Quan điểm thứ nhất

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Cơ sở lý luận và thực tiễn đổi mới tổ chức Viện kiểm sát nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp ở Việt Nam pdf (Trang 27 - 29)

Theo quan điểm này, thực tiễn tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân ở nước ta hơn 45 năm qua đã khẳng định sự cần thiết khách quan tồn tại hệ thống Viện kiểm sát nhân dân với hai chức năng không thể tách rời là chức năng công tố và chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội (kiểm sát chung). Việc đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân hiện nay cần xuất phát từ những thành tựu đã đạt được và theo hướng phân định rõ

hoạt động kiểm sát chung của Viện kiểm sát nhân dân với hoạt động thanh tra của cơ quan Thanh tra, từng bước nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động công tố, bảo đảm cho thắng lợi của nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm. Những người theo quan điểm này cho rằng, so với thời gian trước đây hơn 45 năm, ở nước ta hiện nay đã có nhiều thay đổi trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội theo xu hướng giữ vững ổn định và phát triển, đóng góp vào thành tựu chung đó có vai trò quan trọng của Viện kiểm sát nhân dân. Hiện nay, với mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì việc bảo đảm cho các văn bản pháp luật do Quốc hội ban hành được nghiêm chỉnh tuân thủ, để đảm bảo cho tính thống nhất của pháp luật trong cả nước, để nhanh chóng phát hiện các vi phạm pháp luật trong việc thực hiện, áp dụng pháp luật và ban hành các văn bản quản lí của các cơ quan hành pháp thì Quốc hội phải có một cơ quan thay mặt Quốc hội thực hiện chức năng giám sát việc thi hành pháp luật đối với các cơ quan hành pháp từ trên xuống dưới. Cơ quan đó phải trực thuộc Quốc hội, do Quốc hội thành lập chứ không thể trực thuộc Chính phủ - cơ quan hành pháp. Hoạt động kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật từ phía cơ quan nhân danh cơ quan lập pháp hoàn toàn khác với hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhân danh cơ quan hành pháp. Đồng nhất hai loại hoạt động nêu trên và thậm chí còn chuyển hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật do Viện kiểm sát nhân dân thực hiện sang cho cơ quan Thanh tra là hoàn toàn sai lầm bởi việc đó đã tước đi hoặc hạ thấp vai trò kiểm tra, giám sát của Quốc hội đối với quá trình thực hiện Hiến pháp, các văn bản luật hoặc văn bản dưới luật do chính Quốc hội hoặc ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành. Trong quá trình thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật, khi phát hiện thấy có vi phạm và tội phạm thì Viện kiểm sát nhân dân có quyền xử líư vi phạm và tội phạm theo qui định của pháp luật. Và vì lẽ đó chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật không thể tách rời chức năng công tố. Mặt khác, đúng là hoạt động công tố là một trong những nội dung của hoạt động áp dụng pháp luật (hành pháp) nhưng nếu thành lập Viện công tố chỉ với chức năng công tố và đặt cơ quan này trực thuộc Chính phủ có nghĩa là đã tách rời hai chức năng nói trên và vô hình chung đã làm cho quá trình giải quyết các vi phạm và tội phạm thêm phức tạp và làm bộ máy nhà nước thêm cồng kềnh (cho dù có thành lập Viện công tố trực thuộc Chính phủ thì vẫn phải có một cơ quan trực thuộc Quốc hội để để

thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan hành pháp, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và công dân). Qua nghiên cứu so sánh vị trí, vai trò và địa vị pháp lí giữa Viện kiểm sát của nước ta với các Viện công tố hoặc Viện kiểm sát ở một số nước khác, cho thấy chúng ta còn chưa có những cơ chế, điều kiện cần thiết để Viện kiểm sát có thể thực thi nhiệm vụ đúng với vị trí của cơ quan này. Với vai trò là cơ quan thực hiện quyền lực của Quốc hội để tiến hành hoạt động giám sát hoạt động áp dụng pháp luật của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và công dân đáng lẽ các quyết định của Viện kiểm sát phải có uy quyền hơn, thế nhưng trong thực tế lại không phải như vậy. Nhiều quyết định, kiến nghị, thậm chí kháng nghị của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát chung đã không được thực hiện hoặc không được thực hiện nghiêm chỉnh. Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều nhưng trong đó phải kể đến sự thiếu hiểu biết pháp luật cũng như quan niệm không đúng của một số người khi họ cho rằng chức vụ trong Đảng luôn quan trọng hơn chức vụ trong bộ máy nhà nước, người không có chức vụ hoặc có chức vụ nhỏ trong Đảng không thể yêu cầu hoặc kiến nghị, kháng nghị gì với người có chức vụ trong Đảng cao hơn kể cả trong trường hợp pháp luật có qui định như vậy. Để khắc phục tình trạng trên, giải pháp đầu tiên là Hiến pháp và pháp luật phải thể chế hóa vị trí, vai trò của Viện kiểm sát đúng với vị trí cần phải có của nó. Cần phải mở rộng hơn nữa thẩm quyền của Viện kiểm sát so với qui định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành. Do đó, theo quan điểm này cho rằng cần trả lại cho Viện kiểm sát chức năng, nhiệm vụ như đã từng tồn tại trong thực tế ở nước ta từ năm 1960 đến năm 2002. Và vấn đề đặt ra là cần phải có những biện pháp đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động của Viện kiểm sát khi thực hiện hai chức năng công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội chứ không chỉ đơn thuần là kiểm sát các hoạt động tư pháp như hiện nay.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Cơ sở lý luận và thực tiễn đổi mới tổ chức Viện kiểm sát nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp ở Việt Nam pdf (Trang 27 - 29)