Nghệ thuật ước lệ, tượng trưng.

Một phần của tài liệu PHÚ NÔM THỜI TRUNG ĐẠI HÀNH TRÌNH VÀ ĐÓNG GÓP (Trang 76 - 81)

PHÚ NÔM TRUNG ĐẠI VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP TRONG XÂY DỰNG HÌNH TƯỢNG NGHỆ THUẬT

2.3.1. Nghệ thuật ước lệ, tượng trưng.

Ước lệ tượng trưng không phải độc quyền của phú Nôm. Đó là phương thức sáng tác của cả thời kỳ trung đại. Thế giới hình tượng của phú theo quan niệm chính thống lại càng phải thể hiện sự uyên bác. Ở đó, chồng lên nhau là tầng tầng lớp lớp những biểu tượng ẩn tàng trí tuệ thâm viễn của mỹ học, triết học phương Đông. Trong từng giai đoạn phát triển của phú Nôm trung đại, cũng như tùy theo cảm hứng sáng tạo của tác giả, chiếm ưu thế trong thế giới nghệ thuật ấy sẽ là các biểu tượng Phật, Nho hay những hình tượng tươi tắn, trong trẻo được nảy mầm từ mảnh đất văn học dân gian.

2.3.1.1. Sử dụng thủ pháp truyền thống để làm đẹp cho đối tượng.

Có thể vận dụng nghệ thuật ước lệ, tượng trưng để tạo nên những hình tượng mới lạ là do khả năng và tài năng của tác giả. Cố nhiên, đa phần dấu ấn sáng tạo của các tác giả trung đại nói chung, phú Nôm nói riêng, nằm ở chỗ

phá cách, nhưng chẳng phải vì thế mà phủ nhận đóng góp của những thủ pháp nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiều lúc có khiến hình ảnh trở nên khô cứng song cũng chính ước lệ, tượng trưng chắp cho hình tượng đôi cánh bay đến với cái đẹp mang hồn tính lãng mạn phương Đông. Hình ảnh ước lệ đan cài khéo léo trong tác phẩm có thể làm đẹp thêm cảnh vật, góp thêm một tiếng nói yêu mến quê hương vào chuỗi dài văn chương tụng ca về non sông đất nước. Cảnh Tây Hồ sở dĩ đẹp càng thêm đẹp vì nơi đó có chất thơ tinh tế toát

lên từ những hình ảnh thanh nhã:

Người ngoạn cảnh thẩn thơ đòi đoạn; Khách thâu nhàn lai láng từng khu.

Manh áo tơi lớp xớp trong mưa, ca Thanh thảo quyến đàn trâu gã Nịnh;

Con thuyền trúc lân la trước gió, khúc Thương lương đưa gánh củi chàng Chu.

(Nguyễn Huy Lượng, Tụng Tây Hồ phú) Nguyễn Huy Lượng không hề trực tiếp ca ngợi cuộc sống tự tại của con người Tây Hồ. Mà vốn dĩ cũng không cần ca ngợi khi bốn điển cố “bài ca Thanh thảo”, “khúc hát Thương lương”, “gã Nịnh”, và “chàng Chu” đã nói hộ

ông. Trong một câu gồm hai vế ngắn gọn ấy có màu xanh của cỏ, sắc trong của nước, nét đẹp thanh lịch của con người, tất cả là nhờ tác giả vận dụng khéo léo nghệ thuật ước lệ, tượng trưng. Cái đẹp được tái hiện theo phương thức như thế vừa đáp ứng được mục đích ca ngợi vương triều Tây Sơn, vừa thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của giới sĩ phu Bắc Hà học vấn uyên bác.

