d) Nhóm yếu tố về quản lý vĩ mô của Nhà nước:
2.2.4. Trình độ tổ chức sản xuất kinh doanh
KTH đồng bào Khmer có lịch sử phát triển lâu đời gắn liền với việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên vùng Bảy Núi. Chính sự khai thác và phân chia lợi ích từ tài nguyên của bà con dân tộc đã làm xuất hiện nhiều hình thức tổ chức SX - KD từ thấp đến cao:
- Hộ SX - KD độc lập, tự chủ:
Ở An Giang, KTH nói chung và hộ Khmer nói riêng đa phần là những hộ độc lập, tự chủ. Các hộ này có sự thống nhất chặt chẽ về sở hữu, quản lý sử dụng các yếu tố sản xuất, có sự thống nhất giữa quá trình sản xuất, trao đổi, phân bổ và sử dụng, tiêu dùng của một đơn vị KT với nguồn thu chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công
nghiệp và các hoạt động dịch
vụ khác.
Ở đây, sự tự chủ của hộ trong tổ chức - quản lý hoạt động SX - KD là một đòi hỏi khách quan, nó thể hiện sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và giữa các mặt của quan hệ sản xuất. Sự phù hợp này được thể hiện ở những điểm sau:
Thứ nhất, trong sản xuất nông nghiệp của bà con dân tộc, công cụ lao động thủ công là chủ yếu, quá trình ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại diễn ra rất chậm. Người lao động chủ yếu là không có chuyên môn kỹ thuật. Lực lượng lao động mặc dù khá dồi dào về mặt số lượng nhưng chất lượng còn kém. Chính sự dư thừa về lao động phổ thông đã kìm hãm quá trình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thực trạng phát triển thấp kém của lực lượng sản xuất yêu cầu quan hệ tổ chức - quản lý ở quy mô từng hộ là phù hợp nhất.
Thứ hai, trong quan hệ sản xuất thì quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất quyết định quan hệ tổ chức - quản lý. Khi các hộ được trao quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và quyền sử dụng lâu dài ruộng đất thì tất yếu họ cũng là người tổ chức quản lý sản xuất. Hơn nữa, quy mô sở hữu tư liệu sản xuất của từng hộ cho thấy, hầu hết các hộ đều thuộc dạng sở hữu nhỏ. VÌ vậy, để người dân “tự do suy nghĩ trên luống cày của họ” là hoàn toàn phù hợp với quan hệ sở hữu của hộ.
Thứ ba, tính chất xã hội hóa trong sản xuất nông nghiệp thấp hơn các ngành khác, đối tượng sản xuất là những cây trồng vật nuôi chỉ thích hợp trong điều kiện của từng vùng sinh thái nhất định. Chính vì vậy, quy mô sản xuất tối ưu có thể tăng lên nhưng nó không thể vượt ra ngoài tầm quản lý của từng hộ.
- Hình thức liên kết giữa hộ với các doanh nghiệp:
Trước đây, hình thức này chưa phát triển. Song, trong thời buổi hội nhập, với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng bào Khmer bước đầu đã ý thức hiệu quả, tầm quan trọng của việc tự nguyện tham gia liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần KT.
Mô hình liên kết “4 nhà” đối với ĐBDT Khmer An Giang được cụ thể hóa là “nhà
sư, nhà nông, nhà nước và nhà doanh nghiệp” bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết
thực. Ngoài ra, mô hình “Cùng nông dân ra đồng” của Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật
An Giang đã giúp bà con nâng cao năng lực tổ chức sản xuất cũng như hiệu quả hoạt động của hộ.
Bên cạnh những mô hình trên, người nông dân Khmer cũng đã tích cực liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định đối với các mặt hàng chủ yếu như: Điều, mè đen, đậu phộng, cây thuốc lá, cây dược liệu,v.v…Tuy nhiên, đối với sản phẩm lúa (trừ lúa đặc sản), chưa có doanh nghiệp nào đứng ra ký kết hợp đồng tiêu thụ. Mặc dù Chính phủ đã có chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng, nhưng trên thực tế vẫn chưa đi vào cuộc sống.
