- Hệ thống các cơ sở dạy nghề chủ yếu tập trung ở thành phố, thị xã và các huyện đồng bằng Các cơ sở dạy nghề ở các huyện đầu tư cơ sở vật chất còn hạn chế, thiếu
3.2.1.1. Phân công, giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng
Trước hết thống nhất quản lý nhà nước về làng nghề. Cần phải có một cơ quan chủ quản và nhiều cơ quan hiệp quản. Xây dựng khung cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước theo chiều dọc và theo chiều ngang trong việc thực hiện quy hoạch và các kế hoạch, chương trình phát triển làng nghề. Quản lý làng nghề ở Nghệ An hiện nay đang do nhiều cơ quan: Liên minh HTX, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT. Theo Nghị định 66/NĐCP ngày 7 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn và Thông tư 116/TTBN ngày 18/12/2006 của bộ NN&PTNT thì nên giao chức năng quản lý nhà nước về ngành nghề nông thôn và làng nghề cho sở NN&PTNT.
Thứ hai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành. Các sở, ngành có trách nhiệm phối hợp làm tốt nhiệm vụ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề.
Sở NN&PTNT: có trách nhiệm đề xuất, xây dựng các chính sách, hướng dẫn thực hiện quy hoạch; chủ trì và phối hợp với các sở, ban ngành liên quan của tỉnh và các địa phương xây dựng các kế hoạch, nhu cầu kinh phí hàng năm về thực hiện các chương trình, kế hoạch theo quy hoạch phát triển gửi sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Tài chính bố trí nguồn vốn trình UBND tỉnh phê duyệt; thường xuyên cập nhật các số liệu cơ bản thực hiện các nội dung quy hoạch để đề xuất bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với thực tế và cụ thể hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện; đôn đốc, kiểm tra, giám sát và đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, báo cáo định kỳ gửi Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT.
Sở Kế hoạch và Đầu tư: có trách nhiệm xây dựng quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm, trong đó bao gồm cả nội dung phát triển làng nghề và cân đối, bố trí nguồn vốn cho các chương trình, kế hoạch hàng năm; phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan thực hiện dự án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các làng nghề.
Sở Tài chính: bố trí ngân sách để triển khai thực hiện các chương trình kế hoạch phát triển làng nghề; hướng dẫn cơ chế tài chính đối với các chính sách, dự án của quy hoạch; xây dựng văn bản hướng dẫn, kiểm tra giám sát chế độ tài chính thực hiện các chương trình, dự án của quy hoạch.
Sở Công Thương: đẩy mạnh hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, xây dựng chương trình xúc tiến thương mại sản phẩm làng nghề, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp nhỏ ở các huyện thị và cơ chế hỗ trợ các cơ sở ngành nghề nông thôn đầu tư sản xuất kinh doanh trong các cụm công nghiệp nhỏ.
Sở Tài nguyên - Môi trường: đánh giá tác động môi trường các dự án phát triển làng nghề; đề xuất các chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, mặt bằng sản xuất cho các cơ sở sản xuất trong các làng nghề bảo đảm phát triển ổn định bền vững.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: hướng dẫn, quản lý, thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ tạo việc làm cho làng nghề, ngành nghề nông thôn; chỉ đạo, thực hiện các chương trình lồng ghép nhằm phát triển ngành nghề khu vực nông nghiệp nông thôn.
Sở Khoa học và Công nghệ: đề xuất các giải pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển làng nghề; ưu tiên bố trí thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, cải tiến công nghệ kỹ thuật trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn và nghề truyền thống.
Sở Văn hoá, Thông tin và Du lịch, các cơ quan Báo chí, Đài Phát thanh truyền
hình tỉnh: khảo sát, thu thập tư liệu về nghề truyền thống, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh; xây dựng dự án bảo tồn giá trị văn hoá nghề truyền thống và làng nghề truyền thống; thực hiện phát triển làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh; giới thiệu, phổ biến các chủ trương chính sách về khuyến khích phát triển làng nghề trên các phương tiện thông tin đại chúng. Định kỳ thông tin về thị trường, giá cả, giới thiệu sản phẩm và các chuyên đề phục vụ cho phát triển làng nghề.
Các cấp uỷ Đảng: lãnh đạo chính quyền cụ thể hoá quy hoạch thành những giải pháp cụ thể trên cơ sở khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương; làm tốt công tác tuyên truyền về quy hoạch và các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển làng nghề nhằm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và trong toàn thể nhân dân; lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức xã hội khác tích cực triển khai thực hiện quy hoạch; đưa vấn đề phát triển nghề, làng nghề vào những nhiệm vụ trọng tâm của đảng bộ, chi bộ, là nội dung quan trọng để xem xét, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của chi bộ, đảng bộ.
UBND các huyện, thành phố, thị xã: căn cứ Quy hoạch được phê duyệt, xây dựng các chương trình dự án cụ thể để từng bước đưa vào thực hiện trong các kế hoạch hàng năm, 5 năm. Tổ chức chỉ đạo thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển làng nghề với các chương trình dự án khác trên địa bàn. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc quản lý thực hiện quy hoạch, theo dõi, cập nhật số liệu và báo cáo định kỳ về phát triển làng nghề để phục vụ cho công tác quản lý làng nghề của tỉnh.
Các tổ chức đoàn thể, xã hội: phối hợp với chính quyền cùng cấp tuyên truyền giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia vào các kế hoạch, chương trình dự án về phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn.