- Về đất sản xuất:
3.2.7. Nâng cao trình độ dân trí, làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc
làm và xóa đói giảm nghèo
Thứ nhất, nâng cao trình độ dân trí:
Nói đến dân trí là nói đến mặt bằng tri thức, mặt bằng hiểu biết chung và khả năng vận dụng những tri thức ấy vào đời sống xã hội. Có thể hiểu nâng cao trình độ dân trí là nâng cao trình độ trí tuệ, trình độ phổ cập giáo dục, trình độ hiểu biết chung về chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ , văn hoá xã hội của nhân dân lên một mức cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.
Do xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh khách quan nên nâng cao trình độ dân trí sẽ tạo ra sự đột phá trong phát triển KTH, vừa có ý nghĩa trước mắt lẫn lâu dài.
Trước hết, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và ĐBDT Khmer về vai trò của tri thức, của giáo dục và đào tạo đối với sự phát triển KT của mỗi gia đình. Tập trung giải quyết hạn chế bất đồng về ngôn ngữ, bổ sung ngay đội ngũ cán bộ biết tiếng Khmer tham gia thực hiện chương trình dân tộc. Cần quan tâm tuyển cán bộ có năng lực để triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Về lâu dài, có chủ trương, chính sách cụ thể, tạo
điều kiện để đồng bào Khmer học tiếng Việt, chú ý tập trung vào giới trẻ, thanh niên, học sinh.
Củng cố vững chắc kết quả của công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, tạo đà chuẩn bị tiến tới giáo dục trung học cơ sở, hạn chế đến mức thấp nhất số học sinh Khmer lưu ban, bỏ học. Vì đây là mặt bằng dân trí, nếu không sẽ không thể đưa vùng ĐBDT Khmer phát triển lên được. Đồng thời, cải tiến công tác soạn thảo và sắp xếp lại chương trình sách giáo khoa phổ cập tiểu học bằng hai thứ tiếng phù hợp với trình độ, tâm lý, tình cảm của học sinh dân tộc Khmer.
Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp đi đôi với tích cực vận động và tạo điều kiện cho con em ĐBDT trong độ tuổi được đến trường. Nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường phổ thông dân tộc nội trú làm cơ sở tạo nguồn đào tạo cán bộ kế thừa; thực hiện tốt quy chế tuyển sinh và chính sách cử tuyển học sinh, sinh viên người dân tộc. Có kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên người dân tộc để đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.
Vận dụng chính sách ưu tiên cho con em người dân tộc được vào các trường
dạy nghề đi đôi với việc mở rộng ngành nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Khẩn trương xây dựng trường dạy nghề nội trú cho hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên; mở rộng chỉ tiêu, ngành nghề, khu vực cử tuyển.
Thứ hai, làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo:
Do điều kiện đất đai có hạn, số hộ dân tộc thiếu hoặc không có việc làm ngày càng nhiều. Ngoài việc ruộng rẫy và một số nghề thủ công truyền thống của các phum, sóc, còn lại hầu hết bà con không có tay nghề và việc làm ổn định, họ rất khó khăn trong việc tự xoay xở kiếm sống, thoát nghèo. Do đó, cùng với việc xây dựng các mô hình phát triển KT, thì một vấn đề không kém phần quan trọng là tổ chức thực hiện tốt công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Đây là giải pháp mang lại hiệu quả cao, bền vững, nó không chỉ tạo được công ăn việc làm, nâng cao thu nhập mà còn góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo, giúp các hộ dân tộc tự vươn lên và đứng vững trên đôi chân của mình.
- Điều tra, khảo sát nắm tình hình lao động, việc làm của lực lượng lao động.
Mục tiêu của việc điều tra, khảo sát nhằm giúp các địa phương, các ngành chức năng nắm được thông tin chính xác về lực lượng lao động Khmer có nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm hàng năm. Qua đó, đề xuất với các ngành chức năng để có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đồng bào Khmer học nghề, giải quyết việc làm.
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào:
Nâng cao nhận thức cho người dân tộc về ý nghĩa, tầm quan trọng, mục tiêu và chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo. Nâng cao năng lực cho bản thân người nghèo dân tộc tham gia các chương trình, dự án, đặc biệt chống lại tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước, mà phải tự lực vươn lên thoát nghèo.
Các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cá nhân tiêu biểu trong số đồng bào có nghề nghiệp, có công ăn việc làm ổn định động viên, khuyến khích con em phấn đấu học văn hóa và học nghề.
- Làm tốt công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm:
Chính quyền và các ban ngành đoàn thể vùng dân tộc cần có kế hoạch tổ chức thực hiện tốt Chương trình Quỹ Quốc gia về việc làm, lồng ghép với các chương trình, dự án KT - XH khác, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để giải quyết việc làm cho lao động Khmer.
Quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện tốt những chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước về dạy nghề, giải quyết việc làm đối với đồng bào Khmer, cụ thể như: chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn không thu học phí; chính sách hỗ trợ tiền ăn trong thời gian học nghề ngắn hạn (cho lao động hộ nghèo); chính sách hỗ trợ sinh hoạt ban đầu cho lao động là người dân tộc đi làm việc ngoài tỉnh; chính sách cho vay vốn với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ tiền khám sức khỏe, học ngoại ngữ, giáo dục định hướng để đi xuất khẩu lao động; chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên học nghề, học đại học, trung học chuyên nghiệp,v.v..
Định kỳ hàng năm, Uỷ ban nhân dân các huyện vùng dân tộc tổ chức cho lao động Khmer, đặc biệt là những lao động nghèo đăng ký học nghề, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo nghề của địa phương mình. Vừa nắm nhu cầu thị trường lao động, vừa liên kết
với doanh nghiệp sản xuất để tổ chức đào tạo, cung ứng lao động phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.
Tổ chức đào tạo, tập huấn để nâng cao kiến thức, giúp hộ nghèo định hướng và chọn ngành nghề sản xuất, dịch vụ thích hợp. Hướng dẫn thành lập các tổ nhóm làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp như cày xới, bơm tưới. Phát triển chăn nuôi bò, chăn nuôi heo an toàn sinh học, sản xuất nấm rơm, cây dược liệu, đường thốt lốt, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ cho vay thông qua các tổ, nhóm để giúp nhau phát triển KT .
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Trường trung cấp nghề dân tộc nội trú tại Tri Tôn, Trường Trung cấp nghề thị xã Châu Đốc và Trung tâm dạy nghề huyện Tịnh Biên để sớm đưa vào hoạt động. Tranh thủ vốn chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục - đào tạo (dự án tăng cường năng lực dạy nghề) để đầu tư trang thiết bị cho các trường, trung tâm này để phục vụ cho yêu cầu đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số.
Đồng thời, các địa phương chủ động làm tốt công tác xúc tiến thương mại, kêu gọi các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các cơ sở SX - KD trên địa bàn, nhất là 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên, nhằm thu hút lao động, giải quyết việc làm tại chỗ.