- Huyện Tri Tôn:
2.3.2. Những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân
a) Khó khăn, hạn chế:
Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, sự phát triển KTH đồng bào Khmer An
Giang thời gian qua còn không ít những khó khăn, hạn chế. Khái quát lại có “5 thiếu” cơ
bản như sau:
Thứ nhất, thiếu nguồn lực đầu tư:
Cũng như các tỉnh, thành khác trong khu vực ĐBSCL, tốc độ tăng trưởng KT ở các huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống còn chậm, thu nhập bình quân đầu người cơ bản còn thấp, tỷ lệ hộ dân tộc nghèo còn cao, trong đó tỷ lệ hộ Khmer nghèo trong tổng số hộ Khmer còn chiếm khoảng 50%. Đây là một khó khăn, thách thức to lớn của tỉnh trong huy động các nguồn lực đầu tư phát triển KT - XH , nâng cao đời sống cho đồng bào. Trong khi An Giang lại là tỉnh nông nghiệp, không riêng đồng bào Khmer, đời sống của đại đa số các dân tộc anh em khác vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, sức đầu tư của tỉnh đối với đồng bào Khmer là có hạn.
Thứ hai, thiếu trình độ:
Trình độ dân trí của đồng bào Khmer nhìn chung còn thấp. Tỷ lệ người dân tộc biết đọc, viết chỉ chiếm 25,4%, phần đông số lao động hiện nay chỉ là lao động phổ thông, thiếu chuyên môn kỹ thuật và khả năng thích nghi với cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó, hệ thống chính trị vùng ĐBDT nhìn chung còn yếu, chưa đủ sức chuyển tải đầy đủ chủ trương, chính sách đến người dân, chưa xử lý kịp thời các sự kiện, sự việc phát sinh. Đội ngũ cán bộ người dân tộc Khmer, nhất là ở cơ sở phát triển chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, vừa thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Chính sách đối với cán bộ Khmer còn nhiều bất cập.
Thứ ba, thiếu đất sản xuất đang là vấn đề bức xúc hiện nay:
Thời gian qua, chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn với phương thức đầu tư trực tiếp đến hộ đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng ĐBDT. Tuy nhiên, cho đến nay tỷ lệ hộ dân tộc không đất và thiếu đất sản xuất của tỉnh vẫn còn nhiều. Chỉ tính riêng hai huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên, đã có đến 3.767 hộ không đất và 635 hộ thiếu đất sản xuất. Đặc biệt, số hộ dân tộc nghèo không đất và thiếu đất sản xuất ở hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên chiếm tỷ lệ 87,88%. Với số lượng đông đảo như vậy, việc tạo quỹ đất để hỗ trợ bà con vốn đã khó, nhưng khó hơn cả là mức hỗ trợ từ Trung ương chỉ 10 triệu đồng/hộ, mỗi hộ vay thêm tối đa không quá 10 triệu đồng. Tính theo giá hiện tại, 20 triệu đồng chỉ mua chưa được 0,1 ha đất. Trong khi đó, tình trạng cầm cố, sang bán đất đai trong đồng bào dân tộc Khmer vẫn tiếp tục diễn ra.
Thứ tư, thiếu vốn để phát triển sản xuất và mở rộng ngành nghề:
Do tập quán sản xuất lạc hậu, hiệu quả sản xuất kinh còn thấp nên phần lớn bà con dân tộc chỉ duy trì tái sản xuất giản đơn. Việc tích luỹ vốn, đất đai chỉ diễn ra ở một bộ phận nhỏ. Do đó, thiếu vốn là thực trạng chung của các hộ dân tộc hiện nay. Thứ năm, thiếu khả năng tiếp cận và định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường:
Do phần lớn diện tích đất canh tác nằm ở vùng cao nên điều kiện sản xuất khó khăn, mang tính chất nhỏ, lẻ là chủ yếu. Do vậy, số đông người Khmer chỉ SXHH theo khả năng của mình mà chưa dự báo được nhu cầu thị trường.
Về nguyên lý, thị trường dường như mang lại cơ hội cho tất cả mọi người, nhưng không phải mọi người đều có đủ khả năng như nhau để tận dụng cơ hội đó. Người nắm thông tin, người nhiều vốn, người lanh lợi và phải có chút “tinh quái” mới tận dụng cơ
hội tốt hơn và do đó giàu lên nhanh hơn. Do đó, trong điều kiện mới người Khmer khó có cơ hội phát triển hơn nếu không được sự trợ giúp hữu hiệu của Đảng, Nhà nước.
b) Nguyên nhân:
Thứ nhất, điểm xuất phát trên các mặt thấp: Do lịch sử để lại, đa số đồng bào sinh sống ở những địa bàn còn nhiều khó khăn, điểm xuất phát trên các mặt đều thấp. Tình hình KT - XH ở vùng dân tộc và miền núi còn kém phát triển, mang nặng tính tự cấp, tự túc, dựa nhiều vào tự nhiên. Mặt khác, do phong tục tập quán của bà con còn lạc hậu, tuy lao động cần cù nhưng tiếp thu đổi mới chậm, số đông không biết tiếng phổ thông nên khả năng hòa nhập vào cộng đồng còn hạn chế, phát triển KT gặp nhiều khó khăn.
