3. Đánh giá chung về công tác huy động và sử dụng vốn đầu tư phát triển CSHT GTĐB vùng nông thôn TD-MNPB
3.2. Những vấn đề còn tồn tại và nguyên nhân
Những vấn đề còn tồn tại:
Trong thời gian qua, việc huy động và sử dụng vốn cho đầu tư phát triển CSHT GTĐB ở vùng nông thôn TD-MNPB tuy đã đạt được một số kết quả khả thi hơn nhưng vẫn còn nhiều mặt khó khăn và hạn chế:
• Trong giai đoạn 2000 – 2008, vốn đầu tư cho phát triển CSHT GTĐB vùng nông thôn TD-MNPB tăng lên đáng kể. Năm 2006 là 2.335,84 tỷ đồng, năm 2008 là 2.977,29 tỷ đồng. Cả giai đoạn 2006 – 2008, tổng số vốn đầu tư cho công trình GTĐB nông thôn đạt 8075,25 tỷ đồng bằng 19,96% tổng mức đầu tư các cùng kỳ giai đoạn 2000 – 2005. Tuy nhiên, số vốn thực tế huy động được cũng chỉ đáp ứng được 30 - 45% nhu cầu vốn đầu tư cho công tác xây dựng, sửa chữa nâng cấp và bảo trì hệ thống GTĐB trong vùng. Nguồn vốn chủ yếu lấy từ NSNN và NSĐP, chiếm tới 30 – 50%. Do đó, cần có những chính sách tích cực hơn nữa trong việc thu hút vốn đầu tư từ các nguồn khác.
• Số vốn huy động từ các nguồn đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp, liên doanh liên kết dưới các hình thức còn nhỏ bé. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hầu như là không có. Trong khi Nhà nước đã có những biện pháp khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài và tư nhân vào xây dựng CSHT GTĐB nông thôn nhưng do đặc điểm của đầu tư cho CSHT GTĐB nông thôn và hơn nữa lại là đầu tư ở khu vực mà điều kiện địa hình, khí hậu cũng như kinh tế khó khăn như vùng nông thôn TD-MNPB thì việc thu hút các nguồn vốn của doanh nghiệp nước ngoài và trong nước là một vấn đề rất hạn chế.
• Cơ cấu phân bổ, sử dụng vốn cho công tác đầu tư XDCB và duy tu, sửa chữa thường xuyên trong vùng còn bất hợp lý. Phần lớn số vốn tập trung cho các dự án xây dựng mới và cải tạo nâng cấp đường. Số kinh phí dành cho công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (giai đoạn 2004 – 2008 là 2,88% - một tỷ lệ quá nhỏ) so với tổng vốn đầu tư cho CSHT GTĐB của vùng nông thôn TD-MNPB. Do đó, việc duy tu, bảo dưỡng mới chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu thực tiễn đặt ra và từ đó ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả vốn đầu tư cho công tác xây dựng cũng như đẩy nhu cầu vốn dành cho cải tạo, nâng cấp đường bộ nông thôn của vùng ngày càng lên cao.
• Việc sử dụng vốn đầu tư của các địa phương trong vùng kém hiệu quả thể hiện ở nhiều mặt. Trước hết là dự án đầu tư thường duyệt thấp hơn nhưng trong quá trình xây dựng thường tăng lên cao làm cho công tác kế hoạch không chủ động được tình trạng thất thoát vốn trong quá trình quản lý đầu tư, trong bố trí kế hoạck thường vốn ít nhưng rất phân tán làm cho công trình đầu tư kéo dài, thời gian xây dựng lâu. Bên cạnh đó, trong nhiều năm gần đây, nhiều tỉnh trong vùng còn sử dụng nguồn vốn sai mục đích, thiếu tập trung, bắt các đơn vị thi công ứng trước vốn sau đó tỉnh đi xin hỗ trợ của TW để thanh toán làm phát sinh nhiều vốn do phải trả lãi xuất vốn vay và đầu tư không đủ kế hoạch. Tình trạng thất thoát vốn đầu tư trong xây dựng CSHT GTĐB của vùng nông thôn TD-MNPB còn xảy ra khá phổ biến. Thực tế tại các địa phương trong vùng cho thấy “Số vốn thất thoát trong xây dựng CSHT GTĐB nông thôn khoảng 15 – 20%”.
