- Hệ thống các cơ sở dạy nghề chủ yếu tập trung ở thành phố, thị xã và các huyện đồng bằng Các cơ sở dạy nghề ở các huyện đầu tư cơ sở vật chất còn hạn chế, thiếu
2.1.2. Lịch sử phát triển nghề và làng nghề ở Nghệ An
Theo các tài liệu khảo cổ học, nghề thủ công ở Nghệ An ra đời từ rất sớm. Thời kỳ văn hoá Bắc Sơn cách đây khoảng 5.000 năm, ở Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) người ta đã biết sản xuất đồ gốm với nhiều loại sản phẩm đẹp. Thời kỳ văn hoá Bàu Tró cách đây khoảng 4.000 năm, tại Trại ổi (Quỳnh Hồng, Quỳnh Lưu) đã có nghề mài đá (phổ biến là rìu đá), đồ gốm, làm đồ đồng,... Nghề gốm đã đạt tới một trình độ cao, sản phẩm đã có hoa văn chải, hoa văn in chấm dày đặc, hoa văn vạch, kết hợp với hoa văn chấm rải,... giống với đồ gốm ở Gò Bông (lưu vực sông Hồng). ở Rú Trăn, Rú Cật (Nam Đàn) đã làm đồ đồng như lưỡi cày, lưỡi cuốc, lưỡi rìu và mũi nhọn [33, tr.19-21]
Thời kỳ Vua Hùng, tại Nghệ An có di chỉ Làng Vạc (Nghĩa Tiến, Nghĩa Đàn), Đồng Mỏm (Nho Lâm, Diễn Châu). Tại Làng Vạc và một số di chỉ khác người ta tìm thấy cong đựng thóc, lưỡi cuốc, lưỡi rìu xéo, sanh, thạp, thố, âu, chậu, môi, dao găm, giáo, mũi lao, mũi tên, đồ trang sức (khuyên tai, vòng đeo tay, vòng ống đeo tay và đeo chân,...) khoá thắt lưng bằng đồng, trống đồng lớn và đẹp. Nghề luyện sắt và chế tạo sắt khá nổi tiếng ở Nho Lâm (Diễn Châu) với các công cụ và vũ khí như dao, thuổng, đinh, kiếm,... Các nghề khác như dệt, làm đồ mỹ nghệ, đồ trang sức,... cũng ra đời và phát triển sớm.
Dưới thời Bắc thuộc, các nghề tiếp tục phát triển. Nghề sắt ở Nho Lâm, nghề đúc đồng ở Bố Đức (Nam Đàn), Cồn Cát (nay thuộc xã Diễn Tháp, Diễn Châu). Nghề gốm
không chỉ phát triển ở các làng Bộng Vẹo (Yên Thành), làng Trù ú (Đô Lương) mà lan toả ra nhiều nơi khác. Nồi đất ở Nghệ An đã được bán ra các tỉnh và ra cả nước ngoài. Nghề kéo vải, dệt vải, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, đan lát, nghề mộc, nề... phổ biến nhiều nơi.
Thời kỳ xây dựng nền độc lập, tự chủ của dân tộc các nghề thủ công được phát triển mạnh hơn. Nghề luyện sắt ở Nho Lâm có đến 400 lò với hàng nghìn thợ. Nghề gốm phát triển sang cả Trường Sơn, lên cả bản Ang (Tương Dương). Nghề trồng bông, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải, dệt tơ lụa phát triển và hình hành nên các làng nghề dệt. ở Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) còn du nhập được kỹ thuật dệt tơ lụa từ các nơi khác, đã dệt được lụa bóng, mịn, mượt [33, tr.21-22]. Nghề làm gạch ngói đã phát triển ở Nhạn Tháp (Nam Đàn), Ngũ Hổ (Quỳnh Lưu). Nghề đóng tàu thuyền phát triển. Theo "Khâm định Đại Nam hội diễn sự" ghi lại vào năm Gia Long 4 (1805) thì ở Nghệ An có 700 thợ đóng thuyền ở 5 xã Do Lễ, Lộc Châu, Vạn Lộc, Hoàng Lao, áng Độ. Ngoài ra phát triển ở Phú Nghĩa, Văn Thai (Quỳnh Lưu), Thanh Bích, Trang Thung (Diễn Châu),... Nghề mộc phát triển và nổi tiếng ở nhiêu vùng như Nam Hoa Thượng, Nam Hoa Hạ (Nam Đàn), Phú Nghĩa Thượng, Phú Nghĩa Hạ, Trang Nhân, Nghiêm Thắng,... Có nơi nổi tiếng về thợ cưa như Chân Phúc (Nghi Lộc)...
