TIỂU KẾT CHƯƠNG BA

Một phần của tài liệu Đặc điểm thi pháp của thơ ca nhìn từ góc độ tác động (Trang 143 - 150)

- Đứng lên đi, xây dựng cuộc đời chung [Ý xuân, 60, tr.75]

TIỂU KẾT CHƯƠNG BA

Thơ Tố Hữu là thơ của một người say mê cuộc sống, say mê cách mạng, say mê đấu tranh. Bằng những hình thức biểu hiện thích hợp, Tố Hữu đã tạo cho thơ mình một sức mạnh đáng kể, một sức sống bền lâu, ám nhiễm và tác động sâu sắc vào tâm hồn người đọc. Sức mạnh của thơ Tố Hữu "chính là vì nó nói với trái tim, chính là bởi người cách mạng ấy là một thi sĩ chính cống, thật sự". Bằng thơ, Tố Hữu "có thểđốt cháy trái tim con người vào ngọn lửa thần của đại nghĩa" [20, tr.36],

thơ Tố Hữu là "một trường nghị lực cho người đọc" [75, tr.401].

Bên cạnh những hình thức thi pháp nổi bật đã được trình bày ở trên, chúng ta vẫn thấy một số yếu tố khác cũng mang những nét riêng cho phong cách thơ Tố Hữu, cũng giúp thơ Tố Hữu tăng thêm khả năng tác động vào độc giả. Đó là cách thức sử dụng đại từ nhân xưng, cách sử dụng nhiều hô ngữ, cách ngắt câu giữa dòng, và cả cách mà nhà thơ cho ra đời một bài thơ: ra đời rất kịp thời.

Không thể phủ nhận, thơ Tố Hữu sử dụng hệ thống đại từ nhân xưng đa dạng. Tình cảm cách mạng có liên quan không nhỏ đến cách xưng hô trong thơ Tố Hữu. Ông là nhà thơ, cũng là chiến sĩ cách mạng, ông gọi quần chúng là cha, mẹ, anh, chị của mình. Thơ ông hướng đến hàng triệu người, cũng có khi dành cho riêng một số con người anh hùng tiêu biểu. Khi đó, ông gọi tên họ chính xác: Lượm, Nguyễn Văn Hòa, bà má Hậu Giang, mẹ Tơm, mẹ Suốt, Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu, Huỳnh Ngọc Huệ, Lê Chưởng, Trần Thị Lý, Lê Thị Hồng Gấm, Hồ Giáo, Nguyễn Chí Thanh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp… Đối với ngôi thứ nhất, ông luôn xưng hô cụ thể: tôi, chúng tôi, ta, chúng ta, con, anh, em… với nhân dân.

Cách xưng hô trực tiếp ấy tạo nên không khí thân mật, chan hòa gắn bó, tạo cảm giác thoải mái, dễ tiếp nhận.

Mặt khác, nó còn có khả năng gợi lên những cảm xúc riêng, dễ làm thỏa mãn yêu cầu biểu đạt cảm xúc và tác động vào cảm xúc độc giả của nhà thơ.

Thơ Tố Hữu thường sử dụng nhiều hô ngữ. Hô ngữ được sử dụng khi nhà thơ hướng đến đối tượng bên ngoài, đến sốđông hoặc chỉ với một ai đó. Hô ứng tạo nên mối quan hệ cộng hưởng, tác động lẫn nhau. Với Tố Hữu, dường như con người không cô đơn, không cô lập mình trước thời đại, trong rất nhiều tình huống, nhà thơ sử dụng hô ngữ như một lời kêu gọi hưởng ứng, đồng tình từ mọi người. "Ít có nhà thơ nào sử dụng hô ứng rộng rãi như Tố Hữu" [122, tr.191]. Thế giới hô ứng trong thơ Tố Hữu giúp tiếng thơ ông luôn xao động, nôn nao, rạo rực, không bình lặng. Đỉnh cao của trạng thái này là nhà thơ cất lên lời gọi. Những dòng thơ được bắt đầu hoặc kết thúc bằng hô ngữ thường mang lại cảm giác hài hòa, thân ái. Hô ngữ làm cho tiếng thơ không đơn độc, tiếng thơ luôn được định hướng, tiếng thơ giàu âm vang. Kiểu hô ngữ trong thơ Tố Hữu cũng là những ơi, hỡi, này, kìa, ê, a, à, nhỉ, nhé, hỡi, hả (hở), nè… kết hợp với đại từ hoặc danh từ phía sau. Tiếng gọi trong thơ Tố Hữu luôn gắn liền với một đối tượng cụ thể, đó là những người dân Việt Nam yêu thương: Bác ơi, anh em ơi, hỡi đồng bào, hỡi người bạn thân, bạn hỡi, bầm ơi, má

