2.3.2.1.Theo quan điểm của Đảng, công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, song ở Bắc Ninh, sự phối hợp của các cơ quan chức
năng, của các cấp, các ngành làm công tác QLNN về tôn giáo vẫn thiếu sự đồng bộ, thống nhất, việc phân công, phân cấp còn chưa rõ ràng và cụ thể.
Biểu hiện là, vừa chồng chéo, vừa buông lỏng, nên dẫn đến việc nhiều đơn vị cùng tác động vào một con người hay một vụ việc, gây lên tình trạng mạnh ngành nào ngành ấy can thiệp, tạo ra mâu thuẫn ngay trong cách hướng dẫn, giải quyết của chủ thể quản lý. Vì vậy, chức sắc, tín đồ rất lúng túng và rất khó trong xử lý các mối quan hệ, thậm chí, có thái độ coi thường chính quyền, xem nhẹ pháp luật. Mặt khác, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong QLNN đối với tôn giáo trên địa bàn Bắc Ninh có khi chỉ được đặt ra khi có ý kiến chỉ đạo từ cấp trên xuống, hoặc trong những trường hợp khó khăn, phức tạp cần phải có ý kiến của nhiều ngành.
2.3.2.2. Công tác QLNN về tôn giáo luôn có yêu cầu số một, là phải làm cho cán bộ, nhân dân và quần chúng tín đồ các tôn giáo nhận thức được quan điểm, chính sách, pháp luật đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, nhưng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, việc này vẫn là vấn đề đang đặt ra. Từ thực tế đang đặt ra như vậy, rõ ràng việc đầu tiên là phải rà soát, xem lại toàn bộ quá trình triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục và quán triệt quan điểm, chính sách, pháp luật đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước ở Bắc Ninh mấy năm qua và hiện nay ra sao. Trên cơ sở đó, tiếp theo là phải mạnh dạn thay đổi, làm mới, từ nội dung, cách thức, phương tiện cho đến công tác tổ chức.
2.3.2.3. Công tácQLNN về tôn giáo, để có hiệu lực, hiệu quả, vấn đề quyết định vẫn là đảm bảo có chất lượng công tác vận động quần chúng tín đồ, chức sắc các tôn giáo. Ở Bắc Ninh, công tác này vẫn có yêu cầu phải được tăng cường và tiến hành thường xuyên. Hơn nữa, về quan điểm nhận thức, không nên xem đây chỉ là công tác của riêng Ban Dân vận Tỉnh uỷ và của MTTQ, hoặc của các đoàn thể chính trị - xã hội của nhân dân, mà với các cơ
quan nhà nước, nó có yêu cầu đặc biệt cao. Đồng thời cũng không nên xem công tác vận động quần chúng tín đồ, chức sắc tôn giáo chỉ thuần tuý là công tác tư tưởng, mà cao hơn, đó phải là đẩy mạnh các hoạt động thực tiễn, mà quan tâm số một hiện nay là phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tính thần của người dân có và không có tôn giáo.
2.3.2.4. Vấn đề tổ chức bộ máy, điều kiện làm việc của cơ quan làm công tác QLNN về tôn giáo ở Bắc Ninh còn không ít khó khăn, hạn chế và bất cập, đang có yêu cầu phải được củng cố và tăng cường trong sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhằm đảm bảo tính hiệu quả cao và hiệu lực mạnh. Về lý thuyết, chúng ta luôn xác định, phải có bộ máy và con người ngang tầm với đường lối, chính sách. Song trên thực tế chung của cả nước, đây vẫn còn là việc phải phấn đấu, có khi là mơ ước và ở Bắc Ninh, đối với ngành QLNN về tôn giáo càng đúng là như vậy. Tại sao? Chúng tôi cho rằng có vấn đề quan tâm của lãnh đạo địa phương đối với công tác này.
Vấn đề càng trở nên bức xúc, trở thành tâm tư của cán bộ, công chức trong ngành khi nhìn sang, so sánh với điều kiện và con người của các cơ quan QLNN thuộc các ngành khác ngay trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện luận văn này, chúng tôi đã nhiều lần đến Bắc Ninh, làm việc với đồng chí Trưởng ban tôn giáo Đinh Xuân Vịnh, cùng cán bộ Ban. Tại đây chúng tôi thấy: Phương tiện điều kiện làm việc của Ban tôn giáo tỉnh còn nhiều khó khăn, nhất là từ khi sáp nhập về Sở Nội vụ: Phương tiện làm việc để đi công tác (xe ô tô) không có, nhiều việc cần giải quyết thì thường bị động; chỗ làm việc của cán bộ thì ở dãy nhà tạm, mái tôn, chật hẹp, khi gặp trời mưa to, gió lớn đều bị ảnh hưởng. Vai trò quyền uy của cơ quan nhà nước đối với các tổ chức tôn giáo cũng vì thế mà bị giảm đi phần nào. Vậy, mong mỏi là, làm sao để cơ quan
làm công tác QLNN về tôn giáo ở Bắc Ninh có điều kiện giống như và ngang với các cơ quan QLNN khác trên địa bàn tỉnh.
Vậy, vấn đề đặt ra từ phương diện khách thể QLNN chính là những vấn đề “nóng” đối với chức năng, trách nhiệm của chủ thể QLNN về tôn giáo ở Bắc Ninh. Còn về chủ thể quản lý, mặc dù đã đảm bảo được chức năng, nhiệm vụ và có nhiều thành công, song tình hình vận động biến đổi của đời sống tôn giáo ở địa phương cũng như của cả nước vẫn đặt ra yêu cầu phải tiếp tục được củng cố và tăng cường. Muốn vậy, trước hết nó cần phải tiến hành việc sơ kết, tổng kết quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, nghị quyết của TW, của tỉnh về tôn giáo và thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện,... những quan tâm, tập trung vào những vấn đề đặt ra một cách bức bách mà chủ thể QLNN về tôn giáo của Bắc Ninh chưa triển khai, chưa có giải pháp đạt hiệu lực, hiệu quả cao.
Với những tình hình và vấn đề đặt ra của thực trạng công tác QLNN đối với tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh như trên, đòi hỏi phải có các giải pháp mang tính căn cốt nhưng toàn diện và lại phải lịch sử cụ thể, thì mới có thể đảm bảo để các tôn giáo hoạt động tuân thủ pháp luật, giữ gìn được bản sắc truyền thống văn hiến Kinh Bắc. Mặt khác, từ đó ngành QLNN đối với tôn giáo của tỉnh Bắc Ninh mới được trưởng thành, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Chương 3