Tuyển chọn là quá trình sử dụng các phương pháp nhằm xem xét, đánh giá, lựa chọn, quyết định trong số những người được tuyển dụng ai là người đủ tiêu chuẩn làm việc trong nhà trường. Tuyển chọn thực chất là sự lựa chọn người theo tiêu chuẩn cụ thể rõ ràng do tổ chức đặt ra, để đạt được mục đích: đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tinh thần, thái độ với công việc được giao.
Quá trình tuyển chọn phải đáp ứng được các yêu cầu sau: - Tuyển chọn phải xuất phát từ quy hoạch của nhà trường
- Tuyển chọn được những người có chuyên môn cần thiết cho công việc để đạt hiệu quả công tác tốt.
- Tuyển chọn được những người có phẩm chất tốt, yêu nghề, gắn bó với công việc và am hiểu đặc thù của nhà trường.
Nhà trường có thể tuyển chọn từ nhiều nguồn khác nhau:
- Nguồn nội bộ: là các giáo viên đang làm việc có thể nhận làm thêm giờ, kiêm nhiệm thêm công việc, đã chuyển biên chế tới các trường công lập…
- Nguồn bên ngoài: Các trường Sư phạm và các nguồn đào tạo khác, các trường THPT khác (thỉnh giảng), tự xin việc…
Tuyển chọn giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn để bổ sung vào đội ngũ giáo viên các trường THPT là một công việc quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình phát triển đội ngũ giáo viên theo hướng đảm bảo cho tăng nhanh về số lượng với cơ cấu hợp lí và có chất lượng đáp ứng theo yêu cầu. Điều này còn giúp cho nhà trường giảm được các chi phí phải tuyển chọn lại, đào tạo lại trong quá trình thực hiện công việc.
1.3.3. Bồi dưỡng
Bồi dưỡng là các hoạt động làm tăng thêm trình độ hiện có về kiến thức, kỹ năng, thái độ nhằm giúp cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên thực hiện công việc đạt kết quả tốt hơn.
Quan niệm trên cho thấy:
- Chủ thể bồi dưỡng là người lao động đã được đào tạo và đã có một trình độ chuyên môn nhất định
- Bồi dưỡng thực chất là quá trình bổ sung kiến thức, kĩ năng để nâng cao trình độ trong một lĩnh vực hoạt động chuyên môn nhất định.
- Bồi dưỡng giúp chủ thể bồi dưỡng có cơ hội củng cố, mở mang hoặc nâng cao hệ thống tri thức, kĩ năng, kĩ xảo chuyên môn nghiệp vụ có sẵn nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công việc đang làm.
Nội dung bồi dưỡng:
- Bồi dưỡng về tư tưởng chính trị, đường lối, quan điểm giáo dục của Đảng, đạo đức lối sống.
- Bồi dưỡng những kiến thức pháp luật, kiến thức về quản lí; về văn hóa, ngoại ngữ, tin học, sức khỏe, thể dục thể thao, văn nghệ.
- Bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ: bồi dưỡng theo chu kỳ thường xuyên, bồi dưỡng chuẩn hóa, trên chuẩn, bồi dưỡng thay sách, bồi dưỡng chuyên đề nâng cao, đổi mới phương pháp dạy học, những kiến thức tâm lí học, giáo dục học…
Hình thức bồi dưỡng:
- Bồi dưỡng thường xuyên: Là hình thức được áp dụng rộng rãi và phổ biến nhất vì nó phù hợp với đặc điểm công việc của giáo viên và điều kiện các nhà trường; nhất là việc bố trí thời gian để giáo viên tự bồi dưỡng, nghiên cứu các nội dung học tập và liên hệ thực tế vào bài học cụ thể. Việc bồi dưỡng thường thông qua các hội nghị khoa học, báo cáo chuyên đề, hội thảo, seminar, các đợt tập huấn, thao giảng, dự giờ, kèm cặp...
- Bồi dưỡng định kỳ: Giúp giáo viên vượt qua sự lạc hậu về tri thức do không được cập nhật tri thức thường xuyên.
- Bồi dưỡng nâng cao: Là hình thức bồi dưỡng các giáo viên nòng cốt trong nhà trường để làm hạt nhân cho sự phát triển của đơn vị cũng như tạo nguồn cán bộ quản lí trong tương lai.
1.3.4. Sử dụng
Theo từ điển tiếng Việt, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2001. Sử dụng là đem dùng vào một công việc.
Sử dụng là việc bố trí, sắp xếp giáo viên thực hiện các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo theo chuyên môn được đào tạo, trong quá trình sử dụng còn bao hàm cả đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và luân chuyển để đạt hiệu quả sử dụng cao nhất. Trong sử dụng phải biết trọng dụng người tài, đồng thời cũng phải thường xuyên kiểm tra, sàng lọc, chuyển những người không đủ khả năng giảng dạy sang làm công tác khác. Khuyến khích đội ngũ giáo viên say mê học tập và tu dưỡng để phát triển nghề nghiệp của bản thân cũng như sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nhà trường, của đất nước.