Phát triển thị trường sản phẩm làng nghề

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Giải pháp phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An ppt (Trang 72 - 76)

- Hệ thống các cơ sở dạy nghề chủ yếu tập trung ở thành phố, thị xã và các huyện đồng bằng Các cơ sở dạy nghề ở các huyện đầu tư cơ sở vật chất còn hạn chế, thiếu

3.2.2. Phát triển thị trường sản phẩm làng nghề

Thị trường là một yếu tố cơ bản để phát triển sản xuất, quyết định sự phát triển các làng nghề. Giải pháp chung là phải đào tạo và nâng cao những kiến thức và kỹ năng hoạt động thị trường, cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; tăng cường khả năng tiếp cận và mở rộng thị trường trong nước và thị trường nước ngoài thông qua hình thức quảng cáo, triển lãm, hội trợ trong nước và quốc tế; tổ chức nghiên cứu, nắm bắt và cung cấp thông tin

về thị trường như các thông tin hàng hoá, chất lượng và giá cả hàng hoá, khách hàng và điều kiện mua bán của khách hàng, phương thức mua bán và thị hiếu người tiêu dùng. Việc nghiên cứu và dự báo thị truờng cũng phải được coi trọng, nhất là những dự báo dài hạn và trung hạn đối với các loại sản phẩm. Điều này không chỉ có ý nghĩa đối với người sản xuất trong việc xác định chiến lược kinh doanh thích ứng, mà còn có ý nghĩa đối với các ngành các cấp khi xây dựng kế hoạch và chính sách kinh tế vĩ mô. Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh tăng cường cung cấp các thông tin về thị trường, hỗ trợ các cơ sở sản xuất tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh và các ngành cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ đối với những sản phẩm được khuyến khích phát triển và đang ở trong thời gian mới tiếp cận thị trường, nhằm hỗ trợ cho các sản phẩm đó vươn lên đứng vững trên thị trường, đồng thời khắc phục rủi ro đối với những người sản xuất khi có sự cố xảy ra. Khuyến khích và phát triển các quan hệ liên kết giữa các cơ sở sản xuất trong làng nghề với nhau, giữa các cơ sở sản xuất của làng nghề đối với các doanh nghiệp ở đô thị hoặc ở các vùng khác, với các tổ chức xúc tiến thương mại, nhằm làm tăng sức mạnh thị trường, tạo ra một hệ thống hoàn chỉnh từ cung cấp nguyên, vật liệu đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm được thị trường chấp nhận.

Để giải quyết tốt vấn đề thị trường phải có những giải pháp từ cả 2 phía, phía các làng nghề và các doanh nghiệp, phía Nhà nước.

* Về phía các làng nghề, các doanh nghiệp:

- Nghiên cứu, cải tiến mẫu mã, bao bì, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, khẳng định vị trí và uy tín sản phẩm trên thị trường. Thực tế cho thấy một số sản phẩm làng nghề của Nghệ An chất lượng tốt nhưng mẫu mã, bao bì kém, sản phẩm chưa đa dạng, chưa có thương hiệu nên không cạnh tranh được các sản phẩm cùng loại của các tỉnh khác trên thị trường. Chẳng hạn nước mắm làng nghề Phú Lợi, Quỳnh Dị ngon nổi tiếng nhưng màu sắc kém, mẫu mã kém, bao bì, nhãn hiệu đơn giản, chủ yếu đóng vào các can nhựa các loại từ 0,5 lít đến 20 lít, do đó giá bán rẻ.

- Tổ chức tiếp thị thông qua thị trường du lịch. Đây là thị trường có tiềm năng lớn của tỉnh. Lâu nay các làng nghề, các doanh nghiệp của Nghệ An chưa quan tâm đến thị trường này, để cho sản phẩm từ khác tỉnh lấn át.

- Tích cực tham gia các hội chợ trong tỉnh, trong nước. Đây là một biện pháp quảng cáo, chào hàng rất hiệu quả.

- Tích cực tìm kiếm thị trường mới, khách hàng mới. Sản phẩm mây tre đan xuất khẩu hiện nay thị trường rất lớn. Trong lúc các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa có đủ điều kiện xuất khẩu trực tiếp, cần phải tìm kiếm thêm các cơ sở xuất khẩu lớn, đảm bảo việc làm thường xuyên cho các làng nghề.

- Thành lập các hiệp hội theo ngành, nghề để giúp đỡ nhau về sản xuất kinh doanh, thiết lập các quan hệ với các doanh nghiệp.