Đến đầu thế kỷ XX, Nghệ An có khoảng 100 nghề. Trong đó có các làng nghề nổi tiếng: làng luyện sắt và rèn Nho Lâm (Diễn Châu); làng gốm Trù ú, Bộng Vẹo; làng dệt lụa Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu); làng mộc Phú Nghĩa (Quỳnh Lưu), Trang Nhân, Nam Hoa; Làng nề Đệ Nhất; làng dệt vải Phượng Lịch (Diễn Châu); làng dệt vải, tơ lụa; làng nước mắm Vạn Phần, Thanh Đoài... ; làng làm muối Quý Hoà, Thanh Đàm, Quý Đức,...; làng đúc đồng Cồn Cát, Bố Đức; làng đúc lưỡi cày Mỹ Lý (nay thuộc xã Diễn Kỷ, Diễn Châu); làng bện võng Hoàng La, Phú Hậu (Diễn Châu); làng dệt chiếu Yên Lưu, Văn Trai; làng đan dè cót Do Nha (Hưng Nhân, Hưng Nguyên); làng làm đồ mỹ nghệ và đan lát Trung Mỹ, Mỹ Chiêm, Hai Côn, Phương Cương, Yên Trạch; làng rèn Thượng Rừng (xã Nghi Xuân, Nghi Lộc); ... Các nghề thủ công khác phát triển khắp nơi, hầu như làng nào cũng có nghề kéo vải, dệt vải, đan rổ rá,... [33, tr.26-33].
Sự phát triển của nghề thủ công đã làm xuất hiện nhiều ca dao, tục ngữ gắn liền với các nghề. Nói về nghề dệt Đô Lương dệt gấm thêu hoa/Quỳnh Đôi tơ lụa thủ khoa ba đời".
chính phiên họp đều/Trai mỹ miều bút nghiên đèn sách/Gái thanh tân chuyên mạch cửi canh/Trai mong chiếm được đề danh/Gái thì dệt vải vừa lanh vừa tài. Nói về làng nước mắm Vạn Phần Hỡi cô gánh nước quang mây/Có về làng Vạn đi đây cùng về/Làng Vạn nước mắm ngon ghê/Sông Bùng tắm mát, nốc nghề cá tôm. Nói về làng luyện sắt Nho Lâm
Nho Lâm than quánh nặng nề/Những ông làm quánh kém chi học trò/Quánh này xây dựng cơ đồ/Nhà Lê, nhà Nguyễn cũng dụng quánh để tô sơn hà. Nói về làng nghề ở Đô Lương
Ai qua Phượng Kỷ, Trang Sơn/Gạch vôi nghề cũ đâu hơn chốn này/Yên Phúc là đất trồng đay/Văn Tràng lợn nái tháng ngày chăn nuôi/Mời về Trù ú mà coi/Tiếng nghề nồi đất mấy đời đồn xa. Nói về thợ cưa Chân Phúc Cái cưa Chân Phúc/Cái đục Tràng Thân/Muốn làm nhà ngói sa chân đi tìm. Nói về làng dệt vải Phượng Lịch Em dệt ra bao nhiêu vải tốt vải lành/ Mà em mặc yếm chật để anh ngẩn người/Cái chân thì đạp dọc/Cái thoi thì lọc xọc đâm ngang/Bao giờ anh cưới được nàng/Để anh đạp dọc, đâm ngang với mình. Nói về thợ đục cối đá ở Trung Phường (nay ở xã Diễn Minh, Diễn Châu) Thế gian đi học tiên đề/Trung Phường đục cối cũng nghề vinh quang. Nói về nghề tằm tơ ở Dương Phổ Dương Phổ là đất tơ tằm/Em về Dương Phổ em nằm em ăn. Ngoài ra còn có rất nhiều câu thơ, câu vè nói về nghề, như Làng Trung bẻ vàng, làng Tràng đan bị, (Làng Trung Hậu và làng Tràng Khê ở xã Diễn Hạnh, Diễn Châu). Kẻ Si đúc cày, xa quay Phượng Lịch, Bánh đúc cháo kê là nghề làng Trại, đánh tranh mãi mãi là thói làng Vinh, làm nhà làm đình là dân Phú Nghĩa, Kiềng làng Hạ, rá làng Đông, nồi đồng Cồn Cát", "Nồi Bộng Vẹo, chiếu Văn Trai", "Nống Do Nha, cà Nghi Lộc", "Rươi Hưng Nguyên, thuyền Chân Phúc", "Thợ cưa Chân Phúc, thợ mộc Thái Yên",... [33, tr.34-36]
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), nghề rèn phát triển khắp các vùng; nghề giấy phát triển ở Anh Sơn, Tân Kỳ, Thanh Chương. Nghề dệt phát triển ở Đặng Sơn (Đô Lương),... Nghề ép mía, nấu mật, sản xuất đường phèn phát triển ở Hưng Nguyên, Nam Đàn,... Nghề thuộc da phát triển ở Hưng Thịnh (Hưng Nguyên). Nghề đóng tàu thuyền phát triển các vùng dọc sông Lam và ven biển huyện Nghi Lộc. Nghề làm nón, mũ lá ở Hưng Thịnh. Nghề tơ tằm ở Diễn Thịnh (Diễn Châu), Thanh Văn (Thanh Chương), Nam Hoành (Nam Đàn), Hưng Long, Hưng Xá (Hưng Nguyên). Nghề trồng bông, kéo sợi, dệt vải hầu như ở đâu cũng có,... Nghề ép dầu lạc phát triển mạnh ở Nam Đàn, Hưng Nguyên [31, tr. 30].
