Một số hoạt động cần quan tâm của các tôn giáo ở Lạng Sơn hiện nay

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo ở Lạng Sơn hiện nay docx (Trang 74 - 79)

Một là, đối với Phật giáo.

Trong những năm qua các phật tử ở Lạng Sơn luôn gắn bó với dân tộc, chấp hành tốt chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, có nhiều đóng góp vào thực hiện mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng của tỉnh. Tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động như: Từ thiện nhân đạo, phong trào xóa đói giảm nghèo, chương trình kế hoạch hóa gia đình, phong trào “Xây dựng gia đình, làng bản, khối phố văn hóa”…

Bên cạnh đó, hoạt động của Phật giáo ở Lạng Sơn nổi lên một số vấn đề mà các cấp chính quyền và các ngành chức năng cần quan tâm giải quyết như sau:

Hiện nay các Ban quản lý đền, chùa hoạt động kéo quá dài thời gian, mà chưa kiện toàn lại được. Do đó cần phải củng cố, kiện toàn lại các Ban quản lý này theo đúng nhiệm kỳ và theo đúng qui định để đưa việc quản lý cũng như các hoạt động tôn giáo tại các đền, chùa đi vào nề nếp theo đúng pháp luật. Các hủ tục như bói toán, sóc thẻ, lên đồng, buôn thần bán thánh vẫn diễn ra ở một số đền, chùa trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại. ở một số đền, chùa (đền Cửa Bắc, đền Tả Phù…) tự ý xây sửa, đưa các tượng vào thờ, không chấp hành đúng theo các qui định của Nhà nước cũng như của địa phương. Việc xử lý của các cấp chính quyền còn chưa kiên quyết, do đó đã gây khó khăn trong việc quản lý, điều hành của các cơ quan chuyên môn. Việc kiến nghị, khiếu kiện, tranh chấp quyền lợi trong quản lý một số đền, chùa như tranh chấp quản lý ở đền Kỳ Cùng, chùa Thành, đền Cửa Đông…mặc dù đã được chính quyền và các ngành chức năng giải quyết, nhưng chưa triệt để, còn để vụ việc kéo dài, gây dư luận không tốt trong quần chúng tín đồ. Vì vậy các cơ quan, ban ngành của tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố cần phối kết hợp, tăng cường việc kiểm tra, thanh tra để ngăn chặn và sớm khắc phục những tình trạng trên

Hai là, đối với Công giáo.

Đạo Công giáo ở Lạng Sơn có 06 nhà thờ, 08 xứ đạo với 3.500 giáo dân, tập trung ở ba xứ chính: Cửa Nam, Mỹ Sơn và Thất Khê.

Trong những năm qua tín đồ Công giáo là những người lao động cần cù, tích cực tham gia lao động sản xuất phát triển kinh tế, xã hội, chấp hành tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, hành đạo theo đường hướng “kính Chúa, yêu nước”, "sống phúc âm giữa lòng dân tộc".

Tuy nhiên, thời gian vừa qua Công giáo trên địa bàn Lạng Sơn có những hoạt động đáng chú ý sau:

Từ ngày giám mục Ngô Quang Kiệt được bổ nhiệm làm giám mục quản lý giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng, Giáo hội Công giáo Lạng Sơn có những thay đổi về đường hướng hoạt động để thích nghi với điều kiện hiện tại. Hiện nay đội ngũ chức sắc tạo

nhiều lý do để tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại, tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng. Đồng thời tìm mọi cách để nắm quần chúng giáo dân, gây ảnh hưởng và niềm tin trong các gia đình giáo dân và quan tâm chú ý củng cố các tổ chức giáo hội, phát triển tín đồ, đào tạo chức sắc.

Giám mục Ngô Quang Kiệt liên tục xin cho một số linh mục thân cận ở miền Nam ra để làm mục vụ tại Lạng Sơn, tạo lý do để các linh mục này ở lại Lạng Sơn lâu dài để củng cố hàng ngũ chức sắc trong giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng. Mặt khác cũng tích cực xin nữ tu để phục vụ cho Tòa giám mục Lạng Sơn và cho nữ tu đi học tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tòa giám mục còn tăng cường thiết lập, mở rộng quan hệ với các tổ chức tôn giáo ở trong nước và ở nước ngoài để tranh thủ sự ủng hộ về vật chất, tinh thần tạo điều kiện cho việc phát triển đạo, củng cố, phục hồi các cơ sở thờ tự. Đến nay đã Xây dựng mới được nhà thờ chính tòa, tu sửa nhà thờ Lộc Bình, nhà thờ Mỹ Sơn và nhà thờ Thất Khê đang được xây dựng.

