1. Quan điểm, mục tiêu phát triển CSHT GTĐB vùng nông thôn TD-MNPB MNPB
1.1. Quan điểm phát triển CSHT GTĐB vùng nông thôn TD-MNPB
Phát triển CSHT GTĐB vùng nông thôn TD-MNPB là giải pháp quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH của các tỉnh trong vùng nói riêng và nền nông nghiệp Việt Nam nói chung. Trong chiến lược phát triển GTNT giai đoạn 2010 – 2020 được Đại hội X của Đảng thông qua đã xác định “Đẩy mạnh việc xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, ưu tiên cho các công trình trọng điểm phục vụ chung cho nền kinh tế, xây dựng một CSHT GTĐB thiết yếu ở nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tăng tỷ lệ đầu tư cho nông thôn và nông nghiệp, xây dựng và nâng cao CSHT”.
Gắn liền với chủ trương đó, các quan điểm về phát triển CSHT GTĐB vùng nông thôn TD-MNPB được thể hiện như sau:
Trước hết, CSHT GTĐB vùng nông thôn là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng KT-XH cần được đầu tư xây dựng trước một bước để tạo tiền đề thúc đẩy phát triển KT-XH, lưu thông, phân phối hàng hóa, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp CNH – HĐH nông nghiệp nông thôn đặc biệt ở vùng kinh tế khó khăn nhưng rất giàu tiềm năng như vùng TD-MNPB.
Thứ hai, phát triển CSHT GTĐB vùng nông thôn TD-MNPB phải gắn liền với các chương trình phát triển KT-XH nông thôn một cách toàn diện như xóa đói giảm nghèo, định canh định cư, phát triển các khu công nghiệp, khu sản xuất chế biến, các dịch vụ và các chương trình khác ở nông thôn. Đồng thời, cũng phải phù hợp với chiến lược phát triển KT-XH trên địa bàn từng tỉnh trong vùng nhằm tạo sự gắn kết, liên hoàn thông suốt từ mạng lưới giao
thông quốc gia đến đường tỉnh, đường huyện, đường xã thôn, giữa các tỉnh với nhau, kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với an ninh quốc phòng khu vực biên giới, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế đất nước và đi lại của người dân.
Thứ ba, phát triển CSHT GTĐB vùng nông thôn TD-MNPB nói riêng và cả nước nói chung là sự nghiệp của toàn dân, cần phải được xã hội hóa. Quán triệt và thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, dân làm là chính, nhà nước hỗ trợ”. Phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn vốn nước ngoài, huy động mọi nguồn lực từ nhân dân, từ các thành phần kinh tế và các nguồn vốn khác để phát triển CSHT GTĐB nông thôn. Thêm vào đó, phải sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư trong việc phân bổ, xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và duy trì hệ thống GTĐB vùng nông thôn TD- MNPB. Đối với đường huyện, đường liên xã và đường xã thì tỉnh và huyện làm là chính, nhà nước TW hỗ trợ bằng các dự án vốn vay. Đối với đường thôn bản, dân làm là chính, tỉnh và huyện hỗ trợ vật tư và kỹ thuật. Riêng đối với các tỉnh thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng kinh tế khó khăn trong địa bàn vùng nông thôn TD-MNPB thì nhà nước đầu tư bằng các chương trình, các dự án.
Thứ tư, ưu tiên phát triển giao thông tại các vùng sản xuất phát triển trong vùng nông thôn TD-MNPB nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện để các vùng thấp kém có cơ hội phát triển không để khoảng cách chênh lệch lớn giữa các tỉnh trong vùng. Phát triển giao thông ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng còn góp phần ổn định chính trị, giữ vững an ninh quốc phòng.
Thứ năm, phát huy lợi thế về địa lý và điều kiện tự nhiên của các tỉnh thuộc vùng nông thôn TD-MNPB để phát triển GTĐB, kết hợp giữa GTĐB
và giao thông đường thủy, giữa giao thông với thủy lợi, nông lâm nghiệp và các ngành kinh tế trên địa bàn.
Thứ sáu, áp dụng các kỹ thuật mới, các công nghệ tiên tiến và tận dụng sử dụng vật liệu tại chỗ nhằm giảm chi phí xây dựng các công trình, hạng mục thuộc GTĐB. Coi trọng phát triển nguồn lực nhằm cung cấp cho việc quản lý hệ thống GTĐB vùng nông thôn TD-MNPB. Xã hội hóa việc bảo vệ các công trình GTĐB, coi đó là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương và của người dân.
1.2. Các mục tiêu cụ thể
• Đến năm 2015
• Tập trung cải tạo nâng cấp mở rộng các tuyến đường tỉnh đạt được tiêu chuẩn cấp III - IV, thay thế hệ thống cầu yếu và cũ nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và đi lại của các tỉnh thuộc vùng nông thôn TD-MNPB.
