- Hệ thống các cơ sở dạy nghề chủ yếu tập trung ở thành phố, thị xã và các huyện đồng bằng Các cơ sở dạy nghề ở các huyện đầu tư cơ sở vật chất còn hạn chế, thiếu
3.2.1.4. Đảm bảo đủ nguồn vốn
Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề toàn tỉnh giai đoạn 2008 - 2020 dự kiến là 18.461,8 tỷ đồng. Trong đó vốn để bảo tồn, phát triển làng nghề 46,8 tỷ đồng (2008-2010 là 7,5 tỷ; 2011-2015 là 18 tỷ; 2016-2020 là 21,3 tỷ), chiếm 0,25 %. Đây là tỷ lệ quá nhỏ. Tuy vậy trong điều kiện ngân sách của tỉnh có hạn và còn phải chi dùng cho các mục tiêu khác thì để huy động được nguồn vốn đó là sự cố gắng của tỉnh. Do đó phải có giải pháp huy động thêm các nguồn vốn khác đảm bảo cho phát triển làng nghề.
Dự kiến nguồn ngân sách chiếm 10 - 12% tổng nhu cầu cho phát triển làng nghề. Ngoài nguồn vốn ngân sách huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp và trong nhân dân (khoảng 40 - 45%); nguồn vốn vay, bao gồm các nguồn vay ưu đãi phát triển từ các chương trình như hỗ trợ giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, nguồn vốn ODA, FDI và nguồn vốn vay tín dụng (khoảng 40 - 45%). Do đó phải có các giải pháp sử dụng có hiệu quản nguồn vốn. Đối với nguồn vốn từ ngân sách, chủ yếu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hoạt động khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hoạt động xúc tiến thương mại; tổ chức các hoạt động khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư; hỗ trợ xây dựng các mô hình trong phát triển làng nghề.
Để huy động được các nguồn vốn ngoài vốn ngân sách, cần thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng trong đầu tư, tạo môi trường tài chính tin cậy, đa dạng hóa các hoạt động tín dụng nhân dân. Đối với các nguồn vốn vay FDI, ODA cần thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan đến đầu tư, đồng thời cải cách các thủ tục hành chính và có các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài.
Đối với các cơ sở sản xuất, các hộ trong các làng nghề, do đặc thù của ngành nghề, nhu cầu về vốn không lớn như một số ngành nghề sản xuất khác, song nó vẫn có một vai trò hết sức quan trọng vì đó là yếu tố vật chất có ý nghĩa quyết định của quá trình sản xuất. Có thể tập trung vào một số giải pháp chính sau:
- Thực hiện đa dạng hoá các hình thức huy động vốn, như vốn tự có trong dân, từ hệ thống ngân hàng, từ ngân sách nhà nước trung ương và địa phương, từ thị trường tài chính phi chính thức, v.v… Trong điều kiện hiện nay, nguồn vốn tự có và huy động từ trong dân là rất quan trọng. Tuy nhiên việc huy động vốn từ trong dân là chưa được nhiều. Một hình thức huy động vốn cần được khuyến khích, đó là hình thức liên kết kinh tế. Hình thức này được phát triển trên cơ sở phân công hiệp tác lao động và chuyên môn hoá sản xuất. Nó được coi là một giải pháp hữu hiệu không chỉ nhằm giải quyết vấn đề vốn thông qua việc cung ứng nguyên, vật liệu hoặc ứng vốn trước cho người sản xuất làm hàng gia công v.v… mà còn nhằm khai thác lợi thế lẫn nhau giữa các bên tham gia liên kết.