- Về hoạt động kiểm tra.
2.2.3.2. Về xây dựng chủ trương của cấp uỷ
Một trong những nội dung quan trọng thuộc chức năng lãnh đạo là đề ra chủ trương. Có được những chủ trương đúng là cơ sở cho cơ quan nhà nước ban hành văn bản quản lý xã hội. Chủ trương của cấp uỷ là sự cụ thể hóa, dựa vào chủ trương của cấp trên và thực tiễn địa phương nhưng phải tạo tính chủ động cho chính quyền, tránh lặp lại Nghị quyết của Tung ương. Khác với Trung ương, tỉnh uỷ chỉ có quyền “vận dụng” trong thẩm quyền và khác với cơ quan nhà nước, cấp ủy không ban hành văn bản quy phạm cụ thể. Tinh thần chung là, cấp uỷ lãnh đạo về chủ trương, định hướng lớn. Các văn bản của cấp uỷ, nhất là nghị quyết của cấp uỷ chỉ nên xác định quan điểm mục tiêu của vấn đề mà cấp uỷ quan tâm, còn hình thức gì, biện pháp nào hãy để cho HĐND lựa chọn quyết định. Chỉ khi tuân thủ phương hướng này thì sinh hoạt của HĐND mới thật sự phát huy được trí tuệ, thực hiện dân chủ, không khí sinh động, khắc phục tính hình thức. Đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tỉnh uỷ cần lựa chọn vấn đề thật cần thiết mới ban hành. Vấn đề cần thiết là những vấn đề đang và sẽ là nhu cầu cơ bản, bức bách của nhân dân và trong tổ chức đảng còn có ý kiến khác nhau, đòi hỏi phải có tiếng nói chung, hành động thống nhất. Trong tình hình phát triển hiện nay, nhiều địa phương đang đứng trước các vấn đề “nan giải” như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, kết cấu hạ tấng, phát triển công nghiệp, đô thị, nhà ở, môi trường, học hành, chữa bệnh, chất lượng cán bộ, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, công tác vận động quần chúng, đời sống dân chủ, văn hoá... cần được lựa chọn để “đột phá”. Thông thường, chương trình hành động năm của tỉnh uỷ (thực chất là nghị quyết năm của tỉnh uỷ) đề cập tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng nhà nước, xây dựng các đoàn thể và xây dựng Đảng. Trong đó, phần kinh tế - xã hội chiếm hai phần ba nghị quyết,
trong khi các nội dung của phần này được Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch vào tháng 9 của năm trước như chỉ đạo của Chính phủ về thời gian xây dựng kế hoạch. Vì vậy, nghị quyết của tỉnh uỷ chỉ nên nêu các mục tiêu cần phấn đấu, thể hiện sự quyết tâm của toàn đảng bộ, xác định một số giải pháp có tính "gai góc", tính đột phá, còn lại những công việc cụ thể nên giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh xác lập trong kế hoạch. Những vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội trở thành nhiệm vụ thường xuyên thì không cần phải ban hành văn bản chỉ đạo. Nếu thấy có yêu cầu, tỉnh uỷ chỉ đạo cho cơ quan chức năng (chủ yếu là Uỷ ban nhân dân tỉnh) tiến hành họp sơ kết, xác định vấn đề cần tập trung cho một giai đoạn, hết sức tránh việc nêu chung chung, tràn lan.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khoá VII đã từng lưu ý: "cấp uỷ và tổ chức đảng chỉ ra nghị quyết khi thấy thật cần thiết và lựa chọn đúng vấn đề. Những điều đã nói nhiều, đã quyết định chỉ cần chỉ đạo thực hiện cho bằng được" [14, tr.54].