Tăng cường công tác vận động quần chúng, xây dựng lực lượng chính trị cơ sở ở vùng tôn giáo tập trung

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo ở Lạng Sơn hiện nay docx (Trang 86 - 88)

cơ sở ở vùng tôn giáo tập trung

Đảng ta đã khẳng định: Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng. Trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, vận động quần chúng tín đồ các tôn giáo và xây dựng lực lượng chính trị vùng giáo là vấn đề cốt lõi, là biện pháp cơ bản, chiến lược lâu dài mà Đảng, Nhà nước ta đã xác định phải thực hiện tốt. Thực tiễn cho thấy, trọng tâm và trung tâm trong các hoạt động của giáo hội các tôn giáo là quần chúng tín đồ. Vì vậy, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo chỉ có hiệu quả khi quần chúng tín đồ và chức sắc các tôn giáo đồng thuận với cách thức quản lý của chính quyền, tự giác chấp hành chính sách pháp luật của nhà nước trong quá trình hành đạo. Bên cạnh đó, lực lượng chính trị ở vùng giáo hoạt động có hiệu quả thì thu hút được đông đảo quần chúng tín đồ, chức sắc các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào cách mạng của địa phương.

Để thực hiện tốt công tác vận động quần chúng và xây dựng lực lượng chính trị vùng tôn giáo, theo chúng tôi cần làm tốt các vấn đề sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước nói chung và đường lối chính sách đối với tôn giáo nói riêng đến với đông đảo

quần chúng tín đồ, chức sắc các tôn giáo. Qua đó góp phần để quần chúng tín đồ nâng cao nhận thức và hiểu biết về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là đường lối chính sách về tôn giáo. Từ đó họ tự giác thực hiện tốt chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Để làm tốt nhiệm vụ trên, Lạng Sơn cần có các giải pháp trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng dân tộc. Đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì nên biên tập đề cương tuyên truyền ra tiếng dân tộc và kết hợp tuyên truyền lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội. Cần chú ý tranh thủ việc giải quyết các vụ việc tôn giáo để tuyên truyền.

Tín đồ các tôn giáo ở Lạng Sơn phần lớn là người dân tộc thiểu số, họ rất tin tưởng ở Đảng và có đức tính thật thà nhưng rất khái tính, do vậy cán bộ làm công tác tôn giáo vận cần gần dân, hiểu dân và giúp dân trong cuộc sống, qua đó góp phần tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền và giáo dục đối với tín đồ các tôn giáo.

Hai là, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các đoàn thể quần chúng trong vùng giáo. Thực tế tại nhiều địa phương của tỉnh Lạng Sơn vẫn còn tình trạng là trong khi các đoàn thể quần chúng của ta hoạt động kém hiệu quả, thì ngược lại giáo hội các tôn giáo (nhất là đạo Tin lành) lại tổ chức nhiều hoạt động thu hút được đông đảo tín đồ tham gia. Để khắc phục tình trạng này, đồng thời tăng cường thu hút tín đồ tham gia hoạt động do các đoàn thể nhân dân phát động, đóng góp chung vào phong trào cách mạng ở địa phương, trước hết các tổ chức đoàn thể phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động cho phù hợp với điều kiện thực tiễn ở từng địa phương. Phải đa dạng hóa các hình thức hoạt động cho phù hợp với từng vùng miền, từng dân tộc, phải hướng các hoạt động đó vào các nhu cầu đời sống thiết thực của quần chúng, như đẩy mạnh các phong trào xóa đói giảm nghèo; các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; từ thiện nhân đạo; xây dựng gia đình, thôn bản, khối phố văn hóa… Qua đó góp phần thu hút tín đồ tham gia các hoạt động do chính quyền địa phương phát động, góp phần phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo trên địa bàn.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo ở Lạng Sơn hiện nay docx (Trang 86 - 88)