Do chức năng thể loại, phú có khuynh hướng ghi chép tỉ mỉ nhiều hiện tượng đời sống. Mặc dù vậy, phú vẫn không thuộc dạng ký nếu ta chấp nhận rằng trần thuật người thật việc thật là một trong những đặc điểm quan trọng cho sự phân biệt giữa ký và các thể loại khác. Trong khi đó, hệ thống hình tượng của phú về cơ bản được thiết kế dựa trên ý thức về cái phi thường. Một dẫn chứng dễ thấy: khởi đầu cho việc miêu tả địa danh thường là câu chuyện về sự hình thành vũ trụ với lớp sương huyền thoại mờ ảo báo hiệu tính thiêng liêng của đối tượng, chẳng hạn như:

Ngao từ chia cực; Phụng đã xây thành.

hay “Nẻo xưa: Vũ trụ mơ màng; Càn khôn xếch xác. Chân tình chứa đẫy hải hà; Tú khí còn ngưng quang nhạc.

Vua Bàn Cổ mở lò tạo hóa, hồng mông đà phơi phới hơi xuân;

Họ Hữu Ngu khơi mạch sơn xuyên, cương giới vẫn rành rành dấu tạc.” (Nguyễn Bá Lân, Ngã ba Hạc phú) Từ thế kỷ XVIII, quan niệm con người trong văn học thay đổi từ con người vị thế của những giai đoạn trước thành con người cá nhân, “đa tài”, “thị

tài”. Ngôn ngữ ước lệ cùng biện pháp khoa trương của phú đan dệt thành khung trời cho các tác giả tha hồ vẫy vùng, mặc sức tự tôn cao tài năng cá nhân. Nếu phú cho phép kể tường tận, lai lịch của đối tượng thì đây Cao Bá Quát đầy tự hào với nét “thông minh vốn sẵn tính trời”:

Có một người: Khổ dạng trâm anh; Nết na chương phủ.

Hoi miệng sữa, tuổi còn giọt máu, nét hào hoa chừng ná Tân Dương; Chòm tóc xanh vừa chấm ngang vai, lời khí nghiệp những so Y, Phó.” Và nếu phú được quyền miêu tả không cần đúng sự thật, thì đây, khi nói về tài năng của mình, tác giả sẽ có thể sắp đặt một cuộc đàm đạo chuyện thơ ca cùng người sống cách gần ngàn năm là Lý Bạch và Đỗ Phủ:

Lắc bầu rượu dốc nghiêng non nước xuống, chén tiếu đàm mời mọc trích tiên;

Hóng túi thơ nong hết gió trăng vào, cơn xướng họa thì thầm lão Đỗ.” (Cao Bá Quát, Tài tử đa cùng phú)

Một chén rượu nghiêng, nghiêng cả nước non. Một cơn xướng họa, gió trăng đều họa hết. Giây phút con người vụt lớn lên. Giây phút con người có thể phá tung mọi quy luật thông thường. Để truyền được khoảnh khắc xuất thần ấy, ngôn từ nhất định phải có tính ước lệ. Nếu non nước, gió trăng tượng trưng cho vũ trụ mênh mông thì Lý Bạch, Đỗ Phủ là biểu tượng về tài năng kiệt xuất sống mãi theo thời gian. Giữa siêu không – thời gian đó, tồn tại không phải một Cao Bá Quát thuộc về số đông nhân loại nữa mà là con người khác thường tắm mình giữa tinh hoa của trời đất và mang kích thước cao lớn vô cùng của vũ trụ. Sự ước lệ, hoa mỹ và khoa trương của hình ảnh đã thoát khỏi lớp vỏ sáo rỗng để bộc lộ một cách nhìn đậm chất nhân văn về con người. Nói nghệ thuật ước lệ tượng trưng là một đặc điểm tạo nên giá trị của phú Nôm một phần cũng chính vì lý do như thế.

2.3.1.2. Điển cố hóa truyện dân gian, biến chúng thành chất liệu nghệ

thuật.

