Nội dung lãnh đạo của Tỉnh uỷ đối với HĐND và Uỷ ban nhân dân tỉnh

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Sự lãnh đạo của Tỉnh ủy đối với tổ chức và hoạt động của docx (Trang 27 - 31)

Để lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của cả nước, Trung ương Đảng đề ra đường lối, chủ trương, chính sách lớn và chỉ đạo hệ thống tổ chức đảng trong các cơ quan nhà nước cụ thể hoá thành các văn bản pháp luật. Đối với các Tỉnh ủy, tương tự như vậy, tỉnh uỷ xác lập các chủ trương để lãnh đạo địa phương mình.

+ Tỉnh ủy cụ thể hóa đường lối của Đảng đưa ra những chủ trương tại địa phương làm cơ sở cho HĐND và UBND hoạt động

Thông thường, chủ trương được thể hiện trong các văn bản của đảng bộ, tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ với mỗi thể loại nhất định, từ nghị quyết đại hội, nghị quyết hội nghị (còn có tên khác là chương trình hành động), chỉ thị, kế hoạch, thông tri, công văn chỉ đạo...

Trong thực tế, những năm qua, các tỉnh uỷ đã rất quan tâm đến việc xác định các chủ trương lãnh đạo. Trên cơ sở đường lối của Đảng, luật pháp của Nhà nước và tình hình thực tiễn của địa phương, tỉnh uỷ đã xây dựng những chủ trương thích hợp. Trong đảng bộ tỉnh, có ba cấp độ quyền lực tương ứng với ba cơ quan ban hành văn bản: nghị quyết của đại hội đại biểu; nghị quyết, quyết định, kết luận, quy định, thông cáo… của tỉnh uỷ; nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kết luận, quy định, thông tri, hướng dẫn, thông báo…của ban thường vụ tỉnh uỷ và ngoài ra, các cơ quan nói trên được quyền ban hành các thể loại văn bản như: kế hoạch, quy hoạch, chương trình, đề án, công văn…

Cũng như các đảng bộ khác trên cả nước, Tỉnh uỷ Đồng Nai đã đầu tư nhiều cho việc xây dựng nghị quyết nhiệm kỳ, các chương trình, dự án lớn giải quyết những vấn đề có yêu cầu bức xúc của địa phương. Khi xét thấy tính chất quan trọng của vấn đề, tỉnh uỷ thành lập một tiểu ban để chuẩn bị cho các quyết sách này. Tỉnh uỷ cũng chú ý nhiều hơn trong việc cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về các lĩnh vực theo chương trình toàn khóa. Đối với loại văn bản này, Tỉnh uỷ giao cho cơ quan chuyên ngành chủ trì hoặc trực tiếp dự thảo, văn phòng tỉnh uỷ tham gia quá trình chuẩn bị và thẩm định giúp cho tỉnh uỷ (ban thường vụ tỉnh uỷ) ban hành.

Nhìn chung, các chủ trương của tỉnh uỷ đều phù hợp với đường lối của Đảng, luật pháp Nhà nước, quy định của Chính phủ. Tỉnh uỷ đã cụ thể hóa đường lối, chính sách, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Trung ương mà nhất là việc lấy phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm…thành các chủ trương cụ thể đáp ứng được đòi hỏi của địa phương và đó là tiền đề quan trọng để lãnh đạo chính quyền, xây dựng cơ quan nhà nước trong sạch, vững mạnh, giáo dục đội ngũ cán bộ, công chức tận tụy phục vụ nhân dân góp phần tạo nên bức tranh sáng của từng địa phương và cả nước.

+ Tỉnh ủy lãnh đạo công tác cán bộ và trực tiếp quản lý đội ngũ cán bộ của HĐND và UBND.