Giai đoạn 1954-1964, mặc dù trong điều kiện chiến tranh, thiên tai (trận lụt lịch sử năm 1954) và nạn đói năm 1955, ngành nghề vẫn được duy trì và phát triển. Nghề dệt tăng nhanh, từ 20 khung năm 1955 tăng lên 326 khung năm 1956. Gạch ngói từ 9 lên 50 lò. Xay xát gạo, làm nón, mũ lá, đồ mây, nấu đường được duy trì và phát triển. Trong 3 năm (1957-1960) ngành thủ công nghiệp đã thu hút được 77.067 người với 70 ngành nghề, trên 1.000 mặt hàng, thành lập 1.999 HTX. Trong thời gian này du nhập được một số nghề mới như: gốm, gương soi, lược sừng, lược bí, mây tre mỹ nghệ xuất khẩu,... phát triển các nghề đan dè cót, ghế mây tre,... Tuy vậy, do cơ chế lúc bấy giờ, ngành thương nghiệp quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất theo phương thức gia công nguyên liệu, thu sản phẩm, trả tiền công bằng hình thức cân đối lương thực đã hạn chế sự phát triển của các nghề thủ công, các làng nghề [31, tr.38-45].
Giai đoạn 1964-1975, mặc dù phải chịu sự đánh phá vô cùng ác liệt, dã man của bom đạn Mỹ (1965-1968) nhưng với tính thần "vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu", sản xuất vẫn được đẩy mạnh, góp phần phục vụ kháng chiến. Nghề đóng tàu thuyền phát triển mạnh đáp ứng vận tải. Nghề sản xuất nông cụ, chiếu cói, nón lá, thuyền nan phát triển. Nghề làm nồi đất ngoài hai địa phương là Trù, Đại (Đô Lương), chợ Bộng (Yên Thành) đã phát triển thêm ở Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nam Đàn, Diễn Châu, Vinh, Tân Kỳ, Quỳ Hợp... Tuy vậy đến năm 1972 nghề TTCN "sút xa so với trước chiến tranh" [31, tr.95]. Giai đoạn 1973-1975 nghề TTCN, làng nghề đã có chuyển biến khá hơn. Năm 1975 công nghiệp, TTCN Nghệ An đứng thứ 6 của các tỉnh miền bắc [31, tr. 21].
Thời kỳ 1975-2000, nước nhà thống nhất, Nghệ An (từ 1975 -1991 Nghệ An - Hà Tĩnh hợp nhất thành tỉnh Nghệ Tĩnh) cùng với cả năm nước bắt tay vào khôi phục và phát triển sản xuất. Năm 1986, Đảng khởi xướng sự nghiệp đổi mới đất nước, chuyển nền kinh tế từ cơ chế quan liêu bao cấp sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN. Mặc dù Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu, vốn là thị trường truyền thống của nước ta bị sụp đổ, nhưng với những chủ trương, chính sách kịp thời của tỉnh trên cơ sở đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước sản xuất vẫn phát triển. Năm 1976, hàng thủ công xuất khẩu đã bắt đầu tăng lên nhanh: chiếu tăng 50%, mành cọ tăng 50%, mành trúc tăng 400%,... [31, tr.118]. Nghề dệt truyền thống phát triển nhanh, có lúc cả tỉnh có 860 khung dệt. Nhiều hộ,
nhiều cá nhân đã bắt đầu mạnh dạn bỏ vốn, đầu tư sản xuất khôi phục các nghề truyền thống, tìm kiếm các nghề mới. Tuy vậy, nhìn chung TTCN, làng nghề phát triển chưa nhanh, một số nghề bị mai một [31, tr.112-175]. Đến năm 2000 cả tỉnh có khoảng 100 làng có nghề, trong đó các huyện có nhiều làng có nghề là Diễn Châu (16), Quỳnh Lưu (12), Hưng Nguyên (11), Nam Đàn (11), Thanh Chương (11), Đô Lương (10), Nghi Lộc (9)... Một số làng, xã nghề thủ công phát triển khá mạnh. Điển hình như xã Nghi Thái (Nghi Lộc) có 362 hộ làm nghề mây tre đan, 366 hộ làm nghề chổi đót, 900 lao động làm các nghề dịch vụ khác; xã Nghi Phong (Nghi Lộc) có hơn 100 hộ với khoảng 200 lao động làm nghề mây tre đan; làng Kim Tân, Diễn Kim (Diễn Châu) có khoảng 400 hộ trồng dâu, nuôi tằm, sản xuất kén (100 tấn/năm), ươm tơ (12 tấn/năm); Làng Trung Kiên, Nghi Thiết (Nghi Lộc) có 15 tổ hợp với hơn 600 lao động chuyên đóng thuyền và mộc dân dụng. Làng Quyết Thắng, Diễn Bích (Diễn Châu) có khoảng 40 hộ sản xuất nước mắm,... [47, tr. 7].