Thứ hai, trình độ nhận thức và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo
còn hạn chế: Thực tế cho thấy, nhận thức về chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo
của một số cấp Ủy, chính quyền chưa sâu sắc và toàn diện; thiếu sâu sát cơ sở. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp thiếu chặt chẽ; chưa khơi dậy và phát huy tốt thế mạnh của từng địa phương; thiếu tinh thần chủ động, sáng tạo trong thực hiện công tác dân tộc, còn tư tưởng đùn đẩy, trông chờ cấp trên. Do vậy, việc đầu tư đôi lúc còn dàn trãi, thiếu tập trung, hạn chế khả năng phát huy tác dụng.
Đặc biệt, bộ máy đảng và chính quyền ở một số nơi còn có biểu hiện quan liêu, xa dân, chưa sâu sát thực tế, chưa nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào. Trong quản lý, điều hành lại buông lỏng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm.
Thứ ba, việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc tuy được quan tâm nhưng hiệu quả chưa cao:
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc dạy nghề cho đồng bào Khmer chưa hiệu quả là chính sách còn thiếu và chưa đồng bộ. Hầu hết các địa phương chưa thực hiện tốt việc cử tuyển học sinh học nghề, vì thế chưa thực hiện ưu tiên cho con em các dân tộc thiểu số được hưởng chính sách dạy nghề nội trú. Mức trợ cấp xã hội cho người dân tộc thiểu số học nghề hiện nay cũng còn thấp.
Thời gian qua, bên cạnh số lao động thông qua đào tạo được giới thiệu hoặc tự tìm việc làm ở các khu công nghiệp hoặc xuất khẩu lao động đã phát huy tác dụng tốt, số
đông còn lại đào tạo ngắn ngày chưa gắn với việc cho vay vốn tín dụng và giải quyết việc làm.
Thứ tư, kết cấu hạ tầng yếu kém, thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn:
Mặc dù đạt những tiến bộ đáng ghi nhận, song hệ thống kết cấu hạ tầng vùng ĐBDT, nhất là hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn, điện, trường học, nước sinh hoạt… nhìn chung còn thấp kém. Trong đó, nổi bật nhất là khâu nước tưới tiêu phục vụ cho sản xuất. Bởi hiện nay bà con sản xuất lúa vụ 3 hoặc kết hợp lúa với chuyên canh hoa màu chỉ dừng lại ở một diện tích rất hạn chế. Phần lớn diện tích còn lại phải đối mặt với vấn đề thiếu nước trầm trọng. Trong khi nhu cầu đầu tư mở rộng, nâng cấp và hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung, đặc biệt là hệ thống thủy lợi nội đồng nói riêng là rất lớn thì nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và vốn đối ứng của địa phương còn hạn chế. Cùng với kết cấu hạ tầng yếu kém, KT vùng ĐBDT kém phát triển, việc mời gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào vùng dân tộc còn nhiều khó khăn. Một mặt, do tỉnh chưa có mô hình, dự án thật sự hấp dẫn để mời gọi đầu tư, nhưng mặt khác do nhà đầu tư ngán ngại vì kết cấu hạ tầng yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực không đảm bảo, thị trường nông thôn còn quá sơ khai.
Thứ năm, do những âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch:
Đồng bào Khmer Nam bộ nói chung cũng như ở An Giang nói riêng có quan hệ đồng tộc, đồng tôn, đồng ngôn ngữ với người Khmer ở Campuchia, mặt khác lại cư trú ở những vùng có vị trí địa lý rất quan trọng về an ninh quốc phòng và tiềm năng KT. Trong quá khứ cũng như hiện tại, các thế lực thù địch luôn dùng mọi thủ đoạn để gây mâu thuẫn, chia rẽ tình đoàn kết giữa các dân tộc.
Hoạt động của các thế lực thù địch vừa trắng trợn, vừa tinh vi, có tổ chức chặt chẽ luôn tìm mọi cách để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị - xã hội vùng ĐBDT. Chúng lợi dụng những khó khăn về KT, lợi dụng tôn giáo để chia rẽ, để tranh thủ và lôi kéo đồng bào. Tạo tâm lý hoang mang, không yên tâm sản xuất trong một bộ phận bà con.
Dù cho nhìn nhận vấn đề một cách khiêm tốn nhất, chúng ta vẫn có thể khẳng định rằng, với những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào Khmer đã và đang được thực hiện, nếu bà con biết nắm bắt và vận dụng sẽ tạo ra động lực và sức bật to lớn trong phát triển KT, nâng cao đời sống gia đình.
Trên thực tế, một bộ phận đồng bào do trình độ thấp, tư tưởng sống an phận, nhàn nhã đã đi sâu vào nếp nghĩ, cách làm của bà con nên thường có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và cộng động. Không chuyên tâm lao động
sản xuất, tiêu xài hoang phí, không nghĩ tương lai. Vì vậy, “Cấp đất bán đất, cấp bò bán
bò, cho vay mất vốn, sạch túi lại kêu”.
Có thể nói, tình cảnh nghèo khó của người dân tộc vốn đã là bài toán nan giải; nhưng để nhổ tận gốc rễ những tư tưởng, phong tục, tập quán lạc hậu đang chi phối cuộc sống của đồng bào chắc hẳn phải mất thời gian dài với những nỗ lực to lớn hơn nữa.
Chương 3