• Cơ chế, thủ tục hành chính của chính quyền địa phương còn quá phức tạp làm chậm tiến độ giải ngân cho các dự án.
• Ngoài ra, do đặc điểm của vùng nông thôn TD-MNPB là địa bàn hiểm trở, địa hình dốc, bị cắt ngang nên việc đi lại cũng như phát triển kinh tế hàng hóa nông thôn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, việc huy động vốn cho
CSHT GTNT vùng TD-MNPB bước đầu chỉ đáp ứng được về mặt xã hiệu còn hiệu quả kinh tế chưa thật cao.
Nguyên nhân của tình trạng trên
• Công tác quy hoạch xây dựng và kế hoạch hóa vốn đầu tư cho phát triển CSHT GTNT cả nước nói chung và CSHT GTĐB vùng nông thôn TD- MNPB nói riêng chưa được chú ý thỏa đáng. Sự yếu kém trong công tác quy hoạch, xây dựng dẫn đến công trình xây dựng xong nhưng hiệu quả sử dụng không cao hoặc phải đầu tư xây dựng bổ sung tốn kém chi phí. Do công tác kế hoạch hóa vốn đầu tư cho CSHT GTĐB vùng nông thôn TD-MNPB, đặc biệt là kế hoạch vốn dài hạn chưa được quan tâm đúng mức nên thiếu cơ sở tin cậy để xây dựng cơ chế huy động và sử dụng vốn từ các nguồn cho đầu tư xây dựng và bảo dưỡng hệ thống GTNT trong vùng một cách rõ ràng, ổn định.
• Do nhu cầu vốn đầu tư cho CSHT GTĐB nhất là ở vùng nông thôn khó khăn như vùng nông thôn TD-MNPB luôn cần số lượng lớn. Thêm vào đó, hệ thống đường bộ trong vùng cũng ở trong tình trạng yếu kém càng đẩy nhu cầu vốn đầu tư lên cao. Đây cũng là tình trạng chung của các vùng nông thôn khác trên cả nước.
• Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Khu vực nông thôn TD-MNPB chủ yếu là các tỉnh miền núi. Theo thống kế các năm cho thấy, ở vùng núi cao có mật độ hạn hán, lũ lụt, mưa đá, lốc xoáy cao hơn các vùng khác đe dọa đến chất lượng cũng như tiến độ xây dựng của các công trình GTNT cũng như cuộc sống của nhân dân vùng này. Điển hình như ở Lai Châu: từ năm 1991 tại đây năm nào cũng xảy ra lũ quét và nặng nhất là năm 1996 lũ quét đã tàn phá cả thị xã Lai Châu và thị trấn Mường Lay phá hủy hàng chục tuyến đường và cây cầu.
• Đầu tư của Nhà nước chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu để phát triển CSHT GTĐB vùng nông thôn TD-MNPB. Nhiều năm qua, khu vực nông thôn vùng TD-MNPB đặc biệt là khu vực các tỉnh miền núi được hưởng định mức chi tiêu hành chính sự nghiệp chưa bằng 1,6 – 2,4 lần so với đồng bằng, kế hoạch đầu tư cho các chương trình dự án tuy năm sau có tăng lên so với năm trước từ 1,3 – 2,3 lần nhưng điểm xuất phát của vùng nông thôn TD- MNPB thấp, nhu cầu đầu tư lớn nên đầu tư ở mức độ đó là chưa đủ điều kiện phát triển. Hàng năm, NSNN cấp vốn đầu tư chậm nên không thực hiện được đúng tiến độ công trình gây thất thoát trong quá trình đầu tư. Mặt khác, chưa ưu tiên vốn đầu tư nước ngoài cho đầu tư phát triển CSHT GTNT vùng núi.
• Trình độ quản lý và năng lực cán bộ địa phương trong vùng yếu kém. Đội ngũ cán bộ cơ sở trình độ văn hóa và chuyên môn thấp. Thêm vào đó, đội ngũ cán bộ quản lý GTNT lại mỏng, phương tiện, kỹ thuật phục vụ cho công tác quản lý hệ thống GTNT trong vùng lạc hậu, cũ kỹ.