặc thù về kinh tế - xã hội của tỉnh cần mình. Như ở Nhật Bản với mục tiêu ổn định và tự túc nông nghiệp nên áp dụng chính sách bảo trợ giá cao; còn Trung Quốc thì tập trung mạnh nhất vào thực hiện chính sách phát triển khoa học - công nghệ ứng dụng cao trong nông nghiệp, đối với nước Mỹ thì sản xuất nông nghiệp đã đạt đến trình độ tự động hóa, ở Braxin thì đang quan tâm đến chính sách khai khẩn... Thực tế ở các nước và các địa phương cho thấy chính sách kinh tế phát triển nông nghiệp cần phải có điểm dừng, có liều lượng thích hợp để phát huy tính hiệu quả tối ưu của chính sách, nếu quá giới hạn thì chính sách sẽ hạn chế tác dụng, thậm chí cản trở sự phát triển. Trong xu thế toàn cầu hóa và sức ép cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ thì chính sách bảo hộ không còn thích hợp. Do vậy, các chính sách cần tập trung vào hỗ trợ thúc đẩy kinh tế nông nghiệp đáp ứng được các yêu cầu của thị trường.
4. Muốn phát huy hiệu quả của chính sách kinh tế nông nghiệp, tỉnh Thanh Hóa cần phải đảm bảo tính đồng bộ, liên thông của hệ thống các chính sách. Đối với các địa phương có điểm xuất phát thấp như Thanh Hóa thì chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật phục vụ kinh tế nông nghiệp có ý nghĩa quyết định và luôn phải đi trước một bước. Hỗ trợ kinh tế nông nghiệp, nông thôn bằng các chương trình, đề án, dự án có mục tiêu có định hướng cụ thể là cách thức thực hiện chính sách kinh tế nông nghiệp có hiệu quả nhất.
Chương 2