Tại Pháp, các Thẩm phán công tác tại hai ngạch là ngạch xét xử (Thẩm phán xét xử làm việc tại cơ quan Tòa án phụ trách cả việc thẩm tra tư pháp lẫn việc xét xử) và ngạch công tố (bao gồm các ủy viên công tố). Hệ thống công tố bao gồm đội ngũ công tố viên đặt bên cạnh các Tòa án thuộc ngạch tư pháp (không có ngạch công tố bên cạnh Tòa hành chính). Hiến pháp năm 1958 của Cộng hòa Pháp qui định, tất cả các Thẩm phán (cả Thẩm phán xét xử và công tố viên) đều độc lập, dưới sự bảo đảm của Tổng thống. Tính độc lập của các Thẩm phán xét xử dựa trên quyền không thể bãi miễn của mình. Còn tính độc lập của các công tố viên chủ yếu dựa trên quyền tự do luận tội của mình, độc lập với Tòa án và các bên khiếu kiện.
Cho đến nay, về mặt hình thức Viện công tố của Pháp được đặt trong hệ thống Tòa án, nhưng không lệ thuộc vào Tòa án. Hệ thống Viện công tố của Pháp gồm có: Viện công tố nằm trong các Tòa án sơ thẩm có thẩm quyền rộng; Viện công tố tại Tòa phúc thẩm; Viện công tố bên cạnh Tòa phá án. Về mặt nhân sự và quản lý hành chính Viện công tố trực thuộc Bộ Tư pháp, nhưng mối quan hệ giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Viện công tố không phải là mối quan hệ chỉ đạo trực tiếp mà là thông qua giám sát hoạt động của Viện công tố. Các công tố viên là công chức nhà nước nhưng không phụ thuộc vào cơ quan hành pháp. Điều đó có nghĩa là quan chức chính phủ không có quyền chỉ thị họ đối với các yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Các công tố viên hoạt động dưới sự kiểm tra của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và có thể nhận các hướng dẫn chung hoặc các chỉ thị chung về chính sách hình sự từ Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Quyền hạn của công tố viên Pháp tương đối rộng gồm khởi tố các vụ án hình sự và một số vụ án dân sự, chỉ đạo hoạt động của Cảnh sát tư pháp, thực hiện việc buộc tội trước Tòa án và đảm bảo thi hành bản án, quyết định của Tòa án.