- Hình thức kinh tế trang trại:
Đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh nói chung, từ cuối thập niên 1990 đến nay nhiều hộ nông dân đã chuyển lên SX - KD theo mô hình trang trại. Mô hình này thể hiện sự thay đổi về chất của KTH, đặc biệt là về mặt tổ chức - quản lý sản xuất.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn An Giang, trong số hơn 600 trang trại của tỉnh, chỉ có 46 trang trại của đồng bào Khmer. Chủ yếu là trang trại trồng trọt và chăn nuôi, chưa có mô hình SX- KD tổng hợp. Đặc trưng của mô hình KT
trang trại đồng bào Khmer là vốn ít, mức độ tích tụ và tập trung đất đai diễn ra chậm, chưa có sự đầu tư theo chiều sâu.
- Tổ hợp tác, hợp tác xã:
Thời gian qua, do trình độ của đồng bào Khmer hạn chế, tỉnh chủ trương đối với số vừa được cấp đất cũng như số đã có đất từ trước, các địa phương đã tiến hành vận động thành lập các tổ liên kết, hợp tác sản xuất; Đồng thời tiến hành hỗ trợ giống, cho vay vốn và hướng dẫn thực hiện chương trình khuyến nông. Mỗi tổ hợp tác, liên kết sản xuất có diện tích canh tác bình quân khoảng 100 ha trở lại, có bố trí cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện vào các tổ để làm nòng cốt hướng dẫn sản xuất.
Kết quả, theo báo cáo tổng kết chương trình dân tộc của Uỷ ban nhân dân tỉnh, hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên đã thành lập gần 167 tổ hợp tác sản xuất, với gần hơn 2.500 hộ tham gia. Qua đó, bà con tổ viên được trợ giúp trên 130 tấn lúa giống xác nhận và được cho vay vốn sản xuất gần 1,2 tỉ đồng. Ngoài ra, ngành nông nghiệp đã tổ chức hàng trăm điểm trình diễn trực quan về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thâm canh tổng hợp; tổ chức trên 200 cuộc tập huấn kỹ thuật và hội thảo chuyên đề cho gần 10.500 lượt nông dân; cấp 650 dụng cụ gieo hạt theo hàng, lắp đặt 60 túi Biogas cho bà con dân tộc.
Bên cạnh tổ hợp tác trong nông nghiệp, bà con còn thành lập hàng chục các tổ hợp tác trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp như: Làm đường thốt lốt, đan điệm bàng, làm lò đất,v.v.. để hỗ trợ nhau trong sản xuất, vay vốn ngân hàng và tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Riêng mô hình HTX nông nghiệp, do trình độ và ý thức người dân còn hạn chế, chính quyền cơ sở lại buông lỏng, thiếu quan tâm, do đó các HTX không có điều kiện phát triển tốt trong vùng ĐBDT. Hiện nay chỉ có 7 HTX có đồng bào Khmer tham gia, trong đó huyện Tri Tôn có 4 HTX, huyện Tịnh Biên có 3 HTX. Tổng số xã viên là người Khmer là 155 người, với tổng vốn điều lệ 740 triệu đồng. Nội dung hoạt động của HTX chủ yếu là thực hiện dịch vụ bơm tưới, cày xới, diện tích phục vụ là 1.277 ha. Song, trong số 7 HTX thì hiện có đến 4 HTX không hoạt động, 1 HTX hoạt động yếu, 1 hoạt dộng trung bình và 1 khá.
Trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp có mô hình “HTX dệt thổ cẩm Văn Giáo”, huyện Tịnh Biên. Đây là mô hình khá hiệu quả hiện nay, thu hút hơn 100 hộ Khmer tham
gia. Vừa giúp xã viên nhận được chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, được vay vốn ưu đãi của ngân hàng, vừa tạo đầu ra ổn định giúp bà con yên tâm phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.
Như vậy, so với mặt bằng chung của tỉnh, trình độ tổ chức quản lý SX- KD của đồng bào Khmer còn hết sức lạc hậu, thể hiện rõ tính chất tiểu nông. Các hình thức liên kết, hợp tác chỉ mới đang trong giai đoạn đầu, còn hết sức lỏng lẻo và hiệu qủa thấp, chưa thật sự là động lực và là “cầu nối” để đưa người Khmer tiến lên sản xuất lớn, hiện đại.