đến năm 2010 và nghiên cứu các cơ sở, tiền đề cho việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020
* Đổi mới, kiện toàn tổ chức Viện kiểm sát nhân dân từ nay đến năm 2010.
Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/ 6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Kế hoạch số 05-KH/CCTP của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương về triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW đã chỉ rõ nhiệm vụ chính của Viện kiểm sát nhân dân từ nay đến năm 2010 là tập trung làm tốt chức năng công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra là: Viện kiểm sát các cấp thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp. Hoạt động công tố phải được thực hiện ngay từ khi khởi tố vụ án và trong suốt quá trình tố tụng nhằm bảo đảm không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội. Nâng cao chất lượng công tố của kiểm sát viên tại phiên tòa, bảo đảm tranh tụng với luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác. Để thực hiện nhiệm vụ này, từ nay đến năm 2010, Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân các cấp theo lộ trình cải cách tư pháp. Các nội dung cụ thể là:
- Kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp ở Viện kiểm sát nhân dân các cấp, đảm bảo thống nhất, đồng bộ và hiệu quả
trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Theo đó, thành lập mới một số đơn vị chức năng cấp vụ trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đó là:
+ Thành lập mới Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng: Việc thành lập đơn vị này là nhằm đáp ứng yêu cầu công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay. Mặt khác, đảm bảo sự đồng bộ với tổ chức của các cơ quan khác được giao nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.
+ Thành lập mới Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy trên cơ sở tách ra từ Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án an ninh, ma túy. Việc thành lập đơn vị này là nhằm phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy và đảm bảo sự đồng bộ với tổ chức Cơ quan điều tra của Bộ Công an theo quy định của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004.
+ Thành lập mới Vụ hợp tác quốc tế. Việc thành lập đơn vị này xuất từ tình thực tiễn là năng lực tham gia giải quyết các vụ án có yếu tố nước ngoài của các cơ quan tư pháp nói chung và của Viện kiểm sát nhân dân nói riêng còn rất hạn chế, nhất là trong điều kiện giao lưu quốc tế của nước ta hiện nay và những năm tiếp theo. Đơn vị này ngoài việc thực hiện chức năng tham mưu, quản lý về hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của ngành Kiểm sát nhân dân thì còn có nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu để cùng với các đơn vị chức năng của Việt Nam như Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và phối hợp với cơ quan tư pháp của nước ngoài trong việc tăng cường năng lực giải quyết các vụ án có yếu tố nước ngoài trong điều kiện đất nước mở rộng giao lưu và hội nhập quốc tế, nhất là khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
+ Thành lập mới Vụ thi đua khen thưởng của ngành Kiểm sát nhân dân. Đơn vị này có chức năng tham mưu, quản lý về công tác thi đua khen thưởng trong ngành Kiểm sát nhân dân. Việc tăng cường công tác thi đua khen thưởng trong giai đoạn hiện nay là cần thiết nhằm động viên cán bộ, công chức trong ngành thực hiện tốt công tác chuyên môn nghiệp vụ nhất là trong điều kiện cải cách tư pháp hiện nay.
Trên cơ sở thành lập mới một số đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cũng cần xem xét, lựa chọn để triển khai thành lập đơn vị tương ứng ở cấp dưới của Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, ở Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có thể thành lập thêm hai phòng nghiệp vụ là: Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm án tham nhũng và Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm án ma túy.
- Tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện tăng thẩm quyền cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện; đồng thời phối hợp với các cơ quan tư pháp tiếp tục lựa chọn trình ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định danh sách các Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có đủ điều kiện để tăng thẩm quyền theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 theo lộ trình tăng thẩm quyền đã xác định.
- Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát trong sạch, vững mạnh. Năng cao chất lượng công tác tuyển chọn, qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Phấn đấu đến năm 2010 đảm bảo tuyển chọn đủ cán bộ cho Viện kiểm sát cấp huyện đáp ứng nhu cầu cho việc tăng thẩm quyền. Tiếp tục thực hiện công tác luân chuyển, điều động cán bộ theo chủ trương của Đảng, tăng cường kiểm sát viên có năng lực cho Viện kiểm sát nhân dân các địa phương. Đồng thời, nghiên cứu phương án thi tuyển để chọn người bổ nhiệm vào chức danh kiểm sát viên; nghiên cứu phương án tăng thời hạn bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm không thời hạn đối với chức danh kiểm sát viên, điều tra viên của Viện kiểm sát nhân dân; nghiên cứu đề án đổi mới chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân theo lộ trình chung.
