Cơ chế xây dựng, thực hiện và điều chỉnh chính sách nông nghiệp

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện chính sách kinh tế phát triển nông nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay doc (Trang 26 - 32)

Lĩnh vực nông nghiệp bao gồm nhiều hoạt động khác nhau và chịu sự tác động của nhiều nhân tố. Sự phát triển của nông nghiệp không thể tách rời sự phát triển của các ngành kinh tế khác. Không chỉ có vậy, sự phát triển của nông nghiệp còn chịu sự tác động của các nhân tố xã hội, nhân tố phi kinh tế. Do đó, chính sách phát triển nông nghiệp đòi hỏi phải có

một hệ thống chính sách, bao gồm chính sách kinh tế của các ngành khác và chính sách xã hội tác động tương hỗ lẫn nhau nhằm thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển. Tất cả các chính sách có tác động trực tiếp vào các lĩnh vực có liên quan đến nông nghiệp hợp thành một hệ thống chính sách nông nghiệp.

Tuy nhiên, để phát triển kinh tế nông nghiệp thì trước hết cần tập trung vào hoạch định và thực hiện chính sách kinh tế nông nghiệp. Hệ thống chính sách kinh tế nông nghiệp là hệ thống các biện pháp, công cụ được áp dụng để thực hiện bằng các văn bản pháp quy tác động vào hệ thống nông nghiệp nhằm đạt được mục tiêu kinh tế xác định trong thời hạn ngắn nhất. Tùy theo thời hạn, các mục tiêu mà biện pháp, công cụ kinh tế đó tác động vào khâu nào, vào tiểu hệ thống nào trong hệ thống kinh tế nông nghiệp.

Quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện hệ thống chính sách kinh tế nông nghiệp là một quá trình phức tạp và công phu bao gồm nhiều khâu, nhiều công đoạn khác nhau, liên quan đến bộ máy, hệ thống tổ chức, con người và có hàng loạt nhân tố tác động. Quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện, điều chỉnh chính sách kinh tế nông nghiệp được thể hiện ở sơ đồ sau:

Sơ đồ 1.1: Quá trình hoạch định, tổ chức thực hiện và điều chỉnh chính sách kinh tế nông nghiệp

Chương trình (tổng thể, mục tiêu) Xác định và lựa chọn loại chính sách Lựa chọn các phương án chính sách Xây dựng các phương án chính sách Xác định mục tiêu thời hạn của chính sách Dự báo tình hình (các nhân tố tác động đến chính sách) Chủ trương, đường lối của Đảng & Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn

Nhìn vào sơ đồ cho thấy trên cơ sở định hướng phát triển nông nghiệp, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, dự báo tình hình xây dựng các chương trình phát triển, tiến hành xác định lựa chọn các loại chính sách và các mục tiêu cụ thể cho chính sách kinh tế nông nghiệp. Mỗi một chính sách ít nhất có một mục tiêu, từ các mục tiêu và thời hạn xác định, tiến hành xây dựng các phương án chính sách dưới hình thức các văn bản chính sách cho phù hợp với nguyên tắc cơ bản là có bao nhiêu mục tiêu thì có bấy nhiêu văn bản. Dựa trên cơ sở xem xét nhiều phương án khác nhau của chính sách kinh tế về hiệu quả phát triển nông nghiệp mà nhà quản lý quyết định ban hành chính sách để triển khai tổ chức thực hiện trong cuộc sống thông qua cơ quan nhà nước các cấp và các đối tượng được hưởng lợi từ chính sách.

Thực tiễn đã khẳng định, mỗi chính sách ra đời và phát huy tác dụng theo những qui luật nhất định, với những giới hạn nhất định. Do thực tiễn biến đổi phát triển không ngừng, cho nên mỗi một chính sách ra đời và phát huy đến một thời điểm nhất định sẽ không còn phù hợp với yêu cầu. Vì vậy, cần phải xây dựng một chính sách mới phù hợp với những yêu cầu và nhiệm vụ mới. Thực chất của chính sách kinh tế nông nghiệp là biện pháp tác động nhằm thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước để thúc đẩy nông nghiệp phát triển ở một giai đoạn nhất định nào đó. Theo đó, quá trình xây dựng và thực hiện chính sách nông nghiệp phải đảm bảo tính đồng bộ, tính hệ thống, tính thực tiễn và thường xuyên được kiểm tra, đánh giá, tổng kết, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện cho phù hợp với vận động

của thực tiễn. Đây là vấn đề có tính quy luật mà các nhà quản lý cần phải nắm vững trong quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách. Chu trình vận động của chính sách bao gồm ba giai đoạn chính, đó là giai đoạn hoạch định chính sách; giai đoạn tổ chức thực hiện chính sách và giai đoạn kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh chính sách.