ơi, em ạ, hỡi cô tiên nữ, hỡi em, anh Trỗi ơi… và đôi khi là những địa danh: Huếơi, Hương Giang ơi, Tây Nguyên ơi, Mạc Tư Khoa ơi, và ông gọi cả những đối tượng trừu tượng: xuân ơi, năm 2000 ơi, ôi Việt Nam,Tổ Quốc ơi, Người ơi, quê hương

ơi… Tố Hữu hay chạy, đi, chào, mời và hô, gọi. Đó là kiểu nhà thơ đặt mình vào nhịp đời đang cuồn cuộn chảy của nhân dân, là kiểu nhà thơ cùng hít thở, nói cười, buồn, khóc với nhân dân. Khi hô gọi, nhà thơ hướng đến đối tượng cụ thể, đồng thời còn tạo nên những làn sóng cộng hưởng, lây lan cảm xúc trong nhiều người.

Thơ Tố Hữu còn tác động mạnh vào người đọc bởi tính kịp thời, thời sự. Maiakovski đã từng có trường ca Vladimia Ilich Lenin năm … và đến 1969 Tố Hữu có "Theo chân Bác", điều này đã đáp ứng kịp thời sự chờ đợi của đông đảo độc giả. Ngoài trường ca "Theo chân Bác", Tố Hữu còn có "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên",

"Ta đi tới", "Việt Bắc", "Việt Nam máu và hoa", "Hãy nhớ lấy lời tôi", "Toàn thắng về ta", "Vui thế, hôm nay"... Những bài thơ này đã được ông sáng tác như một sự giải quyết kịp thời, như một bản tổng kết, ghi công, giúp người đọc thêm phần hồ hởi, phấn khởi.

Có thể khẳng định rằng, "về mọi phương diện, Tố Hữu luôn luôn là lá cờ tiền phong, lá cờ tiêu biểu của thơ ca hiện đại Việt Nam" [116, tr.465]. Ông viết những câu thơ khiến "người ta có thể uống như nước ngọt, có thể hít thở như khí trời lành" [20, tr.37]. Thơ ông đã đạt tới sự "ngọt ngào như là mỗi người có thể tự làm ra những câu thơ Tố Hữu mà họ đọc ấy" [20, tr.37]vì ông đã nhập tâm sâu sắc, thu hút và "chế biến" những tư tưởng, ý tưởng cách mạng thành ra thức ăn của tâm hồn. Bằng tài năng của một nhà thơ và lý tưởng của một nhà cách mạng, Tố Hữu đã xây dựng được một sự nghiệp thơ ca cao quý, đã thực hiện cái sứ mệnh cao quý nhất của nghệ thuật: "giúp người ta suy nghĩ, hành động, đấu tranh, giúp người ta biết yêu, biết ghét, biết phân minh, giúp cho người ta biết sống, biết chết một cách xứng đáng nhất trong những giờ quyết định của đời mình" [75, tr.376].

KT LUN

Bước sang thế kỷ hai mươi mốt, chúng ta như bị cơn lốc của những phương tiện vật chất ùn ùn kéo đến vây quanh, nó chiếm chỗ trong không gian, trong tâm hồn con người làm những giá trị tinh thần trở nên hạn hẹp, thưa thớt và thậm chí trở nên lạc lõng. Nhu cầu hưởng thụ vật chất cao hơn cũng góp phần làm cho thị hiếu thẩm mỹ của con người trở nên khắt khe hơn. Thơ ca nói riêng và văn học nói chung, đôi khi đã trở thành "hàng hóa" bởi sự cạnh tranh gay gắt của quá nhiều tác phẩm, nó nhiều đến mức khiến người ta phải sợ, phải "ngấy". Trong quá trình thay đổi đó, hơn lúc nào hết, thơ càng phải phát huy tối đa sức mạnh của mình. Đối với riêng người sáng tác, sự phát triển của xã hội kích thích ý thức sáng tạo của họ hơn, đời sống xã hội phức tạp lại là tiền đề hun đúc cho họ nguồn năng lượng, niềm đam mê sống hết mình vì nghệ thuật. Thơ ca vừa phải là món ăn tinh thần bổ ích đối với xã hội, là quyển sách đưa đường dẫn lối cho công chúng, vừa là người bạn đường thân thiết của mọi người. Quan trọng nhất, thơ phải là một trong những công cụ giáo dục tư tưởng tình cảm lành mạnh và thiết thực cho thanh thiếu niên, là vũ khí đấu tranh cho sự phát triển trong sạch và vững mạnh của xã hội. Giữa những xô bồ chộn chạo của cuộc đời, điều đáng mừng là thơ vẫn tồn tại như một sứ giả của thế giới tâm linh.