* Những định hướng trọng tâm cần tập trung nghiên cứu từ nay đến năm 2010 để làm cơ sở cho việc đổi mới tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân đến năm 2020.
Theo lộ trình Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 thì từ sau năm 2010, việc đổi mới tổ chức Viện kiểm sát nhân dân theo định hướng chuyển Viện kiểm sát nhân dân thành Viện công tố. Do đó, việc nghiên cứu vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức và hoạt động, cơ cấu tổ chức bộ máy làm việc của Viện công tố cần phải được khẩn trương nghiên cứu làm rõ về một số nội dung cơ bản sau:
Một là, cần phải nghiên cứu để xác định vị trí của Viện công tố trong bộ máy nhà nước trong tiến trình cải cách tư pháp là Viện công tố trực thuộc Chính phủ hay trực thuộc Quốc hội như hiện nay. Trong đó, phải chú trọng đề cao tính độc lập trong hành xử quyền công tố và việc bảo vệ lợi ích công. Tính độc lập của các quyết định công tố là một yếu tố không thể thiếu nhằm tạo nên tính khách quan thực sự của hệ thống tư pháp với tính cách là "đơn vị bảo vệ lợi ích xã hội", phù hợp với xu hướng chung mà các nước mong muốn để các công tố viên phải được hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách hoàn toàn độc lập mà không phải chịu bất cứ một sự can thiệp nào.
Hai là, cần xác định chức năng, nhiệm vụ của Viện công tố trong tố tụng hình sự theo hướng là trung tâm quyết định tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố tội phạm. Theo đó, Viện công tố có các thẩm quyền cơ bản là: Quyết định việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, quyết định các biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn điều tra; quyết định các hoạt động thu thập chứng cứ và truy tìm thủ phạm; quyết định việc kết thúc điều tra, điều tra lại theo chế độ dự thẩm; quyết định truy tố tội phạm hay không truy tố.
Ba là, về vị trí, vai trò của Viện công tố trong tố tụng dân sự, hành chính, lao động, kinh doanh, thương mại và trong thi hành án khi Viện công tố không thực hiện việc kiểm sát hoạt động xét xử của Tòa án tại phiên tòa xét xử các vụ án dân sự, hành chính, lao động, kinh doanh, thương mại thì cần nghiên cứu cơ chế để Viện công tố có trách nhiệm và có các quyền năng tố tụng cần thiết để bảo vệ lợi ích công như Viện công tố các nước, đó là các quyền: khởi tố, tham gia phiên tòa, kháng nghị những bản án, quyết định không có căn cứ và trái pháp luật; trực tiếp quyết định thi hành án trong một số trường hợp…. Viện công tố thực hiện một số nhiệm vụ trong các lĩnh vực này là nhân danh công quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phù hợp với trình độ dân trí, truyền thống pháp lý và xu hướng chung của các nước trong điều kiện hội nhập.
Bốn là, nghiên cứu vai trò của Viện công tố trong việc chủ trì nghiên cứu, phân tích tội phạm, đề xuất với Đảng và Nhà nước về hoàn thiện chính sách hình sự, đường lối đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng. Nghiên cứu việc thành lập Viện nghiên cứu tội phạm quốc gia trực thuộc Viện công tố trung ương.
Năm là, về mô hình tổ chức của Viện công tố theo yêu cầu cải cách tư pháp phải được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức của Tòa án nhưng phải đồng bộ với tổ chức Cơ quan điều tra, bảo đảm chủ trương tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra. Theo đó, cần nghiên cứu xây dựng mô hình Viện công tố bốn cấp tương ứng với bốn cấp của Tòa án hay chỉ ba là cấp phúc thẩm, thượng thẩm và cấp trung ương tương ứng với Tòa án, còn Viện công tố cấp khu vực thì tương ứng với Cơ quan điều tra? Nghiên cứu cơ cấu bộ máy của Viện công tố các cấp về các bộ phận nghiệp vụ, tham mưu, giúp việc; nghiên cứu cơ cấu của hệ thống tổ chức công tố, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chức cán bộ, nghiên cứu khoa học.