Hoạch định chính sách là công đoạn đầu có ý nghĩa rất quan trọng của toàn bộ quá

trình xây dựng, thực hiện và điều chỉnh chính sách. Nếu hoạch định không đúng, không sát với thực tiễn thì chính sách sẽ không đi vào cuộc sống, hoặc đem lại hiệu quả không cao và thậm chí có thể phản tác dụng gây hậu quả nghiêm trọng.

Giai đoạn hoạch định chính sách kinh tế được cấu thành bởi nhiều khâu công việc có tính chất liên thông và tác động chi phối lẫn nhau. Đó là các khâu: Lựa chọn chính sách - Xác định mục tiêu và thời hạn của chính sách - Xây dựng phương án chính sách - Lựa chọn phương án chính sách tối ưu - Quyết định chính sách. Tất cả các khâu trên đều có ý nghĩa quan trọng đối với toàn bộ giai đoạn hoạch định chính sách, nếu một khâu không được chuẩn bị tốt sẽ dẫn đến sự thất bại hoặc kết quả không đạt ở mức độ như mong muốn.

Chủ thể tham gia hoạch định chính sách nông nghiệp là toàn bộ các cơ quan nhà nước có trách nhiệm, các tổ chức phát triển xã hội, các cộng đồng dân cư, các nhóm xã hội được hưởng lợi. Đối tượng chịu sự tác động của chính sách nông nghiệp là các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế -xã hội có liên quan, các hộ nông dân và các đối tượng khác có liên quan. Trong quá trình hoạch định chính sách nông nghiệp cần phải đảm bảo nguyên tắc phân cấp, phân công, có hệ thống tổ chức, bộ máy và con người tham gia thực hiện.

Vai trò của Chính phủ trong hoạch định chính sách thể hiện ở chỗ việc ban hành chính sách vĩ mô có liên quan đến toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Chẳng hạn quy định về những mục tiêu kinh tế - xã hội, những cân đối lớn của nền kinh tế trong đó có kinh tế nông nghiệp, đảm bảo hướng chiến lược của nền kinh tế mang tính cơ cấu với các ngành, vùng... Chính phủ quy định trách nhiệm của từng ngành, các địa phương trong hướng dẫn và ban hành những chính sách quy định để thực hiện các mục tiêu lớn đã đề ra. Trong giai đoạn hiện nay vai trò hoạch định chính sách vĩ mô về nông nghiệp của Chính phủ đang được tập trung vào vấn đề đổi mới cơ cấu kinh tế nông nghiệp thể hiện hướng phát triển các ngành

nông nghiệp và các thành phần kinh tế trong nông nghiệp; thể hiện trong việc cải biến cơ cấu kinh tế nông nghiệp; và những chính sách trong việc phát triển các thành phần kinh tế, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chính sách đầu tư, chính sách đất đai...

Vai trò của các bộ, ngành, địa phương liên quan đến chính sách nông nghiệp được thể hiện ở chỗ quán triệt sự phân công, chỉ đạo của Chính phủ trong chính sách kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Vai trò của các bộ, ngành có liên quan đến chính sách nông nghiệp được thể hiện rõ ở chỗ tiến hành triển khai hoặc ban hành những văn bản chính sách để cụ thể hóa nhằm phù hợp với điều kiện và những mục tiêu về phát triển kinh tế nông nghiệp. Các bộ, ngành liên quan nhiều đến chính sách kinh tế nông nghiệp là: nông nghiệp và phát triển nông thôn; kế hoạch đầu tư; tài chính; ngân hàng; thủy sản; tài nguyên môi trường...

Vai trò của các tổ chức phát triển xã hội, của các cộng đồng dân cư trong việc hoạch định chính sách nông nghiệp thể hiện ở chỗ tiến hành tư vấn và thẩm định tính đúng đắn và khả năng thực thi của các chính sách nông nghiệp do các quan nhà nước ban hành.

Để việc hoạch định và hướng dẫn thực hiện chính sách kinh tế phát triển nông nghiệp được đúng đắn cần phải chú ý đến tất cả các khâu công việc của quá trình hoạch định, cũng như phát huy vai trò tham gia tích cực của các chủ thể tham gia.

