Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo ở Lạng Sơn hiện nay docx (Trang 27 - 30)

Lạng Sơn là một tỉnh nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của Việt Nam. Lạng Sơn giáp ranh với các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Bắc Giang và Quảng Ninh. Lạng Sơn có đường biên giới dài 253 Km tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Đây là điểm đầu của con đường huyết mạch (QL 1A) nối Việt Nam với Trung Quốc và từ đó

đến với các nước châu Âu, đồng thời cũng là con đường quan trọng nối Trung Quốc với các nước ASEAN.

Với vị trí địa lý thuận lợi về kinh tế và vô cùng quan trọng về quốc phòng-an ninh, Lạng Sơn trở thành đầu mối chiến lược trong giao lưu kinh tế, văn hóa-xã hội và hợp tác kinh tế quốc tế của đất nước.

Lạng sơn nằm ở vị trí theo chiều Bắc-Nam từ 210 27’ vĩ độ bắc, chiều Tây- Đông

1060 56’-1070 14’ kinh độ đông.

Diện tích toàn tỉnh là 8.187, 25 km2 với dân số 727. 081 người, mật độ 86 người/ km2,

gồm 11 huyện, thành phố, 14 thị trấn, 19 phường và 206 xã [24, tr.20].

Lạng Sơn là tỉnh có độ cao trung bình trên 100m, trong tỉnh chỉ có một dải đất hẹp có độ cao dưới 100m đó là thung lũng sông Thương ở xã Mai Sao huyện Chi Lăng. Độ cao trung bình của Lạng Sơn chỉ thấp hơn chút ít so với độ cao các tỉnh Lào Cai, Bắc Cạn, Hà Giang, hai lưu vực sông Tây Giang của Trung Quốc và sông Hồng của Việt Nam đều thấp hơn Lạng Sơn.

Địa hình Lạng Sơn tương đối phức tạp do nằm ở trong khu vực có nhiều biến đổi qua các đợt biến động về địa lý, địa chất. Mật độ sông suối ở Lạng Sơn khá dày với tổng chiều dài hơn 400km chia ra hai hệ thống chính là hệ thống sông Kỳ Cùng ở phía Bắc và hệ thống sông Thương ở phía Nam của tỉnh. Độ nghiêng chung của địa hình Lạng Sơn nghiêng về phía Đông Bắc, do vậy khác với hệ thống sông ngòi của Việt Nam thường chảy từ hướng Tây Bắc xuống Đông Nam thì sông Kỳ Cùng phát nguyên từ Trung Quốc chảy qua Lạng Sơn và chảy ngược về Trung Quốc. Theo hướng chính của địa hình Lạng Sơn thì hầu hết nước mưa trên địa bàn tỉnh đều dồn về lòng máng Kỳ Cùng rồi chảy sang Trung Quốc.

Do có đặc điểm địa hình riêng như vậy nên cũng có sự tác động không nhỏ đến khí hậu thủy văn ở nơi đây. Lạng Sơn là tỉnh miền núi có độ cao khá lớn, nhưng nhìn chung về khí hậu thì căn bản không khác các tỉnh Bắc Bộ, vẫn có mùa mưa, mùa khô, mùa nóng, mùa lạnh, có thể phân ra ba vùng khí hậu đặc trưng là:

- Vùng khí hậu núi cao Mẫu Sơn.

- Vùng khí hậu núi thấp ở phía Nam.

Lạng Sơn có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình từ 170C-220C. Mùa

đông ở đây tương đối dài và khá lạnh, nhiều năm nhiệt độ xuống thấp nước đóng băng (năm 1918, 1955), mới đây trên đỉnh Mẫu Sơn nước đã đóng băng, có chỗ băng dày tới 25cm.