Kinh nghiệm lịch sử chứng minh rằng người ta không hề hoặc rất ít có cơ hội tìm thấy quyền lợi, chức vụ hay những lợi ích vật chất lẫn tinh thần khác nếu dấn thân vào con đường nghệ thuật nhưng tất cả họ vẫn hăng say sáng tạo với một sức mạnh không cưỡng lại được. Sựđam mê kỳ lạấy khiến chúng ta liên tưởng đến những đàn cá vượt qua bao thác ghềnh tìm vềđồng bằng đẻ trứng, dù rất nhiều con chết, nhưng chúng vẫn tuân theo bản năng và hy sinh kỳ lạ. Mặt khác, những nhà thơ sống trong xã hội hiện đại ngày nay càng thấm sâu hơn cái quy luật sàng lọc sòng phẳng của cuộc đời đối với mọi giá trị tinh thần mà họ tạo ra, thế mà họ vẫn viết. Lý giải rằng chính vì bản thân văn học nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng là một trong những niềm vui lớn nhất của con người và họ không ngừng tạo

tác để mở rộng tâm hồn người, để tạo nên muôn nghìn sợi dây nối liền ta với người, để nhân sự sống lên, để giúp cho người ta bước qua cuộc sống chật hẹp tù túng của mình và tìm đến sựđồng cảm của hàng trăm cuộc đời khác, nghe ra hợp lý hợp tình.

Nhất là đối với một dân tộc mà chiều dài lịch sử gắn liền với những cuộc chiến tranh giành độc lập, thì thơ ca tuyên truyền, cổ động đấu tranh phải có một vị trí quan trọng, khác thường. Đối với một dân tộc mà bão táp chiến tranh không ngừng gây thương tích, vấn đề tìm đường cứu nước, tìm ra chân lý cho cuộc đời luôn đặt con người vào những tình huống căng thẳng thì thơ ca yêu nước đã cho thấy sức mạnh, ý nghĩa của mình trong việc trở thành người bạn, người thầy, người dẫn đường đáng tin cậy của nhân dân.

Tồn tại giữa cuộc đời như một thực thể có tư duy và có khả năng sáng tạo, bất cứ ai trong chúng ta cũng có nhu cầu giao tiếp. Vì sống là phải sống với người khác, cần người khác và vì người khác.Khi mọi phương tiện liên lạc càng hiện đại thì mối liên hệ giữa nhà thơ và độc giả càng gần gũi, cởi mở và thân thiện. "Giao tiếp là một điều kiện của sự sống. Đã có giao tiếp là có trao đổi, có tác động lẫn nhau" [158, tr.487]. Cho nên, tác động là một phạm trù thuộc lĩnh vực sáng tác lẫn tiếp nhận văn học, là biểu hiện cụ thể từ nhu cầu giao cảm mãnh liệt của nhà thơ khi sáng tác. Để đạt được hiệu quả cao nhất, nhà thơ luôn cố gắng chọn lựa hình thức nghệ thuật thích hợp sao cho diễn đạt thành công nhất ý tưởng, cảm xúc của mình và tạo được sức tác động mạnh nhất, sức lan truyền bền bỉ nhất trong lòng độc giả. Do đặc trưng thể loại, thơ nghiêng hẳn về phương diện bộc lộ cảm xúc, tâm hồn nhà thơ. Bộc lộđể mà bộc lộ, bộc lộ cũng để mà tác động đến người đọc. Quá trình sáng tác là quá trình nhà thơ vừa trăn trở, bộc lộ, giãi bày, vừa đi tìm sự chia sẻ, đồng cảm, tìm mối dây liên kết với tri âm, với cộng đồng. Ai cũng phải nhọc nhằn, vất vả gieo vào trang viết từng con chữ, từng ý nghĩ với mong muốn khi nó đến được với người đọc thì có thể mắc lại nơi ấy. Trong tâm thức của mỗi người họ, thường trực là niềm khắc khoải muốn tạo ra những tác phẩm có hằng số nghệ thuật mới lạ, có tư tưởng nhân văn sâu sắc, có sức lay động vào tâm thức con người. Chính vì vậy mà

câu hỏi làm thế nào để người đọc đọc mình, hiểu mình, nghe theo mình… trở nên thật sự cần thiết đối với mỗi người cầm bút.