Bộ máy nhà nước hoạt động có hiệu quả hay không phần lớn dựa phần lớn vào hệ thống tổ chức và đội ngũ cán bộ. Ở nước ta, đảng cộng sản là người lãnh đạo nhà nước, thực hiện sự lãnh đạo trong điều kiện đảng cầm quyền thì việc nắm chắc công tác cán bộ của bộ máy nhà nước là một trong những nội dung quan trọng trong sự lãnh đạo của Đảng. Nội dung Đảng lãnh đạo Nhà nước trong công tác cán bộ thể hiện ở các vấn đề chủ yếu sau:

Thứ nhất, Đảng đưa ra quan điểm, đường lối về xây dựng, sắp xếp, giáo dục, đào tạo, đãi ngộ cán bộ trong bộ máy nhà nước. Đảng xác định tiêu chuẩn, yêu cầu về sử dụng, đánh giá, lựa chọn, đề bạt, kiểm tra cán bộ. Đảng thống nhất lãnh đạo về quan điểm, đường lối trong công tác cán bộ, bảo đảm cho những tư tưởng chỉ đạo đó được nhận thức, quán triệt, chấp hành trong công tác cán bộ ở mọi cấp, ngành, địa phương cả nước.

Thứ hai, Đảng thực hiện việc xây dựng quy hoạch, lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo và quản lý chủ chốt trong bộ máy chính quyền theo đúng các nguyên tắc và thủ tục pháp luật. Đảng chủ trì việc phân bổ, điều chỉnh cán bộ giữa các cơ quan trung ương, giữa trung ương và địa phương để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trong mỗi giai đoạn cách mạng. Trong công việc này, cấp ủy các cấp của Đảng chỉ quản lý chắc số cán bộ chủ chốt trong cơ quan nhà nước của cấp mình trên những quyết định quan trọng. Nghị quyết Đại hội IX của Đảng chỉ rõ: “Thực hiện đúng nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ”.

Thứ ba, Đảng giáo dục, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong bộ máy nhà nước về mặt lý luận chính trị nhằm nâng cao phẩm chất đạo đức, bản lĩnh, tầm nhìn đáp ứng những nhiệm vụ được giao.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước phải gắn liền với việc đổi mới công tác tổ chức và cán bộ.

Tỉnh uỷ luôn chú trọng lãnh đạo kiện toàn HĐND đồng bộ về tổ chức và nhân sự. Tại các kỳ bầu cử đại biểu HĐND, Tỉnh uỷ có văn bản chỉ đạo khá cụ thể về yêu cầu, nội dung công việc. Ví dụ như cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009 của tỉnh Đồng Nai, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã yêu cầu các cấp uỷ thông qua cuộc bầu cử mà tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của HĐND và chính quyền các cấp ở địa phương, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Về nhân sự: Thứ nhất, tỉnh uỷ luôn giữ quyền giới thiệu và xét duyệt các nhân sự ứng cử đại biểu HĐND. Xem xét và cử cán bộ, đảng viên đại diện cho đảng bộ ứng cử đại biểu HĐND để giữ các chức vụ của Thường trực HĐND, các ban của HĐND, các thành viên Uỷ ban nhân dân. Thứ hai, giới thiệu cán bộ chủ chốt của cấp uỷ ứng cử các chức danh chủ chốt của HĐND. Trên cơ sở nghị quyết và hướng dẫn của Trung ương, cấp uỷ giới thiệu bí thư hoặc phó bí thư thường trực ứng cử chức vụ Chủ tịch HĐND; giới thiệu Uỷ viên ban thường vụ hoặc cấp uỷ viên ứng cử chức vụ Phó Chủ tịch HĐND; giới thiệu Uỷ viên ban thường vụ, cấp uỷ viên hoặc cán bộ trong diện ban thường vụ tỉnh uỷ quản lý ứng cử Uỷ viên Thường trực và các ban HĐND.

Cùng với việc lựa chọn nhân sự, tỉnh uỷ tiến hành thành lập tổ chức đảng trong HĐND tỉnh. Việc thành lập đảng đoàn HĐND là theo quy định thống nhất trong Đảng.