• Tất cả các tuyến đường huyện đều đạt tiêu chuẩn cấp V – VI, đường liên xã, xã đạt tiêu chuẩn đường GTNT loại A trở lên, đường giao thông liên thôn bản và đường thôn bản đạt cấp A và B (tùy theo nhu cầu và điều kiện của từng địa phương).
• Nghiên cứu đưa vật liệu, công nghệ mới vào xây dựng các công trình GTĐB nông thôn trong vùng, từng bước cứng hóa mặt đường bằng thâm nhập nhựa, bê-tông hoặc các vật liệu khác. Phấn đấu đến năm 2015, toàn vùng đạt mục tiêu 100% các tuyến đường huyện đi lại được bốn mùa bằng ôtô với tỷ lệ 85 – 95% đường có mặt, trong đó 50 – 60% mặt đường nhựa và bê-tông, 35 – 45% mặt cấp phối. Đường liên xã và xã đạt 80 – 85% đường đi được bằng ôtô trong đó đường có mặt đạt 45 – 50%. Đường thôn bản đạt 30 – 45% đường có mặt trong đó có 30 – 45% đường ôtô đi được. Đạt 100% số xã có đường ôtô vào trung tâm đi lại bốn mùa.
• Xây dựng chương trình vĩnh cửu hóa cầu cống trên các tuyến đường GTĐB nông thôn vùng TD-MNPB. Ưu tiên xây mới, cải tạo hệ thống cầu ở các vị trí trọng yếu, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Các công trình thoát nước trên các tuyến đường bộ nông thôn trong vùng đạt vĩnh cửu 70 – 90% đối với đường huyện và 60 – 70% đối với đường xã và thôn bản.
• Xây dựng chương trình duy tu bảo dưỡng, nâng cao năng lực bảo trì đường bộ cho các địa phương thuộc vùng nông thôn TD-MNPB nhằm ngăn chặn tình trạng xuống cấp hệ thống GTĐB hiện có.
• Đẩy mạnh từng bước xây dựng đường vào các nông – lâm trường và phát triển giao thông nội đồng.
• Phát triển các loại phương tiện vận tải phù hợp với điều kiện cầu đường bộ nông thôn trong vùng. Sử dụng phương tiện vận tải công cộng xe khách từ 12 – 24 chỗ, xe tải trọng tải 1,5 – 5 tấn. Xây dựng và cải tạo các bến xe khách tại các huyện, các bến chờ tại trung tâm huyện, cụm xã.
• Tổ chức dịch vụ vận tải hành khách công cộng thuận lợi từ trung tâm huyện về các trung tâm cụm xã. Đồng thời, tổ chức các dịch vụ sửa chữa phương tiện vận tải tại các trung tâm huyện và các trung tâm kinh tế.
• Đến năm 2020
• Cải tạo và mở rộng toàn bộ các tuyến đường tỉnh đạt cấp III, cấp IV đảm bảo đáp ứng tốt sự phát triển kinh tế và phương tiện đi lại.
• Tiếp tục hoàn chỉnh toàn bộ mạng lưới CSHT GTĐB nông thôn đến cấp xã và mạng lưới đường giao thông liên thôn bản tạo thành mạng lưới giao thông liên thông giữa các vùng, các xã, bản. Bằng việc mở mới, mở rộng và nâng cấp đường. Từng bước hiện đại hóa mạng lưới CSHT GTĐB vùng nông thôn TD-MNPB.
• Các tuyến đường huyện đạt cấp V và 100% mặt đường được cứng hóa bằng thâm nhập nhựa hoặc bê-tông. Đường xã đạt đường cấp VI hoặc cấp
A và 90 – 100% mặt đường được cứng hóa, 100% thôn bản có thể tiếp cận được bằng phương tiện 4 bánh và 80 – 100% mặt đường thôn bản được cứng hóa bằng các loại vật liệu khác nhau, các tuyến đường đảm bảo cho phương tiện đi lại thông suốt bốn mùa.
• Các công trình cầu, cống, ngầm tràn và rãnh thoát nước tiếp tục được xây dựng kiên cố.
• Từng bước xây dựng các hộ lan, biển báo, gương cầu trên các tuyến đường GTNT tại các khu vực, và nhất là các tỉnh vùng cao, vùng sâu, vùng xa của vùng nông thôn TD-MNPB nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người dân khi tham gia giao thông.
• Đảm bảo có đầy đủ nguồn vốn cho duy trì việc duy tu bảo dưỡng thường xuyên đường bộ GTNT.
• Tổ chức khai thác vận tải khách công cộng đến cấp huyện, 100% các huyện và các cụm xã trong vùng có bến xe khách và bến chờ phục vụ người dân đi lại.
• Từng bước xây dựng mạng lưới GTĐB nông thôn phục vụ đồng thời cho phát triển sản xuất của các địa phương trong vùng.