1980 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981
Trước bối cảnh tình hình đất nước có nhiều thay đổi, ngày 18 tháng 12 năm 1980, Quốc hội khóa VI, kỳ họp thứ 7 đã thông qua Hiến pháp năm 1980. Hiến pháp mới xác định đất nước ta đang trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp năm 1980 xác định bản chất của nhà nước ta là nhà nước chuyên chính vô sản với sứ mệnh thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, động viên và tổ chức nhân dân tiến hành xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, Hiến pháp còn qui định một nguyên tắc hoàn toàn mới là nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, theo đó nhà nước quản lý xã hội theo pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Đối với hệ thống cơ quan Viện kiểm sát nhân dân, đáng chú ý, Hiến pháp năm 1980 ngoài việc ghi nhận chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan nhà nước từ cấp bộ trở xuống, các tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, các nhân viên nhà nước và công dân, đã qui định rõ về chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân. Hiến pháp năm 1980 tiếp tục khẳng định các nguyên tắc tổ chức hoạt động cơ bản của Viện kiểm sát nhân dân là các nguyên tắc độc lập và tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành.
Để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 1980, ngày 4 tháng 7 năm 1981, Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ nhất đã thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981. Để phù hợp với tình hình mới và yêu cầu của nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981 một mặt đã kế thừa những qui định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động còn phù hợp của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 1960, mặt khác đã có những bổ sung và cụ thể hóa về nguyên tắc tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân, về mối quan hệ giữa Viện kiểm sát nhân dân với các cơ quan, nhân viên nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và công dân, và do đó về tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân cũng có những thay đổi nhất định.
Về chức năng của Viện kiểm sát nhân dân, Điều 1 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981 qui định: Viện kiểm sát nhân dân tối cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các Bộ và cơ quan khác thuộc Hội
đồng Bộ trưởng, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức xã hội và đơn vị vũ trang, các nhân viên nhà nước và công dân, thực hành quyền công tố, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương, các Viện kiểm sát quân sự kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố trong phạm vi trách nhiệm của mình.
Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981 đã nhấn mạnh vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa là trong phạm vi chức năng của mình, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự tôn trọng tính mạng, tài sản, tự do, danh dự, nhân phẩm của công dân.
Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981 tiếp tục ghi nhận Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức và hoạt động theo chế độ tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành, không phụ thuộc vào các cơ quan nhà nước ở địa phương. Viện kiểm sát nhân dân do Viện trưởng lãnh đạo, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên, Viện kiểm sát nhân dân địa phương chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Viện trưởng, các Phó Viện trưởng và kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân địa phương do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm và bãi miễn. Các Phó Viện trưởng và kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Hội đồng Nhà nước cử và bãi miễn theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Quốc hội bầu ra trong số các đại biểu Quốc hội, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Hội đồng Nhà nước. Kế thừa các quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960, Luật mới đã bổ sung các qui định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, về cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân các cấp, về cơ chế hoạt động và nội dung công tác của ủy ban kiểm sát.
Như vậy, về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong giai đoạn này đã có nhiều đổi mới theo hướng tăng cường hơn nữa vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy nhà nước và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.