Thành phần đảng đoàn HĐND gồm có: bí thư tỉnh uỷ (hoặc Phó Bí thư Tỉnh ủy), chủ tịch HĐND tỉnh, giữ chức bí thư; phó chủ tịch HĐND tỉnh, giữ chức phó bí thư; chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, uỷ viên Thường trực HĐND tỉnh, các trưởng ban HĐND tỉnh, thành viên. Chức năng, nhiệm vụ của đảng đoàn cũng được xác định là: “lãnh đạo, thuyết phục các thành viên trong tổ chức thực hiện đường lối chính sách của Đảng; liên hệ mật thiết với nhân dân; đề xuất với cấp uỷ về phương hướng, nhiệm vụ, tổ chức, cán bộ và quyết định theo thẩm

quyền; kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng” [19, tr.64].

UBND tỉnh gồm chủ tịch, các phó chủ tịch và ủy viên. Chủ tịch UBND là đại biểu HĐND, các thành viên khác không nhất thiết phải là đại biểu HĐND. Tỉnh ủy rất xem trọng cơ cấu tổ chức, nhân sự các thành viên UBND tỉnh, chú ý lựa chọn các nhân sự chủ chốt của UBND. Theo quy định trong Đảng, nhân sự ứng cử Chủ tịch UBND phải do Tỉnh ủy xem xét giới thiệu (Tỉnh ủy phải báo cáo và có sự đồng ý của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng thì mới chính thức giới thiệu đến HĐND). Tỉnh ủy giao Ban thường vụ Tỉnh ủy xem xét giới thiệu một số Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Tỉnh ủy viên ứng cử các chức danh phó chủ tịch và ủy viên UBND tỉnh.

+ Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra, giám sát tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND theo đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Trong tình hình mới hiện nay, công tác kiểm tra ngày càng được Đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều đổi mới trong lãnh đạo công tác kiểm tra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Đại hội X của Đảng đã giao thêm chức năng giám sát cho Ủy ban kiểm tra các cấp.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh uỷ xây dựng chương trình (kế hoạch) kiểm tra, giám sát của nhiệm kỳ đối với chính quyền (ban cán sự đảng, đảng đoàn HĐND và UBND tỉnh). Tỉnh ủy tập trung vào việc xem xét về mặt quan điểm, phương hướng chính trị, bảo đảm thực hiện đúng đường lối của Đảng, pháp luật nhà nước. Nội dung kiểm tra, giám sát hướng vào việc quán triệt, cụ thể hóa và lãnh đạo thực hiện các nghị quyết hội nghị Trung ương, các nghị quyết hội nghị của tỉnh uỷ; việc chấp hành chính sách pháp luật của nhà nước. Thông qua kiểm tra, Tỉnh ủy kịp thời phát hiện những thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước của HĐND và UBND tỉnh, cũng như những sai lầm trong chủ trương, đường lối do mình đề ra và có biện pháp khắc phục.

Việc kiểm tra của Đảng không trùng lắp với thanh tra, giám sát của nhà nước. Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo HĐND và UBND tỉnh thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, mới đây Trung ương Đảng cũng đang nghiên cứu xem xét việc sáp nhập bộ máy cơ quan kiểm tra của Đảng và thanh tra nhà nước làm một (Ủy ban kiểm tra Trung ương đã tiến hành khảo sát ở một số địa phương). Việc kiểm tra của Đảng

được tiến hành chủ yếu thông qua các đảng viên và tổ chức đảng. Đảng đứng về phía quần chúng nhân dân, lãnh đạo nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát các hoạt động của chính quyền địa phương. Qua đó, phát hiện những vấn đề và kiến nghị với nhà nước những giải pháp uốn nắn lệch lạc trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước của cán bộ, công chức HĐND, UBND tỉnh.

Trong Quy chế làm việc của BCH Đảng bộ tỉnh hiện hành Đồng Nai có quy định rõ: hoạt động của HĐND và UBND tỉnh đảm bảo theo Hiến pháp, pháp luật của nhà nước. Có trách nhiệm cụ thể hóa nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và của cấp trên để tổ chức chỉ đạo thực hiện.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Sự lãnh đạo của Tỉnh ủy đối với tổ chức và hoạt động của docx (Trang 27 - 31)