Tổ chức thực hiện chính sách là công đoạn chính trong quá trình ban hành, chỉ đạo

thực hiện chính sách. Có chính sách đúng chưa đủ, muốn đạt mục tiêu của chính sách thì phải đặc biệt coi trọng quá trình tổ chức thực hiện chính sách, nhằm biến chính sách thành hoạt động và kết quả trong thực tiễn. Quá trình tổ chức thực hiện chính sách là một quá trình phức tạp có ý nghĩa quyết định đến sự thành công hay thất bại của chính sách, là điều kiện quyết định để đưa chính sách vào cuộc sống. Quá trình tổ chức thực hiện chính sách kinh tế chịu tác động, chi phối của nhiều nhân tố như: vấn đề mà chính sách giải quyết; đối tượng mà chính sách tác động; hoàn cảnh chính trị, xã hội, kinh tế trong nước và quốc tế; tiềm lực kinh tế, các nguồn lực và điều kiện để thực thi chính sách; công tác tuyên truyền, năng lực trình độ của bộ máy và cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thực hiện chính sách; thể chế hành chính và thái độ của nhân dân trước chính sách đã ban hành...

Quá trình thực hiện chính sách kinh tế bao gồm nhiều bước triển khai: chuẩn bị triển khai chính sách - chỉ đạo thực hiện chính sách. Trong đó, bước chuẩn bị triển khai chính sách được xác định là thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị tổ chức và cán bộ cho triển khai chính sách. Các cơ quan nhà nước liên quan đến việc thực hiện chính sách kinh tế nông nghiệp phải có đầy đủ năng lực, trách nhiệm và nguồn lực để thực hiện. Nếu chính sách kinh tế nông nghiệp tác động đến nhiều ngành thì cần phải đảm bảo tốt khâu phối kết hợp, phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các thành viên tham gia.

Sau khi đã thực hiện bước chuẩn bị triển khai, các cơ quan liên quan tiến hành bước chỉ đạo thực hiện chính sách kinh tế nông nghiệp. Đưa các chính sách này vào cuộc sống thông qua các tổ chức Đảng và chính quyền các cấp; thông qua hệ thống truyền thông đại chúng, xây dựng và thực hiện các dự án chính sách, tổ chức một hệ thống các tổ chức sự nghiệp và dịch vụ... để thực hiện chính sách.

Chủ thể tham gia vào quá trình thực hiện chính sách kinh tế nông nghiệp bao gồm các doanh nghiệp và các tổ chức liên quan đến nông nghiệp, các cơ quan nhà nước như: nông nghiệp và phát triển nông thôn, kế hoạch đầu tư; tài chính; khoa học công nghệ; thủy sản; thương mại; tài nguyên và môi trường...

Để thực hiện thắng lợi chính sách kinh tế nông nghiệp cần đảm bảo đồng thời nhiều điều kiện, yếu tố. Trước hết, chính sách đó phải là đúng đắn, phù hợp. Đồng thời, phải có nền hành chính công đủ mạnh, với sức mạnh tổng hợp từ trên xuống dưới, với đội ngũ cán bộ có đủ năng lực và phẩm chất để thực hiện. Cũng như phải phát huy cao độ sự tham gia tích cực của những người được hưởng lợi.

Kiểm tra, đánh gíá, tổng kết và điều chỉnh chính sách là giai đoạn cuối của chu trình chính sách. Kiểm tra, đánh giá, tổng kết và điều chỉnh chính sách có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi vì, nó cho chúng ta biết mức độ hiệu quả của chính sách, đồng thời cho chúng ta biết cần phải làm gì ở các bước tiếp theo. Trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, trên cơ sở thu thập các thông tin về thực hiện chính sách, tiến hành đánh giá việc thực hiện chính sách về hiệu lực, hiệu quả của chính sách kinh tế đã ban hành và thực hiện. Từ đó có thể nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh chính sách cho phù hợp với quá trình vận động của thực

tiễn, đảm bảo cho chính sách đã ban hành phù hợp, phát huy hiệu quả cao nhất trong thực tiễn. Sự điều chỉnh chính sách bao gồm cả về mục tiêu cần đạt của chính sách, các giải pháp và công cụ của chính sách; điều chỉnh các điều kiện phục vụ cho việc thực hiện chính sách đảm bảo được liên tục, không bị gián đoạn và đi đến thành công...

Việc tổng kết thực hiện chính sách là bước cuối cùng của giai đoạn triển khai thực hiện chính sách kinh tế. Công tác tổng kết thực hiện chính sách nhằm đánh giá lại toàn bộ mục tiêu và tiến trình triển khai, đánh giá mặt được của chính sách và đề xuất những điều cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách hoặc đề xuất chính sách mới để tiếp tục thực hiện mục tiêu đã đề ra.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện chính sách kinh tế phát triển nông nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay doc (Trang 26 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)