năm 2010 đến năm 2020
Với những nội dung nghiên cứu như đã nêu ở trên, có thể đề xuất về mô hình Viện công tố trong cải cách tư pháp từ những nội dung có liên quan như sau:
* Vị trí của Viện công tố trong bộ máy nhà nước trong điều kiện cải cách tư pháp.
Trong điều kiện cải cách tư pháp, vị trí của Viện công tố trong bộ máy nhà nước là một cơ quan ngang bộ và trực thuộc Chính phủ tức là thuộc cơ quan hành pháp. Viện công tố các địa phương được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung lãnh đạo thống nhất trong ngành, không chịu sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Ưu điểm của phương án này là đảm bảo tính độc lập, tính thống nhất chỉ đạo của cơ quan hành pháp trong quản lý nhà nước về đấu tranh phòng chống tội phạm. Trong một nhà nước vận hành theo nguyên tắc pháp quyền thì Viện công tố phải hoàn toàn độc lập và chỉ tuân
theo pháp luật để thực hiện quyền lực nhà nước của hệ thống hành pháp khi phán quyết những hành vi tội phạm sẽ không gặp phải sự can thiệp, trở ngại nào. Tính độc lập của các quyết định công tố là một yếu tố không thể thiếu nhằm tạo nên tính khách quan thực sự của hệ thống công tố với tính cách là đơn vị bảo vệ lợi ích nhà nước, bảo vệ lợi ích xã hội, phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới trong điều kiện hội nhập và giao lưu quốc tế
* Về nguyên tắc tổ chức của hệ thống cơ quan Viện công tố.
Về nguyên tắc tổ chức của hệ thống cơ quan Viện công tố cần tiếp tục áp dụng nguyên tắc tập trung thống nhất trong ngành. Viện trưởng Viện công tố cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện công tố cấp trên và chịu sự lãnh đạo thống nhất của Tổng công tố trưởng. Viện công tố các cấp hợp thành một hệ thống thống nhất trực thuộc Chính phủ. Ưu điểm của nguyên tắc này là để hoạt động công tố của Viện công tố không bị lệ thuộc, can thiệp của chính quyền địa phương, đảm bảo tính độc lập khi truy cứu trách nhiệm đối với người phạm tội, đảm bảo tính thống nhất của việc thực thi pháp luật trong đấu tranh phòng chống, tội phạm.
* Về vai trò của Viện công tố trong giai đoạn điều tra.
Theo mô hình này, Viện công tố chỉ đạo hoạt động điều tra ngay từ đầu, tức là công tố viên quyết định mở cuộc điều tra theo trình tự tố tụng, chỉ đạo điều tra viên thu thập các bằng chứng buộc tội và truy tìm thủ phạm. Căn cứ vào tổng kết thực tiễn và yêu cầu cải cách tư pháp đặt ra trong Văn kiện đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng và Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị, thì cần lựa chọn mô hình công tố mạnh có quyền chỉ đạo hoạt động điều tra theo hướng:
- Viện công tố có trách nhiệm là đầu mối tiếp nhận và quyết định việc phân loại, xử lý tất cả các tin báo, tố giác về phạm tội do cơ quan, tổ chức và cá nhân cung cấp. Cơ quan điều tra thực hiện việc xác minh tin báo, tố giác về tội phạm theo mệnh lệnh của Viện công tố. Viện công tố phải là cơ quan trực tiếp ra tất cả các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can trên cơ sở kết quả xác minh của Cơ quan điều tra.
- Mọi mệnh lệnh của Viện công tố có giá trị bắt buộc đối với Cơ quan điều tra; nếu không đồng ý thì Cơ quan điều tra vẫn phải chấp hành nhưng có quyền kiến nghị
Viện công tố cấp trên xem xét. Khi tiến hành các hoạt động điều tra thì điều tra viên phải do công tố viên điều hành, chỉ đạo trực tiếp; công tố viên có quyền yêu cầu điều tra viên thu thập chứng cứ và truy tìm thủ phạm. Để thực hiện được nội dung này cần xác lập cơ chế pháp lý để điều tra viên hoàn thành trách nhiệm tố tụng của mình trong mối quan hệ ràng buộc với công tố viên.
- Viện công tố trực tiếp ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn điều tra, thay cho việc phê chuẩn các lệnh, quyết định đó của Cơ quan điều tra như hiện nay; quyết định việc thu nhập chứng cứ và truy tìm thủ phạm; quyết định việc kết thúc điều tra; có quyền điều tra lại theo chế độ dự thẩm; quyết định truy tố hay không truy tố một tội phạm. Thực hiện cơ chế này vừa đơn giản, thuận lợi về mặt thủ tục, tiết kiệm và đảm bảo tính nghiêm minh của văn bản tố tụng do Viện công tố ban hành; đồng thời khắc phục được tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm cho việc giải quyết vụ án bị kéo dài; mặt khác, qua đó nêu cao trách nhiệm của Viện công tố, của Cơ quan điều tra trong đấu tranh chống tội phạm.
* Vai trò của Viện công tố trong giai đoạn xét xử các vụ án hình sự.
- Tăng cường năng lực của công tố viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa xét xử, đảm bảo tranh tụng dân chủ với người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác. Công tố viên phải nắm chắc hồ sơ chứng cứ, theo dõi chặt chẽ diễn biến tại phiên tòa để hỏi và luận tội một cách xác đáng, tranh luận có trọng tâm, thuyết phục, góp phần làm sáng tỏ mọi tình tiết của vụ án. Kết thúc phiên tòa xét xử, nếu thấy rằng Tòa án áp dụng pháp luật hình sự không đúng hoặc có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thì công tố viên báo cáo Viện trưởng ra kháng nghị yêu cầu Tòa cấp trên thụ lý, giải quyết.
- Tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là đúng đắn và cần thiết trong bảo vệ công lý. Nhưng để chống lạm quyền, độc đoán trong việc Tòa án ra phán quyết thì tất yếu phải có sự giám sát mang tính pháp lý mà quyền kháng nghị của Viện công tố đối với bản án, quyết định của Tòa án chính là phương thức dùng quyền lực để chế ước quyền lực, đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trong việc xét xử vụ án hình sự, đảm bảo công lý. Quan niệm cho rằng bỏ việc kiểm sát xét xử của Viện công tố tại phiên tòa chỉ đúng với ý nghĩa là bỏ kiểm sát hành vi và các quyết định tố tụng của Tòa án trước và trong khi xét xử tại phiên tòa, còn các quyết định tố tụng của Tòa án sau khi xét xử thì
vẫn là đối tượng phải có sự giám sát của Viện công tố. Pháp luật hiện hành đã giao cho Viện kiểm sát nhân dân quyền kháng nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án là phù hợp với xu hướng chung về tư pháp của các nước phát triển. Điều này cần phải được tiếp tục kế thừa khi quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện công tố nước ta trong tiến trình cải cách tư pháp.
* Vai trò của Viện công tố trong tố tụng dân sự, lao động, hành chính, kinh doanh, thương mại.
Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, mở rộng dân chủ thì có xu hướng càng giảm bớt sự can thiệp của nhà nước vào việc dân sự mà đề cao nguyên tắc các đương sự tự định đoạt là đúng đắn và cần thiết. Các cơ quan công quyền kể cả cơ quan hành chính và tư pháp phải tạo mọi điều kiện cho công dân thực hiện đầy đủ các quyền dân sự của họ. Tuy nhiên, do trình độ dân trí và việc quản lý nhà nước đối với các giấy tờ chứng nhận về quyền sở hữu tài sản, sở hữu trí tuệ có liên quan đến việc giải quyết các vụ việc dân sự ở nước ta còn yếu kém, bất cập; trình độ và năng lực của đội ngũ Thẩm phán cũng còn hạn chế, nên trong một số loại việc dân sự mà đương sự không có khả năng thực hiện được các quyền để bảo vệ lợi ích của mình trước Tòa án hoặc trong những trường hợp bên nguyên đơn, bên bị đơn cùng thỏa thuận để gây thiệt hại cho lợi ích của người thứ ba, lợi ích công cộng thì cần thiết phải có sự tham gia của Viện công tố để bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể này. Thực tiễn hiện nay việc giải quyết các tranh chấp dân sự của Tòa án là lĩnh vực đang có nhiều bức xúc của xã hội đòi hỏi phải có sự tham gia của Viện công tố trong những trường hợp nhất định.
Việc quy định Viện công tố có quyền đại diện lợi ích công cộng đưa một số loại tranh chấp dân sự nhất định ra tòa và Viện công tố là người đại diện cho công quyền tranh tụng tại phiên tòa không chỉ bảo vệ quyền lợi cá nhân mà quan trọng hơn còn là để bảo vệ lợi ích công chúng. Việc khẳng định vai trò của Viện công tố trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính, lao động, kinh doanh, thương mại liên quan đến lợi ích công cộng sẽ tạo động lực thúc đẩy các quan hệ dân sự, kinh tế phát triển lành mạnh hướng tới mục tiêu đảm bảo công bằng, bình đẳng và công lý xã hội. Điều đó cũng phù hợp với truyền thống pháp lý của nước ta và xu hướng chung trong luật pháp của nhiều nước trên thế giới đều có quy định Viện công tố trong một số trường hợp đại diện cho lợi
ích công cộng đưa vụ việc dân sự ra tòa. Cũng xuất phát từ việc Viện công tố có quyền đại diện lợi ích công cộng, bảo vệ lợi ích công cộng, do đó, cần qui định quyền kháng nghị của Viện công tố đối với các bản án, quyết định về dân sự, hành chính, lao động, kinh doanh, thương mại và trong thi hành án khi các bản án, quyết định đó khi có vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến lợi ích công cộng.
* Vai trò của Viện công tố trong lĩnh vực phòng vi phạm và tội phạm.
Thông qua thực hiện chức năng công tố trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, Viện công tố đề xuất những kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục những sơ hở trong quản lý nhà nước, kinh tế, xã hội và áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Viện công tố đóng vai trò trung tâm trong việc chủ trì nghiên cứu, phân tích tội phạm, đề xuất với Đảng và Nhà nước về chính sách hình sự, đường lối đấu tranh phòng, chống tội phạm nhất là tội phạm về tham nhũng. Do đó, về tổ chức bộ máy cần thành lập Viện nghiên cứu phòng ngừa tội phạm quốc gia trực thuộc Viện công tố tối cao.
* Về mô hình tổ chức của Viện công tố theo yêu cầu cải cách tư pháp.
Căn cứ vào yêu cầu cải cách tư pháp được ghi trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 thì Viện công tố phải được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức của Tòa án. Theo đó hệ thống Viện công tố nếu chỉ phù hợp với tổ chức Tòa án thì gồm 4 cấp là:
- Viện công tố khu vực: Được tổ chức ở một (nơi có số lượng án nhiều) hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện (nơi có số lượng án không nhiều). Nhiệm vụ chủ yếu của các Viện công tố này là thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra và thực hành quyền công tố tại phiên tòa xét xử sơ thẩm các vụ án thuộc thẩm quyền của cấp huyện như hiện nay.