Áp lực dùng điển của phú rất lớn. Trong một bài phú độ chừng mấy mươi câu hoặc hơn, mỗi câu hai vế mà phải liên tục dùng điển là việc hết sức khó khăn, đặc biệt với phú Nôm. Khó không phải vì tiếng Việt không đủ khả

năng chuyển ngữ những điển cố Trung Hoa. Khó chính là vì đề tài, cảm hứng của phú Nôm phong phú và đa dạng đến mức những câu chuyện mang tính quy phạm của văn học Trung Quốc đành bất lực. Đối diện với tình hình ấy, các tác giả tìm ra một cách giải quyết thông minh: vận dụng kho truyền thuyết của dân tộc để sáng tạo nên những hình tượng nghệ thuật mới mẻ không thuộc hệ thống hình tượng có sẵn. Như ở Ngã ba Hạc phú chẳng hạn, Nguyễn Bá Lân đã biến Chử Đồng Tử trong câu chuyện dân gian thành hình ảnh ước lệ

về những người sống nhờ sông nước: “Rủ dây dù ông Lã máy cần;

Trần trụi mặc Chử Đồng ngâm nước.

Truyện cười dân gian cũng không ngại góp mặt vào thế giới vốn uy nghiêm của phú. Mà chuyện dân gian vốn là địa hạt quen thuộc của người bình dân, nói đến nhớ liền, không cầu kỳ, phức tạp như điển cố Trung Hoa. Nguyễn Khuyến trích hai câu trong hai câu chuyện tiếu lâm nổi tiếng, lập tức cụ thể hóa được ngay cái sự dốt của anh thầy đồ:

“Hoặc cầm roi nhi quát tháo; Hoặc cầm sách nhi gật gù.

“Sừ tiên ban, sứ tiên cung”, bắt khoan bắt nhặt; “Tiền diệc tặc, hậu diệc tặc”, tiếng nhỏ tiếng to.”

(Nguyễn Khuyến, Thầy đồ ngông phú)

Mỗi khi một câu chuyện được đưa vào phú thì chúng không đơn thuần chỉ là lịch sử nữa mà trở thành chất liệu nghệ thuật được dùng như một điển cố đích thực. Ngày xưa để chỉ nước thái bình vẫn hay dùng điển vua Nghiêu, vua Thuấn, chỉ đất thánh lại thường nói đến Kỳ Sơn, nơi phát tích của nhà Chu, thì nay, Nguyễn Huy Lượng dùng truyền thuyết Lạc Long Quân giết cáo

Kim ngưu tìm mẹđể ngụ ý tính linh thiêng của khu vực Tây Hồ:

“Trước bạch hồ vào ở đó làm hang, Long vương trổ nên vùng

đại trạch;

Sau kim ngưu dò vào đây hóa vực, Cao vương đào chặn mạch hoàng đô.”

(Nguyễn Huy Lượng, Tây Hồ phú) Hàm súc là đòi hỏi bức thiết của văn chương trung đại nói chung và phú nói riêng. Dưới áp lực chung này, truyện dân gian khi đặt chân vào thế

giới của phú cũng phải được tinh giản tối đa, trở thành những biểu tượng mang ý nghĩa tượng trưng cao độ. Để có thể thưởng thức vẻ đẹp của những hình ảnh hàm súc được liệt kê trong một bài phú, người đọc phải hiểu biết nhiều về văn hóa dân tộc. Từ góc độ đó, phú Nôm có đóng góp nhất định khi

nhập vào hệ thống điển cố nhiều câu chuyện được chắt lọc từ chính lịch sử và

đời sống dân tộc. Không chỉ vậy, hình ảnh ước lệ trong phú quốc âm còn có khả năng biến thành phương tiện gây cười, một chức năng hết sức “lạ lùng”. Vấn đề này chúng tôi sẽ trình bày cụ thể hơn ở phần tiếp sau.

Một phần của tài liệu PHÚ NÔM THỜI TRUNG ĐẠI HÀNH TRÌNH VÀ ĐÓNG GÓP (Trang 76 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(161 trang)