Lạng Sơn là tỉnh ít mưa trong khu vực Bắc bộ. Theo số liệu của Nha khí tượng thì trên một diện dài 250 km từ đảo Cát Bà sang đến cửa biển Bắc Hải của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), các đám mây mưa đều bị các đồi núi thuộc vòng cung Đông Triều và dãy núi Thập vạn Đại sơn-địa giới hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc) cản lại, mưa hầu hết trút xuống khu vực Cát Bầu qua Bình Liêu sang Bắc Hải. Phần mây đen còn lại thì đổ mưa vào khu vực từ Cát Bà qua Đình Lập sang Long Châu. Do có đặc điểm như vậy nên Lạng Sơn không bao giờ bị thiên tai gây thiệt hại về mùa mưa bão như các tỉnh trung du Bắc Bộ kề cạnh, cho dù Lạng Sơn chỉ cách biển khoảng 100km.

Địa lý, địa hình và khí hậu của Lạng Sơn có nhiều đặc trưng như đã nêu ở phần trên, do vậy đã tạo điều kiện cho hệ sinh thái thực vật, động vật phát triển tốt tại đây. Hệ thực vật Lạng Sơn rất đa dạng và phong phú, điển hình như các khu rừng táu muối, táu mật, hoàng đàn, pơmu, sa mu, đinh, lim, nghiến, thông tre, thông đuôi ngựa...

Cùng với thảm thực vật phát triển đa dạng, giới động vật ở Lạng Sơn cũng rất phong phú về cả số lượng và chủng loại như gấu ngựa, hưu xạ, sóc bụng đỏ, hổ, báo lửa, báo gấm, sơn dương, khỉ mốc, tê tê, tắc kè, công, phượng hoàng, sáo mỏ vàng, bìm bịp, cá anh vũ, cá lộ lớn, cá măng giả, ếch gai, ếch hương...

Trong những năm trở lại đây với việc mở rộng diện tích đất nông nghiệp, với phương thức du canh, du cư, và sự tận khai thác con người đã thu hẹp nhanh chóng diện tích rừng tự nhiên của tỉnh. Qua đó dẫn tới nguy cơ suy giảm số lượng, chất lượng các loài thực vật có giá trị kinh tế cao, thậm chí dẫn tới nguy cơ tuyệt chủng một số loài như cây hoàng đàn, nghiến, trai, đinh, pơmu, kim giao; và những loài có giá trị dược liệu quí như ngũ gia bì hương, ba kích, sa nhân, bách hợp, tiền hổ, cốt khí củ…Cùng với diện tích rừng bị thu hẹp cộng với sự săn bắt động vật với mục đích làm thức ăn, môi trường sống

không đảm bảo, do vậy giới động vật đã suy giảm ở mức báo động, có loài nay đã không thấy xuất hiện trong các khu rừng trên địa bàn.

Hiện nay với sự chuyển đổi cơ chế quản lý, nhiều diện tích rừng và đất rừng trước đây không có chủ quản lý, nay với chủ trương giao đất giao rừng, các khu rừng đã có người khoanh nuôi và bảo vệ. Đặc biệt với các chương trình trồng rừng theo dự án Pam, dự án 327, dự án trồng 5 triệu hécta rừng của Nhà nước, nên diện tích rừng đã tăng nhanh, độ che phủ của rừng từ 21, 2% năm 1994 đã tăng lên 46,9% năm 2004 [32, tr.98].

Lạng Sơn cũng là tỉnh có nhiều tài nguyên khoáng sản như sắt (1 mỏ, 7 điểm quặng), măng gan, nhôm (37 mỏ), đồng, chì, kẽm (2 mỏ), các điểm quặng bôxít, alít (20 mỏ) và các kim loại quí như vàng (35 mỏ), và các kim loại hiếm như thiếc, môlíp đen, thủy ngân, các loại khoáng sản cháy như than nâu, than bùn, đây là nguyên liệu chính cho nhà máy nhiệt điện Na Dương mới được khánh thành và đưa vào sử dụng.

Trên địa bàn tỉnh còn có các loại khoáng sản làm nguyên liệu hóa học và phân bón, khoáng sản dùng làm vật liệu xây dựng. Đây chính là nguồn tài nguyên vô cùng phong phú mà thiên nhiên ban tặng để những con người trên mảnh đất xứ Lạng có điều kiện khai thác, xây dựng quê hương ngày một giầu và đẹp.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo ở Lạng Sơn hiện nay docx (Trang 27 - 30)