Giám mục Ngô Quang Kiệt là một trong những giám mục trẻ nhất trong hàng ngũ Giám mục Việt Nam, được đào tạo cơ bản và có trình độ cao. Được bổ nhiệm về Lạng Sơn không lâu (từ tháng 7/1999 đến nay), song giám mục Ngô Quang Kiệt đã xin đi nước ngoài 05 lần, thường xuyên tổ chức các lớp học tiếng Anh cho giáo dân, do vậy được các tổ chức tôn giáo trong và ngoài nước quan tâm chú ý hơn.

Giáo hội Công giáo Lạng Sơn đã lợi dụng công tác từ thiện nhân đạo để chuyển những vật phẩm đến các gia đình gặp khó khăn, qua đó để tác động tư tưởng, gây cảm tình, từ đó tuyên truyền phát triển đạo hoặc làm sống lại những nơi đã khô nhạt đạo. Bên cạnh việc xin phép xây dựng lại cơ sở thờ tự, các công trình phúc lợi khác của Giáo hội như vườn hoa, nghĩa trang, khu tập thể giáo dân thì Giáo hội đã nhiều lần gửi đơn đòi lại đất đai, tài sản cũ của Giáo hội.

Ba là, đối với đạo Tin lành.

Đạo Tin lành hiện nay chủ yếu hoạt động ở vùng dân tộc Dao thuộc huyện Bắc Sơn. Tổng số tín đồ của đạo Tin lành dân tộc Dao hiện nay là 1.459 người, trong đó có 857 tín đồ đã qua lễ Bắp Têm.

Hội thánh Tin lành Bắc Sơn có 12 hội nhánh, đến nay đã Đại hội lần thứ VII gồm 13 nhân sự, do mục sư nhiệm chức Lý Tiến Lưu làm chủ tọa Hội thánh.

Trong những năm qua nhìn chung đồng bào theo đạo Tin lành ở huyện Bắc Sơn đã phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, ra sức lao động sản xuất, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đến 4/2006 đã có 27 tín đồ là đảng viên, có 02 tín đồ là Đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, trong đó có 01 tín đồ là phó giám đốc Trung tâm y tế huyện đồng thời là Phó Ban kinh tế-văn hóa-xã hội của Hội đồng nhân dân huyện; có 9 tín đồ là đại biểu Hội đồng nhân dân xã, trong đó có 01 tín đồ là Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã; có 04 tín đồ là trưởng thôn; 05 tín đồ là công an viên ở xã; có 01 tín đồ là Chủ tịch Hội Nông dân xã. Nét nổi bật của đồng bào theo đạo Tin lành trong thời gian qua là thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, thực hiện nếp sống gia đình văn hóa, trong bản không có tệ nạn xã hội [41, tr.11].

Tuy nhiên bên cạnh đó, một số hoạt động của đạo Tin lành ở huyện Bắc Sơn cần chú ý như sau:

Nhằm tăng cường ảnh hưởng đối với tín đồ, Hội thánh đã tổ chức sinh hoạt tôn giáo từ 2 buổi tăng lên 4 buổi trong một tuần, do đó đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng, thời gian lao động sản xuất, học tập và thời gian tham gia các đoàn thể xã hội của tín đồ.

Nhiều Hội nhánh đã dùng nhiều thủ đoạn lôi kéo, ép buộc quần chúng đi theo đạo. Những ai không theo đạo, không tin Chúa thì họ không cho vào Hội hiếu, trong gia đình có đám hiếu, đám hỷ họ không cho người đến giúp. Không ít Hội nhánh đã ngăn trở tín đồ thực hiện nghĩa vụ công dân, không cho nghe Đài Tiếng nói Việt Nam và chương trình của Đài địa phương mà chỉ được nghe Đài “Nguồn sống” và đài “VERITAS” tuyên truyền về đạo Tin lành.

Trong Ban chấp sự Hội thánh có sự phân công phát triển đạo không chỉ ở địa bàn đồng bào Dao ở Bắc Sơn mà còn tăng cường phát triển đạo ra khu vực ngoài huyện, ngoài tỉnh.Trước năm 2006, Hội thánh liên tục đề nghị chính quyền địa phương cho xây dựng nhà thờ, nhưng chưa được chính quyền chấp thuận vì chưa đủ điều kiện, từ đó Ban chấp sự và một số tín đồ tỏ ra bất bình, không hợp tác với chính quyền và có hành động

chống đối. Hội thánh cũng tăng cường thiết lập, mở rộng quan hệ với các tổ chức Tin lành trong và ngoài nước nhằm tranh thủ sự ủng hộ, tài trợ về vật chất và tinh thần.