- Các doanh nghiệp cần tổ chức bộ phận nghiên cứu thị trường để nắm được thông tin nhanh nhất, chính xác nhất về thị trường đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Chú ý nghiên cứu khai thác thị trường "ngách", phát triển quan hệ gia công cho các doanh nghiệp lớn. Tham gia giới thiệu trên các trang web của tỉnh. Các doanh nghiệp cần phải thường xuyên cập nhật được với những thông tin mới nhất trên thị trường thế giới; chủ động tìm hiểu nhu cầu thị trường thế giới. Ngày nay mạng lưới thông tin giữa Việt Nam và quốc tế đã thông suốt. Các doanh nghiệp cần nhanh chóng thúc đẩy phát triển thương mại làm ăn buôn bán qua mạng toàn cầu internet, bởi đây là phương thức giao dịch ngày càng phổ biến và được ưa chuộng trên thế giới. Sản phẩm làng nghề, nhất là sản phẩm TCMN không phải là những mặt hàng thiết yếu và cấp bách, vì vậy không làm tốt công tác tiếp thị và chào bán hàng hoá thì khách hàng sẽ không thể có đủ những thông tin và hiểu biết cần thiết. Hiện nay có rất nhiều cách chào bán hàng hoá. Các doanh nghiệp phải làm công tác này một cách chủ động, thường xuyên và tổ chức. Doanh nghiệp phải đầu tư làm catalogue cũng như các mẫu hàng hoá để chào hàng và thường xuyên phải bổ sung những mặt hàng mới.

- Tổ chức điểm trưng bày giới thiệu và bán hàng hóa tại nơi sản xuất, hình thành khu vực bán hàng riêng cho từng loại sản phẩm tại làng nghề.

- Hình thành phường, hội, HTX. Các HTX có tư cách pháp nhân có thể giao dịch với các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, quan hệ với các hiệp hội, các tổ chức xúc tiến

thương mại để quảng bá sản phẩm của làng nghề. HTX có thể liên kết với các doanh nghiệp, hợp đồng gia công và đóng vai trò vệ tinh cho các doanh nghiệp này.

* Về phía UBND tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh

- Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các làng nghề, các cơ sở sản xuất làng nghề tiếp cận, tìm kiếm, khai thác mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tạo các cơ hội giao lưu thương mại.

- Hướng dẫn các làng nghề, ngành nghề lập hiệp hội ngành nghề để tăng sức cạnh tranh, hỗ trợ trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.

- Tăng cường việc tổ chức các giao lưu văn hoá- thương mại giữa các cơ sở sản xuất, làng nghề trong tỉnh, trong khu vực và các tỉnh khác với nhiều hình thức phong phú như: tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm, trình diễn kỹ thuật chế tác sản phẩm, hội chợ triển lãm TCMN, trình bày giới thiệu các sản phẩm thủ công.

- Tăng cường tổ chức hội chợ. Hàng năm dành một phần ngân sách cho hoạt động này. Các huyện, thị nên dành vị trí thuận lợi để tổ chức các trung tâm, các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm của các ngành nghề.

- Tổ chức thông tin, dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm. Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành và các đơn vị sản xuất để có biện pháp cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc về thị trường. Ngày nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, các thông tin về làng nghề được thông tin rộng rãi trên các trang web. Nhiều tỉnh, huyện, các làng nghề, hiệp hội làng nghề, doanh nghiệp đã xây dựng các trang web về làng nghề riêng, hoặc dành lượng thông tin lớn về làng nghề trên trang web như www.dongnai.gov.vn/ của Đồng Nai, chaukhe.com/ của Hiệp hội vàng bạc làng nghề Châu Khê; www.thangbinh.gov của huyện Thăng Bình, Quảng Nam... Nhất là www.baohatay.vn của tỉnh Hà Tây và www.hatay.gov.vn báo điện tử Hà Tây phản ánh rất nhiều hoạt động của các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Cục Xúc tiến Thương mại cũng đã xây dựng trang web giới thiệu về sản phẩm và làng nghề Việt Nam www.vietnam.ovop.com. ở Nghệ An đã có trang www.baonghean.vn của tỉnh và báo điện tử Nghệ An www.baonghean.vn nhưng thông tin về làng nghề rất ít. Cần tăng cường thông tin về các làng nghề trên các trang thông tin điện từ này và dần dần xây dựng trang web riêng về làng nghề của tỉnh.

- Tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm ở các làng nghề, thông qua đó giúp cho các cơ sở sản xuất cải tiến công tác quản lý chất lượng sản phẩm, cải tiến công tác điều hành, nâng cao chất lượng, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững cho các làng nghề.

- Tổ chức các hoạt động khảo sát, nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước đối với sản phẩm làng nghề, đặc biệt các sản phẩm thủ công truyền thống.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Giải pháp phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An ppt (Trang 72 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)