Thẩm quyền của tỉnh uỷ hoặc tỉnh uỷ giao quyền cho ban thường vụ tỉnh uỷ về công tác tổ chức bộ máy được quy định khá rõ trong Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai.
Trên thực tế, các cơ quan HĐND và UBND không có thẩm quyền đối với việc thiết kế tổ chức bộ máy và lựa chọn cán bộ lãnh đạo các cơ quan trực thuộc của mình. Thẩm quyền này càng không thể thuộc về cá nhân Chủ tịch UBND.
Đối với cơ chế chính trị ở nước ta, các thẩm quyền mà đặc biệt là thẩm quyền về tổ chức bộ máy và cán bộ không thuộc quyền của cá nhân, kể cả bí thư cấp uỷ hay chủ tịch UBND. Trong nhiều năm qua, Trung ương Đảng đã đặt vấn đề nghiên cứu để có thể tăng thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức và người đứng đầu tổ chức sử dụng cán bộ đối với công tác cán bộ, nhưng cho đến nay vẫn chưa có được những văn bản quy định cụ thể, rõ ràng và thực sự hiệu lực trên thực tế. Về mặt pháp lý, chủ tịch UBND có các thẩm quyền riêng về công tác cán bộ, nhưng quyền thực tế chỉ có được khi với tư cách là bí thư ban cán sự đảng UBND tỉnh và cũng trong phạm vi do ban thường vụ tỉnh uỷ uỷ quyền. Ngoài những nguyên tắc chung, ban thường vụ tỉnh uỷ uỷ quyền cho ban cán sự đảng UBND tỉnh quyết định việc tổ chức quản lý, sử dụng cán bộ, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật cán bộ trong phạm vị phụ trách; đề nghị ban thường vụ về quy hoạch, bố trí, phân công công tác, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, cho nghỉ hưu và thực hiện chính sách cán bộ trong bộ máy Nhà nước thuộc quyền trực tiếp quyết định của ban thường vụ, nhân sự chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố. Các văn bản hiện hành của Tỉnh uỷ Đồng Nai đều xác lập thẩm quyền của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đối với các chức danh: Ủy viên ban thường vụ tỉnh uỷ, uỷ viên ban chấp hành đảng bộ tỉnh; chủ nhiệm, phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy; phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND tỉnh; bí thư, phó bí thư đảng đoàn, ban cán sự đảng; trưởng, phó các ban đảng và Văn phòng Tỉnh uỷ; Chủ tịch, phó Chủ tịch Mặt trận; cấp trưởng, cấp phó trong ban chấp hành các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh; bí thư, phó bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh; giám đốc, phó giám đốc các sở, ban, ngành và tương đương; giám đốc doanh nghiệp nhà nước trực thuộc tỉnh; cấp trưởng, cấp phó Trường Chính trị tỉnh, Báo Đồng Nai; bí thư, phó bí thư, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra các đảng bộ trực thuộc tỉnh; bí thư, phó bí thư, ủy viên thường vụ huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ, đảng ủy trực thuộc; chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện.
Ngoài các chức danh được nêu trên, các chức danh cán bộ, công chức khác trong các cơ quan nhà nước lại nằm ngoài thẩm quyền của chủ tịch UBND tỉnh. Như vậy, quyền về công tác cán bộ của chủ tịch UBND tỉnh là không thực, không đầy đủ. Xét cho cùng, chủ tịch UBND tỉnh chỉ có quyền của một thành viên (trong ban cán sự đảng UBND tỉnh
với tư cách là người đứng đầu và là thành viên ban thường vụ tỉnh uỷ khi biểu quyết của ban thường vụ tỉnh uỷ).
Trên cơ sở đề xuất từ tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ, cơ quan tổ chức tỉnh uỷ tham mưu giúp cho tỉnh uỷ và ban thường vụ tỉnh uỷ quyết định về quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ. Ngoại trừ một số chức danh có tính nghiệp vụ chuyên môn sâu, thủ trưởng một ngành là ai không phụ thuộc vào quyết định của chủ tịch UBND tỉnh và tương tự như vậy, phó trưởng ngành là ai, thủ trưởng đơn vị không phải là người quyết định cuối cùng.
Ở Đồng Nai, tuy có những quy định khá rõ về phân cấp quản lý, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ (gần đây nhất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành các quyết định số 302-QĐ/TU, 303-QĐ/TU cùng ngày 12/3/2008) nhưng trong thực tế có những vấn đề khá nhạy cảm xảy ra trong công tác cán bộ. Ở đâu đó, vẫn còn hiện tượng phân biệt và cục bộ địa phương, “con ông cháu cha”,… trong chính sách bố trí cán bộ. Nên thực tế có những cán bộ không đủ năng lực vẫn được đề bạt, bổ nhiệm, từ đó kéo theo tình trạng chạy bằng cấp,...