Ngày 7/7/2006, trong chuyến thăm và làm việc tại Lạng Sơn, Đại sứ Mỹ Michael W. Marine đã đến tận thôn Suối Nay, xã Tân Tri, huyện Bắc Sơn, một thôn vùng sâu vùng xa để tìm hiểu tình hình sinh hoạt đạo của các tín đồ Tin lành.

Năm 1998, một bộ phận đồng bào dân tộc Mông từ các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn…di cư về, nhưng chủ yếu tập trung ở huyện Bắc Sơn với 49 hộ có 291 khẩu thuộc 2 hệ phái: Tổng hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) và Liên Hữu cơ đốc. Khi mới đến định cư đồng bào không sinh hoạt tôn giáo tập trung, song từ năm 2004 trở lại đây, với sự tác động của Hội thánh Tin lành Bắc sơn, đồng bào đã thường xuyên tổ chức sinh hoạt đạo. Vấn đề đáng quan tâm là ông Lý Văn Sung tự đứng tên là Trưởng Hội nhánh Tin lành thôn Tiến Hậu (xã Nhất Tiến) đã làm đơn gửi chính quyền địa phương kèm bản đăng ký chương trình hoạt động và nội dung bản đăng ký sinh hoạt các ngày lễ có sự phê chuẩn của Tổng hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc). Ngày 04/01/2006, Tổng hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) chính thức có công văn gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn và Uỷ ban nhân dân huyện huyện Bắc Sơn xin thành lập Hội thánh Tin lành thôn Tiến Hậu trực thuộc Tổng hội chứ không thuộc Hội thánh Tin lành Bắc Sơn, đăng ký người được bầu làm đại diện lâm thời là ông Lý Văn Sung.

Hoạt động đạo Tin lành của đồng bào dân tộc Mông ở huyện Bắc Sơn trong thời gian qua là khá phức tạp. Các ông Lý Văn Sung, Sầm Văn Phù, Lý Văn Khành tích cực tuyên truyền, phát triển đạo trái phép, phao tin đồn thất thiệt, gây tâm lý hoang mang trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tình hình trật tự trị an trong vùng dân tộc Mông cũng không ổn định, tình hình trộm cắp, hiềm khích cá nhân gia tăng dẫn đến trộm gia súc, đốt nhà của nhau…

Trong nội bộ Hội nhánh cũng mất đoàn kết, ông Lý Văn Sung và Lý Văn Khành do mâu thuẫn về cách thức sinh hoạt tôn giáo, không đồng nhất về tư tưởng nên đã tự tách ra hình thành 02 nhóm đạo theo hai hệ phái khác nhau, đó là:

- Hệ phái Tin lành Việt Nam (miền Bắc) do Lý Văn Sung đứng đầu, có 30 hộ, 174 khẩu tập trung chủ yếu tại thôn Tiến Hậu, xã Nhất Tiến.

- Hệ phái Liên Hữu cơ đốc do Lý Văn Khành đứng đầu, có 18 hộ, 110 khẩu, trong đó ở xã Nhất hòa có 11 hộ, xã Nhất Tiến có 7 hộ.

Như vậy, ở hai xã Nhất Tiến và Nhất Hòa có 49 hộ với 284 khẩu đồng bào Mông theo hai hệ phái đạo Tin lành. Trong quá trình hoạt động, hai hệ phái này đều tranh giành sự ảnh hưởng lẫn nhau, do đó tình hình hoạt động của đạo Tin lành trong dân tộc Mông có nhiều bất ổn.

Hiện nay có động thái nhiều hộ dân tộc Mông theo Tin lành ở các tỉnh tiếp tục di cư đến huyện Bắc Sơn; tín đồ Tin lành người Dao trong huyện có biểu hiện di cư sang các khu vực có đồng bào Dao sinh sống ở phạm vi trong tỉnh và các tỉnh khác; Có hiện tượng nhiều hệ phái Tin lành khác nhau đang tìm cách tuyên truyền để thu hút tín đồ gia nhập đạo. Những vấn đề đó đang đặt ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động của đạo Tin lành trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo ở Lạng Sơn hiện nay docx (Trang 74 - 79)