Đứng về phương pháp luận, nghiên cứu các biểu hiện thuộc về hình thức thi pháp của thơ chỉ là một hướng trong nhiều hướng nghiên cứu văn học. Nó được chúng tôi chọn nghiên cứu như một hướng đi tìm những nguyên nhân tạo nên sức sống bền bỉ, âm vang mạnh mẽ và nhất là sức tác động mãnh liệt của thơ ca. Trong xu hướng cần nên chú trọng việc nâng cao tính khoa học của ngành nghiên cứu văn học, phát hiện ngày càng sâu hơn bản chất và quy luật của văn học, từng bước khám phá ra con đường, hệ thống thao tác đáng tin cậy để hiểu sâu tác phẩm, hiểu sâu quá trình sáng tác và tiếp nhận, góp sức vào việc tạo ra những giá trị văn học mới và phát huy tác dụng của văn học trong cuộc sống thì đề tài nghiên cứu này là một nét nhỏ trong nhiều vấn đề mà thi pháp học hiện đại đang hướng tới. Mặt khác, như ý kiến của các nhà nghiên cứu văn học thì trong sáng tác và nghiên cứu ngày nay, chúng ta cũng đã không còn thơ ngây mà khẳng định một chiều, phiến diện theo kiểu hoặc chỉ thấy thơ là vũ khí của tư tưởng, hoặc chỉ thấy thơ ca là nghệ thuật, hoặc chỉ thấy thơ ca là ngôn ngữ. Đã trải qua một quá trình tranh luận lành mạnh và nghiêm túc để thấy rõ: thơ là tổng hợp của ba yếu tố đó. Lịch sử từ xưa đến nay cũng đã chứng minh cho ta thấy rõ rằng: nếu đã là một nghệ sĩ tài năng thì đồng thời cũng là một nhà tư tưởng, một nhà văn hóa lớn, một nhà ngôn ngữ học uyên bác. Cho nên, việc lựa chọn một góc nhìn hay một lĩnh vực nghiên cứu nào đối với văn thơ không còn là vấn đề để bàn luận vì mục đích cuối cùng của nó là mang lại một nét mới để bổ sung cho những vấn đề lý luận truyền thống thêm hoàn chỉnh hơn.

Chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu luận văn này từ những cơ sở thực tế đó, và cũng từ hy vọng quá trình sáng tác và nghiên cứu thơ ca ngày càng phong phú hơn, hoàn thiện hơn. Bởi chúng tôi cho rằng, đúng như lời của Nguyễn Văn Hạnh từng viết: "Không một lĩnh vực nào có thể thay thế được văn chương nghệ thuật trong việc giúp con người hiểu được cuộc sống và hiểu chính mình, sống có tình thương, có đạo lý, có văn hóa, vượt qua cái tầm thường, phàm tục để thăng hoa, để

ước mơ, vươn đến chân thiện mỹ. Nghệ thuật là lĩnh vực của cái đẹp, sự hài hòa, sự sống" [42, tr.255]. Chưa bao giờ văn học rời xa con người, chưa bao giờ văn học phản bội lại những ước mơ cao cả của con người. Trong mọi thời đại, sáng tạo văn học vẫn mãi là một hoạt động sáng tạo cao đẹp, đầy thánh thiện, đáng để tôn vinh.

Cuối cùng, chúng tôi muốn khẳng định rằng, như một lẽ tất yếu, các yếu tố thi pháp có khả năng tác động mạnh vào công chúng luôn giữ vai trò không nhỏ trong tiến trình thúc đẩy sự đổi mới và phát triển thơ ca Việt Nam, nó góp phần khẳng định và định hướng cho người cầm bút trong ý đồ đưa tác phẩm của mình đến với độc giả thêm sắc nét và có sức sống bền lâu hơn trong lòng người. Nỗ lực mà luận văn hướng tới là góp phần tìm tòi và khẳng định những hiệu quả nghệ thuật của các hình thức thi pháp ấy để góp thêm vào bề dày nghiên cứu thơ ca Việt Nam một cách nhìn nhận mới, thiết thực, bổ ích cho đội ngũ những người sáng tác trẻ ở Việt Nam hiện nay.

Một phần của tài liệu Đặc điểm thi pháp của thơ ca nhìn từ góc độ tác động (Trang 143 - 150)