Tăng cường công tác tổ chức cán bộ làm công tác tôn giáo

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo ở Lạng Sơn hiện nay docx (Trang 90 - 92)

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo trên địa bàn Lạng Sơn có thành công hay không thì yếu tố con người trực tiếp tham gia làm công tác tôn giáo luôn có tính quyết định. Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, trong thời gian tới Lạng Sơn cần chú trọng đến công tác tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo.

Một là, về phương diện tổ chức.

Với mô hình tổ chức làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo như hiện nay ở Lạng Sơn, đó là: ở cấp tỉnh thì có Phòng Tôn giáo trực thuộc Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; ở cấp huyện, thành phố thì đến nay 11 huyện và thành phố đã thành lập được Phòng Dân tộc- Tôn giáo trực thuộc Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố.

Để tăng cường tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo ở Lạng Sơn, trong thời gian tới cần thành lập ngay Ban Tôn giáo tỉnh, có con dấu và tài khoản riêng, không thể để kéo dài tình trạng như hiện nay. Ban Tôn giáo này trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh trên cơ sở Phòng Tôn giáo trực thuộc Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh như hiện nay. Có như vậy mới phù

hợp với Nghị định 22/ NĐ-CP ngày 12/01/2004 của Chính phủ Về kiện toàn tổ chức bộ

máy làm công tác tôn giáo thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp và Thông tư số 25/TT-BNV

ngày 19/04/2004 của Bộ Nội vụ Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ

chức cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân quản lý nhà nước về công tác tôn giáo ở địa phương.

ở cấp xã, phường, thị trấn nơi có đông đồng bào các tôn giáo thì cần có 01 cán bộ chuyên trách làm công tác tôn giáo thay bằng chế độ làm công tác tôn giáo kiêm nhiệm như hiện nay.

Hai là, về phương diện cán bộ.

Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo, cần xây dựng và thực hiện tốt công tác qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và bảo đảm chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo.

Hiện nay ở Lạng Sơn, cán bộ làm công tác tôn giáo đều xuất phát từ các ngành, các nghề khác nhau, trong đó không có cán bộ đã qua đào tạo chuyên ngành về lĩnh vực tôn giáo, do đó ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo. Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới, tỉnh cần có sự quan tâm về một số vấn đề sau:

- Đối với cán bộ chuyên trách đang làm công tác tôn giáo, cần có sự rà soát và bố trí cho phù hợp với mỗi công việc cụ thể. Trong việc tuyển chọn, điều động cán bộ làm công tác tôn giáo cần phải xuất phát từ tính chất, yêu cầu của công tác này. Tôn giáo là một lĩnh vực xã hội nhạy cảm và phức tạp, do vậy các bộ làm công tác tôn giáo phải là những người có trình độ, năng lực và tâm huyết với nghề. Cần tránh tình trạng hiện nay ở một số địa phương trong tỉnh là phân công gò ép, hoặc xếp những cán bộ đã bị kỷ luật, mất uy tín… làm công tác tôn giáo. Mạnh dạn thay thế cán bộ có năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, uy tín thấp, có quan điểm không đúng trong công tác tôn giáo.

- Có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo thường xuyên kiến thức về tôn giáo. Hiện nay cán bộ làm công tác tôn giáo ở Lạng Sơn không nhiều, nhưng rất đa dạng về mặt bằng xuất phát, vì vậy ảnh hưởng lớn đến công tác tôn giáo. Chính vì thế, đối với cán bộ chuyên trách làm công tác tôn giáo cần phải có sự quan tâm về nhiều phương diện, trong đó quan trọng nhất hiện nay là nâng cao kiến thức. Để thực hiện được vấn đề này, tỉnh nên dành một khoản kinh phí để phối hợp với các cơ sở đạo tạo về lĩnh vực tôn giáo của Trung ương như: Ban Tôn giáo Chính phủ, Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Tín ngưỡng (thuộc Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Tôn giáo (thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia),… mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn 2-3 tháng tại

tỉnh. Đối tượng tham gia lớp đào tạo là những cán bộ làm công tác tôn giáo ở các cấp, các ngành, các địa phương.

Tỉnh cần có kế hoạch đào tạo cơ bản, chuyên sâu đối với cán bộ làm công tác tôn giáo. Hiện nay Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Tín ngưỡng và Viện Nghiên cứu Tôn giáo đã tổ chức các khóa đào tạo cử nhân, cao học, nghiên cứu sinh về chuyên ngành tôn giáo và tín ngưỡng. Để cán bộ làm công tác tôn giáo có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực tôn giáo và công tác tôn giáo, tỉnh cần có qui hoạch cụ thể và cử cán bộ đi tham gia các lớp đào tạo này.

Ngoài ra, ở các vùng dân tộc thiểu số, cán bộ làm công tác tôn giáo nếu không biết tiếng dân tộc thì phải được bồi dưỡng, huấn luyện để hiểu biết tiếng nói, phong tục tập quán và tâm lý của dân tộc nơi mình công tác.

- Tỉnh cần có nguồn kinh phí dành cho công tác tập huấn, bồi dưỡng và đào tạo đối với cán bộ làm công tác tôn giáo. Hàng năm cấp một khoản kinh phí cho Ban dân vận, các đoàn thể làm công tác tôn giáo để đi thăm hỏi động viên cán bộ cốt cán lúc ốm đau, khi gia đình có chuyện buồn; ngày lễ, tết…

Cần có chế độ chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo. Công tác tôn giáo là loại hình công tác phức tạp, vất vả, song thu nhập của đội ngũ cán bộ làm công tác này hiện nay lại rất thấp, vì vậy cần phải lưu ý quan tâm đến đời sống của họ. Do đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nên họ chưa yên tâm công tác, để động viên kịp thời tới đội ngũ những người làm công tác tôn giáo, tỉnh cần có sự quan tâm và dành khoản kinh phí ưu đãi đặc biệt cho đội ngũ này.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo ở Lạng Sơn hiện nay docx (Trang 90 - 92)