Sáu là, nghiên cứu các cơ chế tổ chức và hoạt động của Viện công tố để nâng cao tính chủ động, độc lập trong tố tụng của mỗi cấp công tố nhưng phải bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của toàn bộ hệ thống. Nghiên cứu nguyên tắc độc lập quyết định truy tố hay không truy tố tội phạm bảo đảm sự linh hoạt của chính sách công tố trong tinh thần vừa tôn trọng luật pháp vừa tính đến lợi ích của công chúng, tập trung xử lý các vụ án phạm tội nghiêm trọng, phức tạp có hiệu quả. Nguyên tắc độc lập quyết định truy tố hay không truy tố được qui định trong khuôn khổ pháp luật và công khai về chính sách công tố do Tổng công tố trưởng đề ra và để thực tiễn áp dụng nguyên tắc này không bị lợi dụng thì phải có cơ chế kiểm soát, có giải thích và được thông báo công khai.
Bảy là, về thẩm quyền hành chính và thẩm quyền tư pháp và việc phân định các thẩm quyền này trong tổ chức và hoạt động của Viện công tố theo hướng cần nghiên cứu để phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với thẩm quyền tư pháp của các chức danh pháp lý trong Viện công tố. Đặt vấn đề này là do xuất phát từ thực tế hiện nay đã có sự không rõ ràng trong việc xác định các thẩm quyền này dẫn tới gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi chức danh và việc xác định trách nhiệm pháp lý của từng chức danh trong những trường hợp cụ thể.
Tám là, về mối quan hệ giữa Viện công tố với ủy ban tư pháp của Quốc hội (nếu cơ quan này được Quốc hội thành lập trong thời gian tới) và Hội đồng nhân dân các cấp thì cần nghiên cứu các vấn đề: ủy ban tư pháp của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp giám sát hoạt động của hệ thống công tố được thực hiện theo cơ chế nào? giám sát chung hay giám sát sự việc cụ thể và khi giám sát sự việc có quyền kết luận tính đúng, sai
của những quyết định công tố và yêu cầu Viện công tố phải xem xét lại nhưng Viện công tố có quyền không tuân theo kết luận của ủy ban tư pháp không? cơ chế giám sát của Hội đồng nhân dân về công tác thực hành quyền công tố của Viện công tố các địa phương được tiến hành theo phương thức nào?
Chín là, cần nghiên cứu đề án về xây dựng đội ngũ công tố viên trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp.
Thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân các cấp luôn chú trọng và có nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công tác đào tạo cán bộ nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành. Tuy nhiên, thực trạng đội ngũ cán bộ, công tác đào tạo cán bộ hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế so với yêu cầu đặt ra. Với mục tiêu xây dựng đội ngũ công tố viên trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp cần phải tiến hành một số công việc sau:
- Nghiên cứu đề xuất cơ cấu cán bộ Viện công tố theo hướng đa chức danh, bảo đảm phù hợp với chức năng công tố và việc tăng cường công tố viên theo yêu cầu cải cách tư pháp. Các chức danh cơ bản là công tố viên, trợ lý công tố viên,…
- Nghiên cứu mở rộng nguồn để bổ nhiệm công tố viên theo hướng không chỉ là cán bộ trong ngành như hiện nay mà từ còn các nguồn khác như luật sư, điều tra viên, thẩm phán… Đồng thời, đa dạng hình thức để lựa chọn người bổ nhiệm công tố viên, bảo đảm chọn đúng và chính xác những người cần cho sự nghiệp công tố của đất nước. Công tố viên phải có năng lực nghiệp vụ và nắm chắc luật pháp, dũng cảm đấu tranh vì công lý. Đổi mới hình thức thi tuyển bằng sát hạch thực tiễn giải quyết các vụ việc, hoặc bằng con đường đánh giá, chấm điểm chất lượng, hiệu quả lao động của người cần bổ nhiệm, khắc phục bệnh quan liêu trong xét bổ nhiệm. Nghiên cứu cơ chế loại bỏ những công tố viên không có khả năng làm việc, khắc phục tình trạng đồng nhất chính sách xã hội với chế độ của công tố viên.
- Nghiên cứu việc tăng thời hạn bổ nhiệm đối với công tố viên gắn với cơ chế tuyển chọn công tố viên theo hướng bổ nhiệm không thời hạn (hiện nay thời hạn bổ nhiệm là 5 năm sau đó xét bổ nhiệm lại thường là thủ tục). Nâng độ tuổi nghỉ hưu cho các
chức danh tư pháp, trong đó có chức danh công tố viên do đặc thù của lao động tư pháp là kinh nghiệm thực tiễn và tâm lý cuộc sống, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế.
- Đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng công tố viên đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện công tố trong tiến trình cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và nâng cao năng lực điều tra, kỹ năng công tố, trình độ ngoại ngữ và tin học. Công tố viên trong thời gian tới phải được đào tạo và bồi